Tăng trưởng xanh: Chìa khóa để Việt Nam phát triển bền vững

Tổng cục Thống kê công bố, GDP năm 2014 ước tính tăng 5,98%. Đây được đánh giá là một thành tựu của nước ta trong bối cảnh tình hình khó khăn hiện nay.

 

Trong những ngày đầu năm 2015, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2014 và định hướng phát triển trong tương lai của Việt Nam.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Năm 2014: Nền kinh tế đã có nhiều điểm sáng

PV: Năm 2014 đầy biến động đã đi qua, nền kinh tế – xã hội cũng đã có nhiều tín hiệu lạc quan. Xin Thứ trưởng cho vài nhận định, đánh giá?

 

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2014 là một năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, như: căng thẳng về chính trị và kinh tế giữa Nga – Ukraine; Nga – Mỹ và liên minh Châu Âu; sự trỗi dậy của phiến quân hồi giáo IS; kinh tế thế giới phục hồi chậm, cả ở các nước phát triển và đang phát triển.

 

Ở trong nước, chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt tình hình căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta…

 

Tuy nhiên, với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, năm 2014 là một năm thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội của Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp có hiệu quả của các cấp các ngành, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.

 

Tình hình kinh tế – xã hội của đất nước đã có nhiều chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tiền tệ ổn định, lãi suất giảm mạnh.

 

Trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra của năm 2014, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo).

 

Tăng trưởng kinh tế GDP đạt 5,98%, là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua (2012 đạt 5,25%; 2013 đạt 5,42%). Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015, thì đây là năm đầu tiên vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

 

Khu vực công nghiệp – xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 7,14% (năm 2013 chỉ tăng 5,43%), đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của cả nước, trong đó: khu vực công nghiệp chế biến chế tạo duy trì đà phục hồi và tăng trưởng cao, chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả năm tăng 8,7% (năm 2013 tăng 7,4%); Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức tăng 2,63% của năm trước; Khu vực dịch vụ tăng 5,96%.

 

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao và có xuất siêu; trong đó đáng chú ý là cùng với đà phục hồi của sản xuất công nghiệp, xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục chuyển biến với tốc độ tăng cao hơn nhiều so với năm trước và đạt xấp xỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng khá cao. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp và lãi suất thấp tạo điều kiện để tăng tổng cầu, đồng thời tác động làm giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Tỷ giá cơ bản ổn định, giá trị đồng tiền VND được giữ vững, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng cao hơn năm trước.

 

Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt khá, ước giải ngân cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng khoảng 7,8% so với năm trước; thu hút vốn FDI có những chuyển biến tích cực, vốn thực hiện tăng cao (vốn FDI thực hiện cả năm ước đạt 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước).

 

Thu NSNN đạt cao, vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động phát triển doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực bước đầu. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

 

PV: Thưa Thứ trưởng, nền kinh tế có thể nói là đang có những bước hồi phục. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, sự tăng trưởng này còn mong manh. Quan điểm của Thứ trưởng về nhận định trên thế nào?

 

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng:  Tôi hoàn toàn không đồng tình với nhận định như vậy.

 

Như đã phân tích ở trên, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 cho thấy rõ:  Nền kinh tế đã phục hồi trong hầu hết các ngành lĩnh vực với tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước; GDP Quý IV đạt tốc độ tăng cao nhất, xấp xỉ 7% và tăng trưởng cả năm vượt mục tiêu đề ra, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối NSNN, tiền tệ, tín dụng ổn định.

 

Tình hình đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều có cải thiện so với năm trước.

 

Vì vậy, nếu nhận định sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm qua còn mong manh là chưa thật chuẩn xác vì không phản ánh đúng với kết quả và diễn biến thực tế của nền kinh tế như đã nêu ở phần trên.

 

Điều cần nhấn mạnh thêm là, quá trình phục hồi và tăng trưởng ổn định của nền kinh tế phải xem xét trong bối cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn và thách thức cả trong và ngoài nước.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả hết sức tích cực đã đạt được, trong năm qua vẫn còn một số lĩnh vực cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn, như: Tiến trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế còn chậm; nợ công còn cao và cơ cấu chưa hợp lý; cân đối NSNN còn khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…

 

Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, trong thời gian tới, cần khắc phục những hạn chế, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm vừa qua, đồng thời, cụ thể hóa các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2015, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững đạt các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 đã đề ra.

Tái cơ cấu kinh tế phải đi liền với tăng trưởng xanh

PV: Nhiều chuyên gia nhận định tăng trưởng xanh không những không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, mà còn là con đường ngắn nhất để phát triển bền vững, Thứ trưởng có đồng tình với quan điểm này không?

 

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Tăng trưởng xanh” (Green Growth) là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế. Cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm tác động của biến đổi khí hậu.

 

“Tăng trưởng xanh” là việc làm cho các quá trình tăng trưởng trở nên hiệu quả về mặt tài nguyên, sạch hơn và chóng phục hồi hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào môi trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Nhìn nhận rõ xu thế này, tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

 

Có thể khẳng định rằng, nếu tăng trưởng kinh tế không gắn với tăng trưởng xanh thì cái giá phải trả trong tương lai rất lớn. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế lại càng phải tính đến tăng trưởng xanh.

 

Xác định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt, trong đó dấu mốc quan trọng là vào tháng 3/2014 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

 

Để thực hiện các mục tiêu Chiến lược và Kế hoạch hành động nêu trên, chúng ta phải quán triệt đổi mới một cách mạnh mẽ về tư duy phát triển xanh, phát triển bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; nêu cao được tính trách nhiệm của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và người dân, thấy rõ được những lợi ích lâu dài của tăng trưởng xanh đối với sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, tích cực huy động đa dạng các nguồn lực cả trong và ngoài nước để đầu tư vào tăng trưởng xanh.

 

Năm 2015 sẽ có nhiều cơ hội. Khả năng hội nhập sâu hơn với các FTA có hiệu lực, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được chính thức được thực hiện, tạo ra những cơ hội, đồng thời cũng có những thách thức mới.

 

Trong thế giới nhiều biến động, cơ hội luôn đi liền với thách thức. Vì vậy, quan trọng là chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội, biến thách thức thành cơ hội, thậm chí tự tạo cho mình cơ hội để phát triển. Tăng trưởng xanh là mô hình do chúng ta lựa chọn và đang thực hiện chính là cơ hội của Việt Nam, cơ hội do chính chúng ta tạo nên và nắm lấy để có thể vượt qua khó khăn, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

 

Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc Tạp chí một năm sức khỏe, thành công, với những bài viết hay, xây dựng được hệ thống cộng tác viên giỏi, xứng đáng là  cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan tham mưu của Chính phủ.

 

PV: Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng đã dành cho Tạp chí buổi trao đổi vô cùng hữu ích này. Chúc Thứ trưởng năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng!

 

Theo Kinhtevadubao.vn


Chia sẻ bài viết này