Mua bán điện thoại cũ – Miếng bánh không dễ nuốt

Những năm gần đây điện thoại di động đã trở thành vật dụng thiết yếu trong cuộc sống con người, đặc biệt khi công nghệ phát triển cho ra đời nhiều mẫu điện thoại thông minh thì vai trò của nó càng trở nên quan trọng. Mặc dù đã phổ biến nhưng thực tế không phải ai cũng có điều kiện để mua một chiếc điện thoại cấu hình cao, ngoại hình đẹp, lúc này họ đành phải lựa chọn mua điện thoại cũ. Cũng chính vì vậy mà thị trường mua bán điện thoại cũ sôi động không kém điện thoại mới, mở ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho nhiều người. Dù vậy, miếng bánh này tuy ngon nhưng không dễ nuốt, để tồn tại và phát triển được ý tưởng kinh doanh này bạn sẽ phải vượt qua không ít khó khăn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

  1. Thị trường điện thoại cũ sôi động

Dạo một vòng trên website chotot.com – thiên đường mua sắm đồ cũ trực tuyến – tại mục Điện thoại di động có tới 29956 tin rao bán được hiển thị trong vòng một tháng gần nhất. Nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ của thị trường này mà thôi, thực tế còn hàng chục website và cửa hàng chuyên mua bán điện thoại cũ khác vẫn đang từng ngày nhộn nhịp giao dịch. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường điện thoại cũ rất cao, không chỉ đông kẻ bán mà số lượng người mua cũng không hề ít.

Người chọn mua điện thoại cũ vì giá bán của chúng thường thấp hơn hàng mới từ 1 đến 3 triệu đồng, thậm chí còn thấp hơn nữa với các mẫu lâu đời hoặc đến từ thương hiệu ít tên tuổi. Với các cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại cũ, nguồn hàng có giá nhập rẻ, một số nơi còn tìm được mối nhập theo lô từ nước ngoài nên được chiết khấu cao, nhờ vậy mà lợi nhuận thu về khá lớn.

Theo thống kê từ cuộc khảo sát 173.000 tin rao bán trên chotot.com, iPhone là dòng điện thoại cũ được tìm kiếm, mua và bán nhiều nhất, chiếm tới 27,3%, kế tiếp là Nokia với 17,8%, xếp thứ ba mới đến Samsung với 15,7%. Ngoài vấn đề thương hiệu thì iPhone được chọn mua đồ cũ nhiều hơn vì chất lượng tốt, phần mềm và phần cứng ít bị xuống cấp theo thời gian.

Thị trường điện thoại cũ sôi động và tăng trưởng theo từng năm, nguyên nhân chủ yếu vì các hãng di động trên thế giới liên tục tung ra các mẫu mã mới khiến cho nhu cầu “đổi máy” của người dùng cũng tăng lên theo. Nhờ vậy mà nguồn cung điện thoại cũ dồi dào hơn, đặc biệt là iPhone, Samsung và Nokia. Đây chính là điều kiện thuận lợi nếu ai đang muốn “dấn thân” vào lĩnh vực này để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.

  1. Miếng bánh không dễ nuốt

Thị trường sôi động cũng đồng nghĩa với tỉ lệ cạnh tranh cao, đây là một trong những trở ngại mà bạn cần phải giải quyết nếu muốn mua bán điện thoại cũ. Không chỉ cạnh tranh với những cửa hàng quy mô nhỏ mà đối thủ của bạn còn là các ông lớn như FPT Shop, Thế Giới Di Động,… Mặc dù điện thoại cũ của những thương hiệu này có giá bán cao hơn nhưng ưu điểm lại nằm ở tên tuổi. Họ có chế độ bảo hành tốt, đồng thời bảo chứng được chất lượng của sản phẩm nên dù giá cao thì nhiều người vẫn chọn mua tại đó.

Vấn đề thứ hai mà bạn sẽ gặp phải là xây dựng uy tín, đã có quá nhiều vụ lừa đảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua để bán hàng dựng (hàng lắp ráp linh kiện khác), hàng lỗi,… khiến cho việc kinh doanh điện thoại cũ ngày càng khó khăn. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, họ muốn cạnh tranh với đối thủ nên hạ giá bán thấp hơn một chút, nhưng khách đến mua lại ngần ngại vì cho rằng chỉ hàng rởm mới bán rẻ như vậy. Đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan bạn buộc phải đưa ra những chiến lược tạo lòng tin và giữ chân khách hàng thật tốt. Một số người chọn cách tăng hỗ trợ bảo hành, một số lại áp dụng mua một đổi một trong thời gian nhất định. Dù thế nào thì rào cản lòng tin cũng là bước đi khó khăn khi kinh doanh điện thoại cũ.

Bên cạnh khó khăn khi bán thì lúc nhập hàng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, vì thực chất trước khi bán cho người khác bạn cũng là một người mua điện thoại cũ. Nếu thiếu kiến thức bạn có thể mua phải các sản phẩm bị lỗi ngầm, nghĩa là phải dùng một thời gian mới phát hiện được các lỗi đó hoặc mua phải iPhone bị ăn cắp, và rất rất nhiều trường hợp khác.

Qua đây dễ thấy rằng muốn kinh doanh điện thoại cũ thì bạn phải có một chiến lược rõ ràng để cạnh tranh và tạo dựng lòng tin của khách hàng, đồng thời trang bị những kiến thức chuyên môn để phân biệt hàng thật, hàng giả, xác định lỗi,… Mặc dù vậy không thể phủ nhận tiềm năng của ý tưởng kinh doanh này, trong tương lai chắc chắn nhu cầu mua điện thoại cũ sẽ tăng cao hơn, hứa hẹn cơ hội phát triển tuyệt vời cho bạn.

>> Ý tưởng kinh doanh phụ kiện điện thoại

 


Chia sẻ bài viết này