Những sai lầm cần tránh khi tuyển nhân viên

Nếu coi toàn doanh nghiệp là một bộ máy thì mỗi nhân viên đóng vai trò như một chiếc bánh răng. Bộ máy chỉ vận hành tốt khi có đầy đủ bộ phận và chúng phải phối hợp ăn khớp với nhau. Điều này cũng nói lên tầm quan trọng của nhân viên đối với mỗi doanh nghiệp, không có nhân viên thì doanh nghiệp khó mà phát triển lớn mạnh được. Đây là lý do các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ luôn coi trọng quá trình tuyển dụng với mong muốn thu hút nhân tài về với mình. Tuy nhiên, tuyển nhân viên thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, mất ít chi phí nhất thì không phải đơn vị nào cũng làm được. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số sai lầm mà bạn nên tránh.

1. Không ghi rõ thông tin công việc

Các nhà tuyển dụng thường yêu cầu CV xin việc của ứng viên càng chi tiết càng tốt trong khi nhiều người lại viết một bảng thông tin công việc rất sơ sài. Dễ thấy nhất là các thông tin chung chung như “Biết ngoại ngữ…”, “Có thể thành thạo tin học văn phòng…”. Tác dụng sàng lọc của những yêu cầu kiểu này không cao dẫn đến ứng viên nộp hồ sơ ồ ạt, người không đủ trình độ quá nhiều, gây mất thời gian phỏng vấn.

Vì vậy, khi đăng tin tuyển dụng phía doanh nghiệp phải liệt kê cụ thể, chi tiết những công việc của ví trí đó và trình độ tương ứng. Như thế vừa tuyển được người phù hợp vừa tiết kiệm tối đa thời gian, tiền bạc.

2. Không kiểm tra lại thông tin của ứng viên khi phỏng vấn

Chuyện ứng viên khai gian hồ sơ khi đi tuyển dụng là điều rất thường gặp, đó cũng là lý do vì sao vòng phỏng vấn ra đời. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại hay quên mất điều này, chỉ tập trung hỏi về kỹ năng của ứng viên mà thôi. Một số người cho rằng kỹ năng thực sự của ứng viên mới quan trọng còn thông tin trên hồ sơ chỉ là điều kiện cần. Quan niệm này không sai, nhưng liệu rằng bạn có muốn thuê một người hay nói dối, nói quá sự thật không?

Vài câu hỏi rà soát lại tính xác thực của thông tin ứng viên đã khai báo, đặc biệt là kinh nghiệm làm việc, không tốn quá nhiều thời gian, giúp bạn đánh giá được sự trung thực, tính nghiêm túc của ứng viên đó.

3. Hẹn quá nhiều người phỏng vấn cùng lúc

Có một sai lầm mà các doanh nghiệp thường mắc phải, đó là hẹn quá nhiều người để phỏng vấn cùng lúc. Điều này tưởng chừng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian thế nhưng lại khiến các ứng viên không hài lòng. Vì quá nhiều người thì ứng viên phải chờ đợi lâu, đôi khi mất cả buổi mới đến lượt, họ sẽ đánh giá thấp tính chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng. Để tránh tình trạng này bạn có thể hẹn phỏng vấn vào các khung giờ khác nhau trong cùng một buổi, vừa giúp bạn có thời gian nghỉ ngơi, sắp xếp lại hồ sơ vừa không bắt ứng viên phải chờ đợi.

4. Nói nhiều hơn hỏi

Tính chất của buổi phỏng vấn là nhà tuyển dụng hỏi, ứng viên trả lời. Tuy nhiên, để buổi phỏng vấn bớt nhàm chán và kích thích tinh thần của ứng viên, ngoài đặt câu hỏi nhà tuyển dụng có thể nói thêm đôi điều giới thiệu về công ty. Nhưng thực tế, không ít người lại làm ngược hai điều này, nói nhiều hơn hỏi, khiến cho ứng viên không có cơ hội mở lời thể hiện bản thân.

Đừng quên mục đích bạn mời ứng viên đến nói chuyện trực tiếp là để khảo nghiệm khả năng ứng xử và kỹ năng chuyên môn của họ, vì vậy nên có trước một số câu hỏi trọng tâm để tránh lạc đề.

5. Bị bằng cấp đánh lừa

Mặc dù câu chuyện bằng cấp là tất cả đã lui vào dĩ vãng khá lâu, nhưng thực tế tâm lý của không ít nhà tuyển dụng vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố này. Nhiều loại văn bằng và bằng nào cũng đạt loại ưu quả thật khiến cho giá trị của ứng viên được nâng cao không ít, nhưng điều đó không cho thấy năng lực thực tế của họ. Bạn cần thật tỉnh táo, soạn sẵn các câu hỏi chuyên môn hoặc cần kinh nghiệm cho họ, vì những gì có trong lý thuyết đa phần họ đều trả lời rất tốt.

Tuyển nhân viên bạn sẽ phải làm việc với rất nhiều người, mà mỗi người lại có tính cách và khả năng khác nhau, vì vậy sẽ có không ít tình huống bất ngờ xảy ra dẫn đến các sai lầm không đáng có. Bạn nên dự đoán và đưa ra biện pháp để giải quyết những tình huống này một cách tốt nhất.

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Bí quyết gắn kết nhân viên của nhà lãnh đạo tài giỏi (P1)

Bí quyết gắn kết nhân viên của nhà lãnh đạo tài giỏi (P2)

7 điều giúp bạn từ nhân viên trở thành lãnh đạo

 


Chia sẻ bài viết này