Các chuyên gia tại Goldman Sachs vừa đưa ra các dự đoán về thị trường năm 2016. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thị trường chứng khoán nóng trở lại, giá dầu giảm… được tin rằng sẽ là những xu hướng chủ đạo trên toàn cầu trong năm tới.
-
Tăng trưởng toàn cầu ổn định
Các chiến lược gia dự đoán GDP toàn cầu sẽ đạt 3,2% trong năm nay và sẽ tăng lên 3,6% trong năm tới. Mặc dù nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng 7 năm trước khi bước vào suy thoái nhưng cơ quan dự báo vẫn có cái nhìn khá lạc quan vào sự tăng trưởng trong năm 2016.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế tại Mỹ có khả năng sẽ tăng nhẹ 2,8%, làm cho tốc độ tăng trưởng hàng năm của nước này đạt mức nhanh nhất kể từ năm 2005. Khu vực Eurozone cũng sẽ có tăng trưởng nhẹ so với năm 2015 ở mức 1,6%. Riêng mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản được dự báo là xuống 0,6% trong năm 2015 và xuống 1% năm 2016. Vì vậy, các chuyên gia đưa ra lời khuyên nên đầu tư vào đồng Đô-la Mỹ, và ngược lại, không nên đầu tư cho đồng Euro cũng như đồng Yên Nhật.
-
Lạm phát thấp
Theo báo cáo, lạm phát toàn cầu có xu hướng cải thiện trong năm 2016. Tại Mỹ, lạm phát năm 2015 được dự báo giảm xuống 0,1% và sẽ tăng dần trong năm 2016 tới mức 2% như mục tiêu đề ra. Tại nhiều nước phát triển, nhất là tại Châu Âu và Đông Á, lạm phát cũng được dự báo ở mức thấp so với mục tiêu. Tại các nước đang phát triển và mới nổi, lạm phát năm 2016 được dự báo giảm, nhất là tại những nước phá giá mạnh trong những tháng vừa qua như Nga và Brazil.
Nhìn chung, tình hình tài chính toàn cầu tiếp tục diễn biến thuận lợi, lãi suất tại Mỹ sẽ tăng dần, các nước phát triển sẽ từng bước trở lại chính sách tiền tệ bình thường, lạm phát sẽ tăng dần theo mục tiêu đề ra. Tại các nước đang phát triển và mới nổi, giá cả các loại hàng hóa ổn định ở mức thấp.
Lạm phát năm 2016 có xu hướng cải thiện
Phân kỳ chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì
Giới đầu tư đã rục rịch quay lại thị trường khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “bật đèn xanh” cho khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 tới. Fed khá thận trọng trong việc cho phép giá trị đồng Đô-la tăng nhanh và mạnh. Vừa rồi Trung Quốc phá giá đồng tiền khiến quyết định của Fed trở nên khó khăn. Nếu Fed quyết định tăng lãi suất, đồng USD sẽ hồi phục rất mạnh, dẫn đến tình trạng xuất khẩu của Mỹ khó khăn hơn, sức cạnh tranh của Mỹ sẽ kém hơn so với các nước khác, đặt biệt là Trung Quốc.
Trong các tuyên bố gần đây, Chủ tịch Fed, Janet Yellen, cho biết tháng 12 có thể là thời điểm thích hợp để nâng lãi suất lên khỏi mức 0%. Mặt bằng chung là Fed sẽ vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Fed cũng dự báo tình hình kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có chiều hướng tích cực thời gian tới. Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản sẽ vẫn u ám trong bối cảnh phục hồi yếu ớt.
-
Giá dầu giảm
Lượng dầu dự trữ của Mỹ đang ở mức cao nhất trong gần 1 thế kỷ, và sản lượng khai thác dầu vẫn còn rất lớn. Theo xu hướng này, lượng dầu có thể sẽ đạt đến giới hạn lưu trữ. Lúc đó, cách duy nhất để giảm bớt lượng dầu dư thừa là bán ra với giá giảm mạnh.
Với tình hình như trên, giá dầu trên thế giới cũng có thể sẽ giảm đáng kể. Theo đó, nhiều loại hình kinh doanh như dịch vụ vận tải, thực phẩm… có khả năng sẽ giảm giá theo.
Lượng dự trữ dầu thô của Mỹ
-
Giá nguyên vật liệu biến động
Các mặt hàng nguyên vật liệu như thép, xi-măng và quặng sắt rất khó bán ra thị trường do giá các nguyên liệu phụ trợ tăng cao đã đẩy giá các mặt hàng này lên khá cao. Ngược lại các nguyên liệu như nhôm, đá và năng lượng lại có giá thấp hơn nên các nhà sản xuất không mấy “mặn mà” với những loại hàng này.
Trong năm 2016, các chuyên gia kỳ vọng giá cả nguyên vật liệu sẽ giảm và các quốc gia sẽ tiếp tục nỗ lực cân bằng cán cân nhu cầu của người dùng.
Bức tranh kinh tế năm sau được các chuyên gia dự báo khá tươi sáng. Năm 2016 sẽ có những biến chuyển tích cực kết thúc chuỗi 3 năm đi xuống của nền kinh tế. Chỉ còn hơn một tháng nữa là năm 2015 sẽ kết thúc, chúng ta hãy cùng chờ xem!
Xem thêm: Những dự báo thị trường năm 2016 (Phần 2)