Những điều cần hỏi khi phỏng vấn xin việc (P2)

Không chỉ doanh nghiệp mới có nhu cầu tìm hiểu và đánh giá năng lực của ứng viên, mà chính các ứng viên cũng cần có cái nhìn tổng quan về môi trường trong doanh nghiệp, tính chất công việc, các điều kiện phát triển,… Vì vậy khi đi phỏng vấn bạn cũng nên đặt ra những câu hỏi khéo léo cho nhà tuyển dụng. Phần 1 của bài viết Những điều cần hỏi khi phỏng vấn xin việc, chúng tôi đã gợi ý 3 câu hỏi khá hữu ích cho bạn, và phần 2 này sẽ là những câu hỏi thú vị khác.

4. Ứng viên lý tưởng mà nhà tuyển dụng chọn như thế nào?

Trước khi bắt đầu chương trình tuyển dụng chắc chắn công ty đã định hình mẫu nhân viên lý tưởng cho từng vị trí, và họ đang tìm một người phù hợp nhất. Vì vậy, ngay sau khi trình bày kinh nghiệm, kỹ năng của mình hãy hỏi họ muốn có một nhân viên thế nào cho vị trí này. Với câu trả lời của nhà tuyển dụng bạn sẽ biết mình đã đạt được bao nhiêu phần trăm yêu cầu của họ mà không cần đoán già đoán non nữa.

Để gây ấn tượng tốt thì hãy tiếp tục thể hiện rằng mình sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân sao cho phù hợp với những gì họ mong muốn. Các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên quan tâm đến công việc và luôn cố gắng cải thiện như thế.

5. Công ty đang gặp phải thách thức gì?

Thông tin về những thành công của doanh nghiệp bạn sẽ rất dễ tìm được trên mạng Internet hoặc các nguồn truyền thông khác như báo đài, truyền hình, thế nhưng doanh nghiệp lại thường khá kín tiếng về khó khăn, thách thức mình đang gặp phải. Để thể hiện sự quan tâm tới tình hình chung của công ty hãy hỏi nhà tuyển dụng các thách thức mà công ty phải đối mặt.

Những câu hỏi nhạy cảm kiểu này nếu không xử lý tốt sẽ khiến bạn trở thành kẻ tọc mạch cố tìm ra lỗi sai hơn là bày tỏ sự quan tâm. Vì vậy, sau khi nói về các thành tựu công ty đã đạt được bạn mới nên hỏi về thách thức và thể hiện bản thân rất muốn cống hiến để cùng công ty vượt qua thách thức đó.

6. Những yếu tố gì ở bạn mà công ty nghĩ rằng phù hợp với công việc hiện tại?

Để đến được vòng phỏng vấn xin việc thì chắc chắn bạn đã lọt qua vòng duyệt hồ sơ trước đó, cũng tại vòng hồ sơ này các nhà tuyển dụng sẽ lọc ra ứng viên có điều kiện, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với công việc hiện tại. Thế nên khi bạn hỏi công ty chú trọng yếu tố nào ở bạn là điều rất bình thường. Có được câu trả lời bạn sẽ biết mình phải nhấn mạnh điều gì khi giới thiệu bản thân để gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Ngoài ra, câu hỏi này cũng thể hiện bạn có suy nghĩ chu đáo và rất quan tâm đến công việc ứng tuyển.

7. Bạn có thể giúp gì để quyết định tuyển mình trở nên dễ dàng?

Nghe thì có vẻ dư thừa nhưng câu hỏi: “Tôi có thể giúp gì để quyết định tuyển tôi trở nên dễ dàng hơn?” lại rất hữu ích khi kết thúc cuộc phỏng vấn. Dù đa phần câu trả lời nhận được đều mang tính tượng trưng nhưng đó sẽ lần gây ấn tượng ngay trước khi rời đi của bạn, thể hiện rằng bạn đang rất hào hứng với công việc sắp tới. Những ứng viên có tinh thần cầu tiến như vậy luôn ghi được điểm cao hơn người tỏ thái độ dửng dưng sau khi biết cơ hội trúng tuyển thấp.

Phỏng vấn xin việc là một cuộc đối thoại hai chiều, nhà tuyển dụng hỏi để tìm người phù hợp, ứng viên hỏi để đánh giá khả năng, doanh nghiệp và công việc.

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Những điều cần hỏi khi phỏng vấn xin việc (P1)

Những bộ phận không thể quên khi tuyển dụng nhân viên (P1)

Những bộ phận không thể quên khi tuyển dụng nhân viên (P2)


Chia sẻ bài viết này