Kinh doanh nhà hàng phức tạp hơn bán lẻ rất nhiều, vì ngoài các hoạt động mua bán thông thường bạn còn phải cung cấp các dịch vụ để thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Chính vì lý do này mà nhiều chủ kinh doanh thường rất đau đầu khi phải kiểm soát toàn bộ tình hình trong nhà hàng trong khi bản thân còn bận rộn rất nhiều việc. Bài viết này sẽ chia sẻ một số bí quyết giúp bạn có thể quản lý nhà hàng của mình tốt hơn.
1. Quản lý nhân viên
Trong nhà hàng có nhiều hoạt động khác nhau nên để mọi việc diễn ra nhanh chóng thì thuê nhân viên là điều tất yếu. Thông thường các nhà hàng sẽ có đầu bếp (bếp trưởng và phụ bếp), nhân viên phụ bàn, nhân viên quản lý chung và lễ tân. Mỗi nhân viên đều được phân công nhiệm vụ riêng, khó khăn của bạn là không thể bao quát hết công việc của từng người.
Để dễ dàng quản lý bạn nên chọn ra trưởng nhóm cho từng bộ phận, trưởng nhóm sẽ báo cáo chi tiết công việc cho quản lý chung, sau đó tổng hợp và báo cáo lại với bạn. Khi giao việc bạn cũng chỉ cần đưa ra yêu cầu tổng quát cho quản lý, họ sẽ tự phân bổ đến từng thành viên cho hợp lý.
Làm nhân viên nhà hàng thực ra rất vất vả, để khích lệ tinh thần nhân viên bạn nên có chế độ thưởng phạt rõ ràng. Ví dụ nhân viên đi làm đẩy đủ, luôn đúng giờ thì được thưởng theo doanh số của cả nhà hàng chẳng hạn. Để mọi thứ đi vào kỉ luật bạn cần đưa ra những quy định ngay từ khi nhân viên mới vào làm việc và thống nhất hình thức phạt khi họ vi phạm.
Ngoài ra vấn đề đào tạo cũng rất quan trọng, vì kinh doanh nhà hàng là loại hình dịch vụ nên làm sao để khách hàng hài lòng luôn là tiêu chí hàng đầu. Bạn nên tổ chức những buổi đào tạo kĩ năng cho nhân viên và thường xuyên kiểm tra, chứng thực. Mục đích của việc làm này không chỉ vì muốn chất lượng phục vụ tằng lên mà còn là cách để sàng lọc, loại bỏ người thiếu tích cực, không chăm chỉ làm việc.
Riêng với bộ phận nhà bếp, những nhân viên cốt cán của nhà hàng, bạn phải đặc biệt tuyển chọn cẩn thận. Bếp trưởng phải là người biết sắp xếp công việc của mọi người hợp lý, vừa quy củ vừa có óc sáng tạo.
2. Quản lý tài chính của nhà hàng
Kinh doanh nhà hàng bạn vừa phải sản xuất (chế biến thức ăn) vừa phải bán nên các hoạt động cần chi phí là rất nhiều, nếu không có phương pháp quản lý tài chính tốt thì rất dễ bị thâm hụt hoặc nhầm lẫn. Đặc biệt là khi nhà hàng đông khách, kẻ ra người vào liên tục, nhân viên thì bận rộn nên chuyện tính nhầm hoá đơn thường xuyên xảy ra hơn.
Để tiện cho việc theo dõi chi – thu bạn nên sử dụng một phần mềm quản lý nhà hàng với các chức năng tự động thống kê, tính toán từng khoản theo thời gian cụ thể. Các hoạt động cần tiền như mua nguyên vật liệu, sắm sửa trang bị,.. cần phải báo cáo với kế toán để ứng tiền trước, sau đó dựa trên hoá đơn để tính toán rồi nhập vào phần mềm. Các khoản thu cuối ngày cũng vậy, đều phải đưa dữ liệu để phần mềm tính toán rồi báo cáo chính xác cho bạn.
Riêng vấn đề thanh toán tiền cho khách, bạn không nên áp dụng hình thức thanh toán tại chỗ mà hãy tạo quầy lễ tân riêng, yêu cầu khách ra đó để nhận hoá đơn và chi trả, tránh trường hợp bị nhân viên ăn bớt. Các bàn ăn nên được đánh số cho dễ quản lý.
3. Quản lý nguyên liệu
Đây là một khâu khá khó khăn đối với các chủ nhà hàng, vì ngoài quá trình nhập vào nó còn bao gồm cả quá trình định lượng để chế biến. Không ít nhà hàng thường gặp phải trường hợp tổng kết cuối tháng bị hao hụt rất nhiều, nguyên nhân là do nhà bếp thông đồng với bên quản lý nguyên liệu, cắt giảm thành phần của món ăn nhưng vẫn báo cáo đủ. Để tránh trường hợp này bạn cần phải giao cho quản lý chung việc thống kê, báo cáo càng chi tiết càng tốt. Dĩ nhiên chính bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra kho và nhà bếp để kiểm soát tình hình.
Như vậy có thể thấy quản lý nhân viên, quản lý tài chính và quản lý nguyên liệu là 3 quá trình rất quan trọng khi kinh doanh nhà hàng, bạn nên lập kế hoạch chi tiết, cụ thể để nắm bắt tình hình thường xuyên.
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Bí quyết lên thực đơn khi kinh doanh nhà hàng
Ngày tàn của phần mềm quản lý bán hàng truyền thống đã đến?
3 bí quyết gia tăng khách trung thành cho nhà hàng