8 việc làm của sếp khiến nhân viên nghỉ việc (P2)

Nhân viên nghỉ việc, đó là kết quả mà không ai mong muốn cả, nhưng sẽ thật khó để tiếp tục khi mà mối quan hệ với sếp bắt đầu rạn nứt. Không thể đổ lỗi cho bất kỳ bên nào khi đi đến kết cục đó, tuy nhiên, với tư cách một nhà quản lý thì các sếp trước tiên phải tự  nhìn lại để kiểm điểm những việc mình đã làm trước đó, xem nó đã đúng hay chưa, có phù hợp hay không. Trong phần 1 bài viết 8 việc làm của sếp khiến nhân viên nghỉ việc chúng ta đã đã đi tìm hiểu 4 nguyên nhân đầu tiên, tiếp theo, hãy cùng chúng tôi đi đến 5 hành động nữa mà sếp cần phải tránh nếu muốn giữ chân nhân viên.

Cực chẳng đã nhân viên mới phải xin nghỉ việc

5. Không để nhân viên theo đuổi đam mê của mình

Những nhân viên tài năng thì luôn có đam mê, tạo điều kiện để họ theo đuổi niềm đam mê là một cách rất tốt để cả thiện năng suất và mức độ hài lòng của họ đối với công việc. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý lại muốn nhân viên làm việc trong một cái hộp kín, vì lo sợ năng suất sẽ giảm nếu để cho họ tập trung vào một niềm đam mê khác ngoài công việc.

Đây đúng là một nhận định vô căn cứ, một sai lầm dẫn tới kết quả tồi tệ mà không ai mong muốn. Theo các nghiên cứu cho thấy, những người có thể theo đuổi đam mê thường làm việc hăng hái hơn, họ biết cách sắp xếp các công việc hợp lý để chúng hỗ trợ cho nhau chứ không hề lơ là như chúng ta vẫn tưởng. Vì vậy, thay vì quá khắt khe trong những vấn đề riêng tư, các sếp cần để cho nhân viên có một không gian phát triển toàn diện. Đừng lo lắng đam mê sẽ ảnh hưởng tới công việc của nhân viên, vì những người đó thường rất kiên định với lý tưởng của mình, khi họ đã lựa chọn là sẽ theo đuổi đến cùng để hoàn thành mục tiêu đề ra.

6. Không phát triển kỹ năng cho nhân viên

Khi ứng tuyển vào một công ty nào đó, ngoài vấn đề tiền lương nhân viên còn quan tâm đến công tác đào tạo mà mình sẽ nhận được trong quá trình làm việc. Mặc dù đây là phần mà công ty bắt buộc phải thực hiện theo cam kết để nâng cao trình độ cho nhân viên, cải thiện năng suất và hiệu quả công việc, nhưng hiện nay nhiều nơi lại làm rất qua loa.

Dễ thấy nhất là khi đào tạo nhân viên mới, các công ty thiếu chuyên nghiệp thường không có một quy chuẩn thống nhất, tài liệu tham khảo rất sơ sài, đều là người đi trước truyền miệng kinh nghiệm cho người đến sau, dẫn đến việc nhân viên mới hầu như “mù tịt” về công ty và sản phẩm, phải mất một khoảng thời gian khá lâu mới bắt đầu làm quen để hiểu dần. Còn đối với nhân viên cũ, thay vì gửi họ đi học các khoá chuyên nghiệp để nâng cao kỹ năng chuyên môn lại đẩy sang cho một nhân viên “lâu năm” hơn làm “thầy giáo”.

Kiểu đào tạo “chộp giật” này hiển nhiên là khiến nhân viên bất mãn, chẳng những họ không học hỏi được gì mà chỉ thấy rối loạn thêm, rồi một ngày họ cũng sẽ rời bỏ sang công ty khác nhiều tiềm năng phát triển hơn là cứ ở nơi có nguy cơ kéo tụt họ xuống.

7. Không cho nhân viên sáng tạo

Công việc nhàm chán, sếp không thấu hiểu thì trách ai được đây?

Nhiều người ví môi trường công sở như một cái hộp kín, nhân viên là những cỗ máy hàng ngày lặp đi lặp lại các công việc đơn điệu trong đó. Trong nhiều trường hợp thì kiểu ví von này cũng không sai, nhất là khi các vị sếp vô tình bóp chết sự sáng tạo của nhân viên. Có lẽ suy nghĩ “Tôi luôn đúng” đã ăn sâu vào tâm trí những vị sếp ấy, hoặc họ ngại thay đổi, cũng có thể là họ lo sợ nhân viên đang “phá hoại” chứ không phải “sáng tạo”.

Việc hạn chế nhân viên sáng tạo cũng như bịt mũi người khác vậy, mặc dù vẫn thở được bằng miệng nhưng chắc chắn sẽ rất khó chịu, lâu dần tích tụ thành sự bất mãn, đến điểm kết cuối cùng nó hoá thành trơ lì không cảm xúc, nhân viên trở thành cỗ máy đúng nghĩa. Để nhân viên sáng tạo trong khuân khổ tuy khó nhưng nó là chức trách mà một vị sếp giỏi cần phải có, đã làm nhà quản lý thì phải biết định hướng suy nghĩ có nhân viên chứ không phải chỉ huy họ làm theo ý mình.

Thả cho họ một không gian đi, không gian trong suy nghĩ ấy!

8. Đặt mục tiêu như thách đố

Mục tiêu là động lực để hoàn thành công việc, nhưng nó sẽ biến thành quả tạ treo lơ lửng trên cổ nhân viên nếu quá nặng, quá xa vời, quá viển vông. Các vị sếp luôn muốn nhiều, nhiều và nhiều hơn nữa, họ đòi hỏi nhân viên gồng mình lên làm, khai thác triệt để sức lực của nhân viên. Đó gọi là cống hiến?

Một mục tiêu phải được xác lập dựa trên tình hình thực tại, sau khi đã đánh giá khách quan yếu tố tác động nội vi, ngoại vi chứ không phải nhìn nhân-viên-nhà-người-ta mà so sánh. Tổng hợp từ đầu bài viết đến giờ, một vị sếp không quan tâm đến nhân viên, không đào tạo họ một cách chuyên nghiệp, không cho họ theo đuổi đam mê và sáng tạo lại muốn họ dùng hết niềm tin và sức lao động để thực hiện một mục tiêu ảo vọng?

Có đôi khi, cái mục tiêu xa vời ấy “chẳng may” đạt được, liệu rằng các vị sếp có biết lý do thực sự là vì sao không?

Cái khó của làm sếp, làm lãnh đạo không phải là kỹ năng chuyên môn cao, kiến thức sâu rộng, mà là phải thấu hiểu được nhân viên. Sai lầm nhất thời của sếp là lý do khiến nhân viên chán nản nghỉ việc!

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

8 việc làm của sếp khiến nhân viên nghỉ việc (P1)

8 bí quyết giữ nhân viên giỏi (Phần 1)

8 bí quyết giữ nhân viên giỏi (Phần 2)


Chia sẻ bài viết này