So với kinh doanh điện thoại chính thống thì bán hàng xách tay cũng có nhiều ưu thế riêng, như cần ít vốn hơn, dễ bán hơn,… Nhưng quan trọng nhất vẫn phải tìm được nguồn hàng vừa chất lượng vừa về liên tục lại được chiết khấu cao. Đối với các sản phẩm công nghệ, giá trị cao như điện thoại thì là một nan đề không dễ giải quyết, nếu sai lầm dẫn dễ bị lỗ vốn hàng trăm triệu đồng. Vì vậy trong bài viết này chúng tôi xin chia sẻ một số nguồn hàng khi kinh doanh điện thoại xách tay để các bạn tham khảo.
Hiện nay trên thị trường có 3 loại điện thoại xách tay phổ biến, xếp theo chất lượng và giá bán mà chia thành:
-
Nguồn hàng điện thoại xách tay loại I
Hầu hết sản phẩm đều là điện thoại mới 100%, chưa qua sử dụng và được mua tại các nước bản địa, mang về Việt Nam theo đường máy bay, vì vậy giá cả khá cao và thường rất hiếm. Các mối buôn sẽ liên hệ với người thân, bạn bè, tiếp viên hàng không hoặc du học sinh để nhờ mang máy về hộ, nhờ vậy máy vẫn còn nguyên vẹn, không bị xây xước hay bóp méo. Dòng này đắt giá nhất khi các sản phẩm chính chưa được tung ra ở thị trường Việt Nam, lúc này giá của nó có thể gấp rưỡi máy xịn, thường tập trung vào các loại điện thoại cao cấp như iPhone, Samsung, Sony,…
-
Nguồn hàng điện xách tay loại II
Dòng này có hai loại, một là hàng bị lỗi trong khâu sản xuất, không được xuất xưởng vì không đạt chỉ tiêu, có giá rẻ hơn từ 10 – 40%, hai là Like New hay còn gọi hàng lướt, nghĩa là điện thoại đã qua sử dụng nhưng còn khá mới. Hàng xách tay loại II có giá rẻ hơn loại I một chút, thường có xuất xứ từ Mỹ, Hàn, Nhật, Sing,… So với loại I thì dòng điện thoại này có nguồn hàng dồi dào hơn, bạn có thể nhập buôn theo lô từ các đại lý trung gian với mức chiết khấu tương đối cao. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển thường xảy ra va đập khiến vỏ ngoài của một số sản phẩm bị biến dạng. Ngoài ra hàng loại II ít khi có đủ phụ kiện đi kèm.
-
Nguồn hàng điện thoại xách tay loại III
Loại này có giá rẻ hơn hàng xịn khá nhiều, được gọi là hàng dựng, nghĩa là linh kiện trong máy đã bị thay thế. Chất lượng của hàng dựng không cao, thường xuyên gặp lỗi trong quá trình sử dụng nhưng vì giá rẻ, ngoại hình không khác gì hàng thật nên vẫn có nhiều người mua. Hàng dựng đã từng có một thời hoàng kim, rất nhiều cửa hàng điện thoại vừa và nhỏ kinh doanh loại này. Tuy nhiên sau những vụ dùng hàng dựng lừa đảo khách hàng thì dòng này gần như bị tẩy chay, chỉ ai muốn kiếm lời bất chính mới thường xuyên nhập về bán. Dĩ nhiên bạn vẫn có thể kinh doanh, vì thực tế có không ít người biết là hàng dựng nhưng vẫn mua, chỉ có điều nên rõ ràng ngay từ đầu để tránh tranh chấp sau này.
Tựu chung lại điện thoại xách tay có giá nhập thấp hơn hàng chính hãng rất nhiều, là một trong những mặt hàng dễ đem lại lợi nhuận nhất. Nhưng cũng như khi kinh doanh điện thoại cũ, quá trình xây dựng uy tin của bạn sẽ rất khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Ngoài ra chính sách bảo hành cũng rất quan trọng, vì các công ty sẽ không chịu trách nhiệm với hàng xách tay nên cửa hàng của bạn phải đứng ra đảm bảo cho khách, tốt nhất là thiết lập các điều khoản rõ ràng ngay từ đầu.
Trên đây là 3 nguồn hàng điện thoại xách tay phổ biến, hi vọng sẽ giúp ích cho quá trình kinh doanh của bạn.