Trong bài viết Nguồn hàng cho cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Blog Kinh Doanh Việt đã chia sẻ một số cách giúp bạn lấy hàng tạp hóa giá sỉ khi mới bắt đầu, nhưng theo phản hồi nhận được, không ít độc giả vẫn chưa biết bán hàng tạp hóa gồm những gì. Bài viết này sẽ là gợi ý danh mục hàng tạp hóa cần thiết và các mặt hàng tạp hóa bán chạy để kinh doanh tiệm tạp hóa hiệu quả.
-
Thực phẩm
Đây là nhóm hàng không thể thiếu của mở cửa hàng tạp hóa, nhưng đa phần đều là đồ có thể bán lẻ, giá trị nhỏ và không yêu cầu cao về bảo quản. Bao gồm:
– Đồ uống: Bia, rượu, nước ngọt, sữa nước và sữa bột, các loại trà (túi lọc, trà hòa tan, trà khô,…)
– Đồ ăn: Bánh, kẹo, snack các loại.
– Đồ khô: Mỳ ăn liền, bánh đa, miến, nguyên liệu khô (mộc nhĩ, hành, tỏi,…), thực phẩm khô (thịt bò khô, cá khô, củ cải sấy,…)
– Đồ hộp: Thực phẩm đóng hộp như pate, xúc xích, thịt xay,…
– Gia vị: Bột canh, bột nêm, mì chính, nước mắm, xì dầu,…
– Lương thực: gạo, khoai mì, ngô,…
Ngoài những nhóm thực phẩm này bạn có thể nhập cả đồ tươi về bán, tuy nhiên cần chú ý đến vấn đề bảo quản. Bên cạnh đó, một số thức uống giải khát cũng nên để trong tủ lạnh, phục vụ nhu cầu của khách hàng trong ngày nắng nóng.
-
Hóa mỹ phẩm
Đối với đồ hóa mỹ phẩm bạn chỉ nên nhập các sản phẩm thiết yếu hàng ngày như dầu gội đầu, nước súc miệng, nước rửa bát, nước lau sàn, nước xả vải,… Tuy nhiên, mỗi dòng sản phẩm phải nhập của nhiều thương hiệu khác nhau vì nhu cầu người tiêu dùng rất đa dạng.
-
Đồ gia dụng
Trong cửa hàng tạp hóa thường chỉ bán đồ gia dụng nhỏ gọn như móc quần áo, chổi quét nhà, dao kéo, đũa thìa,… Đây đều là những sản phẩm dễ thay thế, giá trị không lớn nhưng thường xuyên sử dụng nên nhanh phải thay mới. Đối với nhóm hàng này bạn nên nhập sản phẩm thông dụng, không cần quá cao cấp hay kiểu dáng quá đẹp, quan trọng là giá rẻ.
-
Giấy, tã
Các loại giấy ăn, giấy vệ sinh, giấy ướt, tã cho trẻ em,… đều là vật dụng tiêu hao nhanh nên có thể mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn. Để xác định cần phải nhập dòng hàng cao cấp hay bình dân bạn hãy tìm hiểu về thói quen của nhóm khách hàng trong khu vực, giai đoạn đầu chỉ nên nhập mỗi thứ một ít rồi điều chỉnh dần.
-
Đồ dùng cá nhân
Đồ dùng sinh hoạt cá nhân như bàn chải, khăn mặt, dao cạo râu,… cũng là những sản phẩm chủ lực của tiệm tạp hóa. Đối với nhóm hàng này bạn nên nhập nhiều loại khác nhau để phục vụ người tiêu dùng.
-
Sim thẻ
Bên cạnh những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày thì bạn cũng có thể đăng ký với các nhà mạng để được phân phối sim, thẻ điện thoại. Vì chỉ là nguồn thu nhập phụ nên bạn không nên nhập về quá nhiều, tập trung vào thẻ mệnh giá 20.000đ và 50.000đ của mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone.
-
Văn phòng phẩm
Các đồ dùng văn phòng phẩm cơ bản như bút thước, tập vở, giấy in,… cũng là một trong số nguồn hàng quan trọng của tiệm tạp hóa. Tuy vậy bạn không nhất thiết phải nhập với số lượng lớn, chỉ cần trữ một ít để bán dần là được.
Trên đây là danh mục hàng tạp hóa với 7 nhóm hàng cần nhập khi mở cửa hàng tạp hóa, ngoài ra bạn có thể tìm hiểu theo nhu cầu của người dân ở khu vực xung quanh để bổ sung thêm các mặt hàng tạp hóa bán chạy khác nhé! Ngoài vấn đề nhập hàng, bạn có thể đọc thêm Kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hóa để kinh doanh tiệm tạp hóa thành công.