Kinh nghiệm mở quán lẩu nướng hốt bạc vào mùa đông

Nhắc đến những món ăn mùa đông mà không nêu tên lẩu nướng thì thật là một thiếu sót khó lòng… tha thứ. Trong tiết trời rét lạnh bởi gió bấc mới về, liệu rằng ai có thể kìm lòng trước nồi lẩu nóng hổi, bốc khói nghi ngút cùng từng đĩa thịt tươi ngon đã được tẩm ướp dậy mùi? Chẳng thế mà vào mấy tháng cuối năm các quán lẩu nướng đều tưng bừng khai trương, khách ra khách vào nhộn nhịp cả góc phố. Nếu bạn vẫn chưa biết nên kinh doanh và quản lý hàng hoá gì lãi cao vào mùa đông thì đây chính là một ý tưởng tuyệt vời đáng để thử. Tuy nhiên, hiện nay chỉ tính riêng tại Hà Nội đã có hơn 10.000 quán lẩu nướng các loại, mỗi ngày có cả chục quán được mở ra, nếu muốn thành công thì bạn phải tìm được bí quyết riêng. Và bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn một số kinh nghiệm mở quán lẩu nướng đáng quý sau.

  1. Ai là người sẽ đến quán lẩu nướng của bạn?

Nghe câu hỏi này chắc nhiều bạn sẽ thấy buồn cười, cho rằng người thích ăn lẩu thì mới đến quán lẩu nướng chứ. Nhưng bạn phải biết rằng người thích ăn lẩu cũng chia làm năm bảy loại, ví như người đi làm sẽ có nhu cầu ăn lẩu khác với sinh viên, rồi người thích lẩu không thích nướng, người lại thích cả hai,… Vì vậy trước khi mở quán bạn phải xác định được mình sẽ bán cho ai, khả năng chi tiêu của họ thế nào, thói quen ăn uống ra sao để lên menu cho phù hợp.

  1. Quán lẩu nướng của bạn có gì đặc biệt?

Giữa 10.000 quán lẩu nướng trên đất Hà Nội, bạn nghĩ tại sao khách hàng lại chọn quán của mình? Nếu không tìm được câu trả lời xác đáng thì tốt nhất bạn nên hoãn kế hoạch kinh doanh này lại. Hiện nay mức độ cạnh tranh giữa các nhà hàng từ bình dân đến cao cấp đều rất khốc liệt, để tồn tại thì bạn buộc phải tìm được một nét đặc biệt nổi trội nào đó cho quán lẩu nướng của mình.

Nét đặc biệt đó có thể đến từ sản phẩm, ví dụ người ta hay mở quán bán lẩu cho nhóm thì bạn bán lẩu một người, họ bán lẩu Thái thì bạn thử tìm hiểu lẩu Nhật xem sao, hoặc họ có lẩu ếch, lẩu hải sản thì bạn sáng tạo ra lẩu sốt vang chẳng hạn. Những ý tưởng này trong thực tế đã có nhiều quán lẩu áp dụng và thành công. Ngoài ra bạn có thể tạo ra dấu ấn trong cách phục vụ, ví dụ như lẩu tại nhà, mang nguyên vật liệu, bát đĩa đến tận nơi cho thực khách.

Nhờ có sự đặc biệt mà lượng khách hàng tìm đến với bạn cũng đông hơn, sau khi ăn họ cũng nhớ tới địa chỉ của bạn lâu hơn. Ngoài ra yếu tố này còn mang đến lợi thế cạnh tranh rất quan trọng, giúp bạn tồn tại trên thị trường không chỉ trong mùa đông năm nay mà còn nhiều năm sau nữa.

  1. Menu lẩu nướng của bạn có những gì?

Khi đã biết sẽ bán cho ai và cách để quán lẩu nướng của mình trở nên đặc biệt thì việc tiếp theo bạn cần làm là lên thực đơn. Hiện nay có rất nhiều loại lẩu nhưng phổ biến nhất là lẩu sườn sụn, bắp bò, hải sản, ếch, ngoài ra còn có lẩu Thái, Hàn, Nhật, độc đáo hơn thì có lẩu cháo, lẩu bò nhúng giấm,… Menu nướng cũng khá đa dạng như các loại thịt nướng, sườn nướng,… Tuy nhiên, để chọn được menu chuẩn cho quán của mình thì bạn phải dựa vào hai yếu tố:

– Sở thích và xu hướng của thực khách

– Khả năng nấu ăn của đầu bếp

Trong menu của bạn nên có ít nhất một món “đinh”, món này phải thật độc đáo và đáp ứng được nhu cầu ăn uống của đa số khách hàng. Ngoài ra bạn cũng đừng quên những món ăn kèm như rau sạch, ngô chiên, khoai chiên, món xào,…

  1. Xác định hình thức kinh doanh và địa điểm mở quán lẩu nướng

Nếu là người hay đi ăn lẩu nướng thì chắc bạn cũng quen thuộc với 2 hình thức kinh doanh chính, thứ nhất là gọi món theo đĩa, thứ hai là buffet. Mỗi hình thức sẽ có cách phục vụ và bảng giá khác nhau nên ngay từ đầu bạn cần phải xác định rõ mình sẽ làm theo phương án nào để chuẩn bị. Nếu mở quán theo kiểu buffet bạn có thể tham khảo thêm bài viết Kinh nghiệm mở nhà hàng buffet mà chúng tôi đã chia sẻ trước đây.

Tiếp đến bạn cần tìm một địa điểm mở quán lẩu nướng phù hợp, nếu vốn ít bạn có thể mở ở ngay vỉa hè, nhiều hơn thì thuê mặt bằng riêng, nhưng điểm chung là đều phải lựa chọn khu vực đông dân cư, thuận tiện cho giao thông và tìm kiếm. Có một điểm bạn cần lưu ý là bãi đậu xe, phải đủ rộng và có bảo vệ riêng khi đông khách. Nếu không thể tìm được mặt bằng có khu để xe đủ điều kiện thì bạn nên liên hệ để nhờ vả hoặc thuê những hộ dân gần đó. Ngoài ra khi mở cửa hàng cũng nên chú ý đến vấn đề an ninh trật tự.

  1. Mua và lắp đặt trang thiết bị

Thiết bị quan trọng nhất của quán lẩu nướng là bếp và nồi lẩu, bạn có thể dùng bếp từ hoặc bếp gas mini, đồ nướng thì chỉ cần sắm thêm chảo gang, giấy bạc nữa là đủ. Để có thể sử dụng trong thời gian dài thì những thiết bị này bạn nên mua mới tại những cửa hàng hoặc siêu thị lớn, họ sẽ có chế độ bảo hành tốt hơn. Ngoài ra bạn còn cần phải mua sắm thêm nồi, chảo, bát đĩa, đũa thìa, bàn ghế, quạt điện, hệ thống thông gió, điều hòa (nếu cần),… Nếu muốn tiết kiệm thì bạn có thể tìm mua hàng thanh lý của một số quán lẩu nướng khác, chi phí giảm tới gần một nửa.

  1. Chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn

Mở nhà hàng thì vấn đề nguyên liệu nấu ăn cực kì quan trọng, cũng là phần chiếm nhiều chi phí nhất. Điều kiện quan trọng khi chọn mua nguyên liệu là đảm bảo tươi, sạch và rẻ. Thời gian đầu chưa quen mối bạn nên đi những phiên chợ sớm, hỏi mua số lượng lớn cho nhà hàng sẽ được giá buôn thấp hơn nhiều, và đặc biệt đừng ngại mặc cả. Lâu dần tìm được mối bạn có thể đặt hàng qua điện thoại từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau ra lấy hoặc họ sẽ chuyển hàng đến tận nơi cho bạn.

Bí quyết để làm lẩu ngon nằm ở nước dùng và khâu tẩm ướp, vì vậy bạn nên đặc biệt chú ý nhập nguyên liệu cho phần này. Bên cạnh các loại thịt thì rau sạch cũng quan trọng, khách đến ăn lẩu sẽ gọi thêm rau rất nhiều, bạn nên chuẩn bị trước một số loại phổ biến như rau cải, rau muống, rau cần, ngải cứu,… Nếu làm lẩu nấm thì có thêm nấm kim châm, nấm đùi gà, đông cô, nấm rơm, nấm mỡ,… Khách đi ăn sẽ “soi” rất kĩ chuyện rau sạch hay bẩn nên phần sơ chế bạn phải làm thật cẩn thận, đảm bảo rau tươi xanh, không dập nát, không có sâu hoặc lẫn cỏ.

  1. Kinh nghiệm mở quán lẩu nướng khi tuyển nhân viên

Đối với các nhà hàng, quán ăn nói chung thì nhân viên là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều tới sự thành công sau này. Vì dù đồ ăn ngon nhưng nhân viên phục chậm, thái độ không tốt thì thực khách cũng không muốn quay lại. Với quán lẩu nướng thì điều này càng thể hiện rõ rệt hơn, nhân viên của bạn sẽ phải thường xuyên lấy thêm đồ cho khách nên chỉ cần một lỗi nhỏ cũng dễ mất điểm.

Khi tuyển nhân viên phục vụ điều kiện tiên quyết hàng đầu là nhanh nhẹn, cởi mở, còn các kĩ năng khác bạn có thể đào tạo sau. Sau khi tuyển nên quán triệt tư tưởng của quán cho nhân viên để họ luôn luôn tuân thủ, ví dụ bất kể yêu cầu nào của khách liên quan đến món ăn cũng phải thực hiện ngay lập tức. Để tạo sự chuyên nghiệp bạn có thể thiết kế đồng phục cho nhân viên, đưa ra quy tắc chào đón và tiễn khách,…

  1. Quảng cáo cho quán lẩu nướng

Muốn cạnh tranh được trong lĩnh vực nhà hàng thì bạn buộc phải đầu tư cho việc quảng cáo, tận dụng cả trong môi trường trực tuyến lẫn truyền thống. Chúng tôi đã từng Chia sẻ 4 cách quảng cáo online khi kinh doanh nhà hàng, quán café, bạn nên tham khảo để lựa chọn được cách phù hợp nhất. Ngoài ra khi mới khai trương bạn có thể cho nhân viên của mình phát tờ rơi quanh khu vực quán, trường học, chợ,… để thu hút khách hàng.

Trên đây là 8 kinh nghiệm mở quán lẩu nướng đảm bảo hốt bạc vào mùa đông năm nay, hi vọng chúng sẽ giúp bạn biết nên bắt đầu từ đâu và như thế nào.

>>Bí quyết lên thực đơn khi kinh doanh nhà hàng


Chia sẻ bài viết này