Kinh nghiệm lấy hàng Quảng Châu cho người mới

Sau khi đăng tải hai bài viết chia sẻ Kinh nghiệm đặt hàng Quảng Châu qua mạng và Những địa chỉ cần biết khi tìm nguồn hàng Quảng Châu, chúng tôi đã nhận được khá nhiều phản hồi với mong muốn được hướng dẫn cụ thể cách sang Quảng Châu lấy hàng. Và sau khi tìm hiểu và tham khảo từ những người có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi xin chia sẻ vài bí quyết về cách lấy hàng Quảng Châu cho người mới trong bài viết dưới đây.

1. Chuẩn bị trước khi đi

Vì đây là một chuyến xuất ngoại đúng nghĩa nên trước khi đi bạn cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Đầu tiên dĩ nhiên là vấn đề chi phí, trừ khoản tiền để nhập hàng thì chi phí đi lại ăn ở trong khoảng thời gian tại Quảng Châu vào khoảng 10 triệu. Về tiền tệ, bạn nên đổi sang tiền Trung Quốc (đồng Nhân dân tệ) tại Hà Nội để có giá tốt hơn, sau đó dùng dịch vụ chuyển tiền từ Việt Nam sang khi cần, vừa đảm bảo an toàn vừa không bị Hải quan chặn lại vì mang quá nhiều tiền mặt.

Vấn đề thứ hai là passport và visa để xin phép nhập cảnh vào Trung Quốc. Nếu muốn tiết kiệm chi phí thì bạn nên tự đi xin passport tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh nơi có hộ khẩu thường trú và visa tại Đại sứ quán Trung Quốc (46 Hoàng Diệu – Hà Nội hoặc 39 Nguyễn Thị Minh Khai – Q1 – Tp HCM). Còn nếu muốn nhanh chóng thì có thể thuê bên dịch vụ trung gian, giá cả dao động từ 63$ đến 90$. Cần lưu ý mỗi visa loại đi một lần có thời gian lưu trú là 30 ngày.

Thứ ba là phiên dịch, bạn có thể liên hệ với các trung tâm chuyên dịch vụ du lịch để thuê nhân viên đi cùng.

2. Chọn phương tiện

Sang Quảng Châu, Trung Quốc có hai cách, một là đường bộ thì mất nhiều thời gian và công đoạn hơn, hai là đường hàng không nhanh chóng. Nếu đi bằng máy bay, giá vé khứ hồi từ Hà Nội sẽ rơi vào khoảng 350$ – 500$. Còn chọn phương án đường bộ thì bạn sẽ phải di chuyển làm hai chặng. Chặng đầu tiên là đi đến cửa khẩu, có rất nhiều hãng xe từ Hà Nội chạy tuyến này, giá cả khoảng 100.000 – 150.000 đồn, nếu bạn đi từ TP Hồ Chí Minh thì cần liên hệ trước với các hãng xe để không mất thêm chi phí ăn ở tại Hà Nội. Tiếp đến bạn sẽ phải làm thủ tục xuất nhập cảnh bằng cách xếp hàng đưa passport cho nhân viên kiểm tra, đánh dấu, lưu ý là phải làm trước 5h chiều Trung Quốc (16h Việt Nam). Chặng thứ hai sẽ từ cửa khẩu về Quảng Châu, giá vé khứ hồi thường từ 400 – 500 tệ với nhiều chuyến trong ngày cho bạn chọn lựa, nên đi xe giường nằm có toilet vì phải mất 10 tiếng mới đến nơi. Một số nhà xe bạn có thẻ tham khảo là Bằng Tường, MQC Group,…

3. Chi phí ăn ở, đi lại tại Quảng Châu

Khi xe đã đến Quảng Châu bạn nên thuê khách sạn ngay gần bến cho tiện, có hai khách sạn là Minh Việt và MQC Group để bạn lựa chọn. Theo kinh nghiệm của nhiều người đi trước thì MQC Group có giá khoảng 150 tệ/đêm tuy nhiên hơi khó kiếm, còn giá nghỉ tại Minh Việt cao hơn 20 tệ nhưng đi lại thuận tiện hơn, phòng còn có Internet miễn phí.

Ngoài dịch vụ phòng thì các khách sạn này còn cung cấp cả dịch vụ chuyển hàng, đổi tiền và cho thuê phiên dịch. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, vốn tiếng ít mà lại muốn mua nhiều thứ thì nên thuê phiên dịch, giá khoảng 200 – 300 tệ/24h, tuy nhiên cần nói rõ với họ vấn đề mặc cả khi mua hàng sao cho giá rẻ nhất.

Không thuê phiên dịch bạn vẫn có thể thoải mái đi lại tại Quảng Châu chỉ là hơi khó khăn một chút, cần phải ghi lại những từ thông dụng như “bán buôn”, “giá rẻ”, “đắt quá”,… để mặc cả và những địa chỉ muốn đến đưa cho tài xế taxi.

Vấn đề ăn uống cũng khá đơn giản, hầu như các cửa hàng đều có hình ảnh minh hoạ ở menu nên bạn có thể chỉ cho họ biết thay vì phải nói tiếng hoa, giá cả đều được niêm yết sẵn bằng con số.

Về chuyện đi lại, nếu muốn tiết kiệm thì bạn có thể đi xe buýt. Xe buýt ở Quảng Châu chạy rất đúng tuyến và thường xuyên, chỉ cần tham khảo thật kĩ đường đi là không bị lạc. Ngoài ra, thay vì mua sim điện thoại ở cửa khẩu tuy đắt mà thời gian gọi ít thì bạn nên mua ở gần khách sạn, hoặc tiện hơn thì video call qua mạng.

4. Chuyển hàng về Việt Nam

Sau khi mua được các món hàng ưng ý thì bạn cần tính phương án chuyển hàng về Việt Nam. Nếu hàng hoá quá nhiều, không thể mang qua cửa khẩu hết được thì nên sử dụng dịch vụ chuyển phát, giá tính theo khối lượng, khoảng 300.000đ/1kg. Tuy nhiên, vì là vận chuyển bằng đường bộ nên hay bị va đập, bạn cần phải bọc gói cẩn thận từng sản phẩm với những đồ dễ vỡ như thủ công mỹ nghệ hoặc giày cao gót. Thường thì thời gian hàng về đến Việt Nam là khoảng 4 – 5 ngày, ít khi gặp trường hợp mất hàng hoặc hàng về quá trễ.

Với những kinh nghiệm lấy hàng Quảng Châu mà chúng tôi chia sẻ, hi vọng bạn sẽ có chuyến đi thành công, kinh doanh phát triển nhanh chóng!

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Kinh nghiệm tìm nguồn hàng áo cưới rẻ mà đẹp

Nguồn hàng trái cây ở đâu?

Kinh nghiệm tìm nguồn hàng gia dụng


Chia sẻ bài viết này