Kinh nghiệm kinh doanh nhà nghỉ/khách sạn

Ở bài trước chúng tôi đã giới thiệu cho các bạn về ý tưởng kinh doanh nhà nghỉ/khách sạn sau đây chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh nhà nghỉ/ khách sạn giải đáp các câu hỏi như: Kinh doanh khách sạn nhà nghỉ/ khách sạn có phải đăng ký thủ tục gì không? tính giá phòng như thế nào? thuê nhân viên ra sao? tất cả sẽ có câu trả lời trong bài viết sau:

Tính giá phòng như thế nào?

Mức giá phòng mà bạn đưa ra sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố sau:

  • Tiện nghi nội thất: Bạn có thể có những tiện nghi xa xỉ như bể sục, lò sưởi, giường king-size, ban công riêng biệt, bể bơi chung,…
  • Địa điểm: Một B&B nằm ở khuất sau những lối nhỏ ít du khách lui tới chắc chắn sẽ không thể có giá cao như một nhà nghỉ cùng loại  ở những điểm tham quan nổi tiếng. Ngay cùng trong một khu vực, nhà nghỉ nào nằm sát bãi biển thường sẽ dễ dàng tính tiền phòng cao hơn những nhà nghỉ cách đó 1 cây số hay chỉ cách có 2 khu nhà. Tương tự, một nhà nghỉ nằm trong lòng khu phố cổ bao giờ cũng đắt hơn nhà nghỉ nằm dọc đường quốc lộ.
  • Mức giá chung của khu vực bạn sống: Dù B&B của bạn có tiện nghi thế nào và có nằm ở địa điểm đắt giá đến đâu thì tiền phòng của bạn vẫn phải phù hợp với mức chung của thị trường. Nếu bạn thu quá cao, bạn sẽ mất khách còn nếu quá thấp, bạn sẽ bị lỗ.

Vậy bạn phải bắt đầu từ đâu? Hãy quay lại nghiên cứu khách hàng lúc đầu của bạn và xem những B&B trong khu vực của bạn tính giá phòng bao nhiêu, cả khách sạn hạng sang lẫn nhà nghỉ bình dân. Tiếp theo, hãy đánh giá xem mình đứng ở vị trí nào trong đó. Theo kinh nghiệm kinh doanh nhà nghỉ, nếu chỉ kinh doanh nhà nghỉ đơn giản thì có thể bạn sẽ đưa giá ngang bằng với những B&B trung cấp. Còn nếu bạn có những tiện nghi cao cấp và không gian sang trọng, bạn có thể tính tiền phòng tương đương như những khách sạn xa xỉ.

Bạn cũng cần lưu ý rằng tiền phòng có thể dao động theo mùa vụ. Đa phần các khách sạn, từ cao cấp nhất cho đến bình dân nhất có mức giá khác nhau cho từng thời điểm, nhất là ở những khu nghỉ mát.

Ngoài ra, tiền phòng có thể lên xuống theo các ngày trong tuần. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn đưa ra chính sách giảm giá vào những ngày giữa tuần vắng khách. Đây là cách quản lý nhà nghỉ hiệu quả, nhất là khi khu vực của bạn chỉ đông người đến nghỉ vào những ngày cuối tuần. Chiêu giảm giá phòng cho khách ở dài ngày cũng sẽ khuyến khích nhiều khách đến với bạn để nghỉ ngơi, an dưỡng thay vì du lịch ngắn ngày.

Kinh doanh B&B có những thủ tục gì?

Ngoài giấy đăng ký kinh doanh hợp pháp, bạn sẽ cần phải có giấy phép riêng cho lĩnh vực nhà nghỉ của mình. Mức phí thường không đáng kể và thủ tục giấy tờ cũng đơn giản trừ phi B&B của bạn nằm ngoài quy hoạch của thành phố hay không đúng với chủ trương/quy định hiện hành. Một số nơi thì cho rằng B&B chỉ là những nhà trọ bình dân thuộc loại hình kinh doanh hộ gia đình nên không cần phải quản lý quá gắt gao trong khi một số khác lại liệt nó vào hoạt động thương mại có quy mô. Nhìn chung, những ai không hiểu rõ khái niệm B&B sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định.

Ngoài quy hoạch, một số địa phương sẽ có những quy định riêng khác. Một số nơi giới hạn thời gian lưu trú của khách – phổ biến là trong vòng 7 hoặc 14 ngày – để phân biệt khách vãng lai với những trường hợp cư trú lâu dài. Một số thì hạn chế số phòng cho thuê, một số khác thì không cho phép khách nấu nướng trong phòng,…

Nếu B&B của bạn nằm ở khu vực thương mại sầm uất, việc xin giấy phép có thể sẽ rất dễ dàng. Còn nếu nằm trong khu vực không được quy hoạch để xây nhà nghỉ/khách sạn, bạn sẽ phải xin giấy phép cho hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải giải trình với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động kinh doanh của mình và tại sao nó lại không ảnh hưởng đến cảnh quan chung cũng như đời sống của người dân địa phương. Nếu nằm trong quy hoạch và đã có nhiều B&B đang hoạt động ở địa phương, nhiều khả năng bạn sẽ không gặp trở ngại nào. Còn nếu là người đầu tiên mở B&B, có thể bạn sẽ cần phải nói thêm là B&B của mình sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn như thế nào.

Song song với quy hoạch là những vấn đề về biển hiệu và bãi đỗ xe. Hầu hết các địa phương đều sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải dành một phần diện tích tương ứng với số phòng để làm chỗ để xe cho khách và nhân viên. Tùy nơi mà bạn có thể “né” quy định này bằng cách nói rằng khách của mình có thể gửi xe ở những điểm trông xe gần đó hoặc chỉ đỗ xe trên vỉa hè ngoài giờ cao điểm.

Về phần biển hiệu, có thể bạn sẽ không được treo biển chính thức nếu bạn ở khu dân cư. Nếu bạn nằm trong khu vực homestay (nhà dân) hoặc không cần đến khách vãng lai thì quy định này sẽ không thành vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một B&B đàng hoàng và bắt mắt người qua đường, bạn sẽ rất khó làm mọi người biết đến mình khi không có biển hiệu.

Ngoài ra, quy định về kích cỡ, khoảng cách, vị trí đặt biển hiệu ở một số nơi cũng khá lằng nhằng. Do đó, bạn phải tìm hiểu thật kỹ trước khi làm biển hiệu cho B&B của mình.

Thuê nhân viên

Khi nào thì bạn phải thuê nhân viên? Điều này sẽ phụ thuộc vào sức “chiến đấu” của bạn, quy mô kinh doanh của nhà nghỉ và số khách lưu trú. Nhưng chính xác là bao giờ? Theo Pat Hardy thuộc Hiệp hội Những Người kinh doanh Khách sạn thì có thể ngay ngày đầu bạn đã phải thuê người vì “dù bạn có ít phòng đến đâu, bạn cũng không nên tự dọn phòng vì nếu bạn làm việc đó, bạn sẽ không có thời gian marketing, giao lưu với khách và nguy cơ làm ăn sa sút, thất bát sẽ hiển hiện”.

Theo Hardy, mọi người nên có một chút du di, linh động trong kế hoạch kinh doanh của mình, chẳng hạn có một người có thể tạm thời trông nom công việc khi bạn đi vắng hoặc một người làm công việc dọn dẹp vào cuối tuần. “Bạn không thể ở B&B của mình 24/7. Nếu làm thế, bạn sẽ không thể nào có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức”.

Khoảng 30-40% chủ các nhà nghỉ hiện nay không sử dụng nhân viên. Tuy nhiên, kiểu “độc diễn” như thế chỉ phù hợp với những mô hình kinh doanh nhỏ còn nếu có từ 5-6 phòng trở nên, chắc chắn bạn phải tuyển thêm người.

Việc đầu tiên mà bạn muốn có người làm giúp là dọn phòng. Tuy nhiên, ngoài nhân viên dọn phòng, có thể bạn sẽ muốn có thêm người làm sổ sách giấy tờ, đầu bếp làm bữa sáng,…

Nếu không muốn phải tuyển nhân viên cho từng hạng mục công việc, bạn có thể kiếm một trợ lý “đa zi năng” như Bruce và Judy Albert ở Seaside, Florida đã làm. “Người mà chúng tôi tuyển thường khá đa tài, biết nhiều việc, từ rửa bát đĩa, nấu ăn sáng, dọn phòng, trả lời điện thoại, nhận đặt phòng của khách cho đến làm vườn, đón và tiễn khách. Tuy nhiên, để kiêm nhiều việc như thế thì phải là người rất đặc biệt chứ không phải ai cũng làm được”.


Chia sẻ bài viết này