Kinh doanh sách điện tử, tiềm năng hay hố chết?

Sách điện tử không phải khái niệm quá xa lạ nữa, ngay từ khi máy tính phát triển thì những ứng dụng cho phép cài đặt và đọc sách điện tử đã được phát triển. Nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, khi công nghệ phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt đưa thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng,…lên ngôi thì sách điện tử mới thực sự trở nên rầm rộ. Hàng loạt cái tên lớn trong ngành sách như Tiki, Vinabook, LacViet,…đã nhảy vào lĩnh vực này, tạo nên cơn sóng số hóa sách chưa từng có. Thế nhưng, kinh doanh sách điện tử là tiềm năng hay lao vào hố chết? Một câu hỏi còn bỏ ngỏ ở thị trường Việt Nam.

 

1. Tiềm năng vì những lợi ích to lớn

Thứ nhất nói về nhu cầu của người tiêu dùng, ngày nay tiêu chí nhỏ gọn, tiện dụng đang được đưa lên hàng đầu, trong khi những quyển sách giấy vừa cồng kềnh vừa khó bảo quản lại không thể đáp ứng được tiêu chí đó. Sách điện tử ra đời giống một cuộc cách mạng mới vậy, giờ đây người ta chỉ cần cầm trong tay một chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn, hay lớn hơn là máy tính bảng thì đã có thể đọc hàng trăm đầu sách khác nhau rồi. Việc mang những “cuốn sách ảo” cũng tiện lợi hơn lại không lo gặp phải vấn đề hỏng, rách, mất trang như sách giấy thông thường. Có thể nói sách điện tử là trào lưu mới ăn theo sự phát triển của công nghệ.

Thứ hai là về thị trường sôi động, không ít doanh nghiệp đã chính thức kinh doanh sách điện tử một cách bài bản. Bắt đầu bằng những cái tên lớn như Lạc Việt, Trí Việt, Vinabook,…khi ký hợp đồng để số hóa hàng ngàn đầu sách với các nhà xuất bản như Hội nhà văn Việt Nam, sau đó lại liên hệ với các hãng điện thoại như Samsung, LG để thỏa thuận bán ra những đầu sách này. Mặc dù càng nhiều người tham gia thì mức độ cạnh tranh càng cao nhưng không thể phủ nhận nhờ vậy mà sách điện tử đang là thị trường hấp dẫn hơn bao giờ hết với tiềm năng phát triển cao.

 

2. Hố chết với những khó khăn ngáng đường

Bất kỳ một lĩnh vực kinh doanh mới nào mới hình thành cũng đầy rẫy khó khăn, nếu không biết cách phòng tránh hay đối mặt thì doanh nghiệp rất dễ bị sập bẫy, sa lầy vào hố chết. Đối với kinh doanh sách điện tử, khó khăn lớn nhất là vấn đề bản quyền, bản quyền để số hóa sách giấy, bản quyền cấm sao chép.

Hiện ngoài đối phó với sách lậu không bản quyền tràn lan trên mạng thì chính các doanh nghiệp làm sách cũng hết sức đau đầu về thỏa thuận với tác giả hoặc nhà xuất bản và các doanh nghiệp triển khai. Do nguồn thu sách là dài lâu nên việc xuất bản trên mạng dễ xảy ra tình trạng tranh chấp tác quyền giữa các bên. Cho nên không ít nhà xuất bản vẫn chần chừ trong việc triển khai sách điện tử.

Thứ hai là bản quyền cấm sao chép sách điện tử, đối với các sản phẩm công nghệ thì dường như đây là bài toán nan giải. Một số doanh nghiệp đã áp dụng các ứng dụng hiện đại chống sao chép như Lạc Việt thế nhưng chỉ hạn chế được phần nào, các đầu sách điện tử bị phát tán miễn phí vẫn đầy rẫy trên mạng.

Tiếp đến là vấn đề chi phí số hóa sách, tưởng chừng là thấp nhưng để cho ra đời một cuốn sách điện tử chuyên nghiệp thì số tiền bỏ ra không hề nhỏ. Trung bình khoảng 500.000đ – 1.000.000đ sẽ có một cuốn sách điện tử đúng chuẩn, khi nhân với hàng nghìn đầu sách khác nhau thì lại không hề là con số nhỏ.

Cuối cùng là nguồn sách, theo ước tính hiện này lượng sách điện tử có sẵn không quá 30.000 cuốn, thể loại cũng chưa đa dạng. Mà một thị trường ít hàng hóa về số lượng lại nghèo nàn về chủng loại thì rất khó để phát triển. Chính điều này đã gây khó khăn rất lớn cho các công ty muốn mở rộng kinh doanh sách điện tử.

Mặc dù tồn tại nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận sức hút của sách điện tử bởi tiềm năng phát triển của nó là rất lớn trong thời buổi hiện nay. Rất nhiều tên tuổi lớn của làng sách đã tham gia vào thị trường sách điện tử, hi vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ thấy một bảng vàng rực rỡ hơn.

Đọc thêm các bài viết khác tại đây:

Sai lầm cần tránh nếu muốn làm hài lòng khách hàng

Top 6 ý tưởng làm giàu với thương mại điện tử tại nhà

Làm giàu tại nhà có dễ như bạn tưởng?


Chia sẻ bài viết này