Sự sống còn của một mô hình kinh doanh ăn uống sẽ phụ thuộc vào mặt bằng chứ không phải chất lượng sản phẩm, dịch vụ hoặc hình ảnh thương hiệu. Nhận định này luôn đúng.
Các kỳ trước tôi đã phân tích để bạn hiểu, bạn cần phải biết mình bán sản phẩm gì, cho ai rồi mới tới bán ở đâu được. Bạn phải thực hiện tuần tự như vậy, nếu đảo ngược tìm được mặt bằng như ý nhưng khả năng mọi kế hoạch lựa chọn trước đó của bạn bị đảo lộn để phù hợp với mặt bằng đó là rất lớn. Ví dụ: Nếu bạn muốn mở 1 quán cafe theo phong cách thập niên 90, bạn tìm được mặt bằng là căn nhà mới xây 2015 với vị thế đắc địa gần trung tâm, các văn phòng xung quanh, giá mềm, chủ tốt,… Vậy bạn có nên chọn mặt bằng này rồi đầu tư tiền để cải tạo thành không gian xưa cổ hay không? Rồi đặt tiền cọc để giữ mặt bằng hay không? Đi sai bước đầu không chỉ khiến ý tưởng ban đầu phải thay đổi, đảo lộn mà còn khiến bạn bị áp lực về vốn nữa đấy!
Bởi vậy, lời khuyên dành cho bạn là hãy kiên trì với những ý tưởng ban đầu của mình và chờ đợi một mặt bằng phù hợp. Mỗi khi chạy xe trên đường, hãy dành nhiều thời gian quan sát những tiệm có chung đối tượng khách hàng mục tiêu với mình, so sánh với mô hình kinh doanh mình chọn, ghi nhớ những địa điểm mà mình ưng ý. Và sau thời gian chạy đôn chạy đáo để tìm mặt bằng cho quán, tôi đã đúc kết được 7 ghi nhớ quan trọng nhất, đó là:
Thứ nhất là chọn những vị trí thuận tiện cho khách tiện hẹn với bạn bè sau giờ làm hoặc ăn trưa, và quan trọng nhất là quán phải gần những khu vui chơi, mua sắm để họ đi dạo sau khi ăn.
Thứ hai là nên chọn mặt bằng thuộc chung cư. Lợi ích thứ nhất là có thể tận dụng bãi gửi xe của chung cư, không lo phải giữ, trông xe cho khách, không lo mất xe lẫn việc hàng xóm phàn nàn việc đậu xe gây ách tắc giao thông…; thứ hai là giá cả thuê mặt bằng tại đây mềm hơn nhiều so với mặt tiền; cuối cùng là không gian, kiến trúc tại đây phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh quán ăn.
Thứ ba mang tích chất cảm giác “thuộc về”, khi cảm nhận được “vị trí đó phải thuộc về mình” bạn hãy cố gắng có được nó. Khi đã có “duyên” với địa điểm đó thì hãy gắng hết sức tạo ra “nợ”!
Thứ tư là khi tìm một mặt bằng, nếu thấy có một trở ngại nào đó mà bạn không tìm được cách khắc phục thì hãy suy xét lại có nên thuê hay không. Vì có thể cái trở ngại duy nhất đó lại chính là tác nhân khiến bạn thất bại nhanh hơn đấy. Kinh nghiệm khi thuê mặt bằng là hãy tìm hiểu lý do vì sao đóng cửa của những chủ trước. Nếu bạn không thể tìm ra cách giải quyết cho hạn chế đó thì nên cân nhắc lại.
Thứ năm là xem lại mô hình kinh doanh của mình xem mô hình kinh doanh của bạn hướng tới là gì? Nếu là dạng bình dân, hãy chọn khu vực nào mật độ dân cư đông đúc hoặc tòa nhà văn phòng nhiều. Còn nếu hướng tới một tiệm ăn sang trọng, hãy xem lại kinh nghiệm bản thân đã đủ chưa rồi hãy quyết định địa điểm nha.
Tiếp theo là nghiên cứu khu dân cư nơi bạn định mở quán. Nếu là những khu dân cư trung lưu mới, những khu cho thuê mới là đích ngắm của chúng ta. Vì chủ nhà của những khu này thường còn phải chịu nhiều áp lực về trả nợ tiền mua nhà, con cái rồi xe cộ,… sẽ không có nhu cầu mua sắm ăn uống nhiều đâu. Còn nếu là khu dân cư trung bình, bạn hãy thử ý tưởng mở quán phở, hủ tíu, cháo hoặc các món giải khát, xí muội, kem,… khả năng thu về vài chục triệu/ tháng là bình thường. Nhưng nếu là khu dân cư cao cấp thì đừng mở quán ăn nha, cấm kỵ luôn, thay vì đó tiệm rửa xe hợp hơn!
Cuối cùng là hãy ghi nhớ tất cả những vị trí mà mình cho là ổn nhất với mô hình kinh doanh của mình, kể cả nơi đó không cho thuê lúc bạn hỏi hoặc chưa có ý định kinh doanh. Vì chỉ cần sau một thời gian, mọi thứ sẽ thay đổi và dường như mặt bằng đó chỉ dành để đợi bạn tới mà thôi!
Kết lại, nguyên tắc để tìm kiếm mặt bằng phù hợp bao gồm:
1. Trước khi tìm mặt bằng hãy giải đáp được 2 câu hỏi bán gì, bán cho ai? Không nóng vội, nên kiên nhẫn tới khi tìm được vị trí chuẩn nhất.
2. Khi tìm mặt bằng nên đặt ra những tiêu chí cụ thể, để khi nhìn thấy một vị trí nào đó bạn dễ dàng nhận ra “ nơi đây nên thuộc về mình” nhanh chóng hơn.
3. Tìm thấy mặt bằng ưng ý là “duyên”, nhưng để thành “nợ” đòi hỏi bạn phải kiên trì cố gắng mới đạt được.
4. Bỏ nhiều thời gian tìm hiểu về mặt bằng, tham khảo nhiều ý kiến khác nhau để chắc chắn rằng không có một trở ngại nào khi bạn quyết định.
5. Mỗi khi đi ngoài đường, hãy quan sát và ghi nhớ những vị trí đẹp, để khi có ý định kinh doanh ta chỉ cần quay lại để xem, có thể nó “ chỉ đang chờ bạn tới thuê” mà thôi!
6. Cuối cùng là ngành ăn uống không phụ thuộc vào gu, cách bài trí, món ăn hay pha chế nước ngon, hoặc là vị trí như nhiều người lầm tưởng. Mà cái chính vẫn là con người, đã là con người thì chắc chắn có sai sót, chúng ta cần có thời gian để học hỏi và rút kinh nghiệm. Vị trí cũng rất quan trọng, nhưng nếu chủ quán không biết cách quản lý, chăm sóc khách hàng thì mặt bằng đó cũng chẳng đem lại giá trị gì hết. Vì thế, việc cửa hàng có hoạt động tốt hay không là tổng hợp ảnh hưởng từ nhiều phía, chứ không chỉ mặt bằng, không phải cứ địa điểm đẹp là đảm bảo doanh thu cao đâu. Muốn doanh thu cao, bạn cần phải biết khi nào nên khuyến mại giảm giá, khi nào đẩy các dịch vụ chăm sóc khách hàng vào thêm,… Những kinh nghiệm quý báu này chẳng ai dạy đâu mà chỉ được đúc kết bởi chính bản thân bạn mà thôi.
Xem thêm: Kinh doanh nhà hàng phác họa chân dung khách hàng mục tiêu