Kẻ bán – người mua kêu trời khi hàng nhái tràn lan trên mạng

Hàng giả, hàng nhái các thương hiệu cao cấp được bày bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử như Alibaba hay Lazada đang trở thành nỗi lo lắng không chỉ với người tiêu dùng mà cả thương hiệu cao cấp, người kinh doanh chân chính.

Kẻ bán – người mua kêu trời khi hàng nhái tràn lan trên mạng

 

 

Kinh doanh trên mạng đang là xu hướng phát triển mới của thế giới nhằm nhân rộng khả năng mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên đi đôi với những lợi ích nhận được thì nỗi lo lắng về hảng giả cũng khiến người tiêu dùng “chùn chân” khi tiếp cận loại hình mua sắm còn mới này. Theo Báo cáo về Thương mại điện tử 2014 của Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin Việt Nam, một trong những lý do chính khiến người dân e ngại mua sắm trực tuyến bởi họ không yên tâm về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Sự việc mới nhất liên quan đến việc hàng giả được bán trên Alibaba và Lazada đang khiến khách hàng cũng như nhãn hiệu hàng đầu cảm thấy lo lắng.

Alibaba bị tố “tiếp tay” cho hàng giả

Ngày 15/5/2015, tập đoàn thương mại điện tử đứng đầu Trung Quốc- Alibaba bị một loạt các thương hiệu cao cấp như Gucci, Yves Saint Laurent và một số nhãn hiệu khác thuộc sở hữu của tập đoàn Kering (Pháp) kiện bởi cung cấp hàng giả. Một trong những ví dụ điển hình mà tập đoàn này đưa ra là những chiếc túi Gucci giả được rao bán trên trang mua sắm trực tuyến này với giá chỉ từ 2-5 USD và nhận được hơn 2,000 đơn đặt hàng, trong khi túi chính hãng có giá tới 795 USD. Mặc dù đã được các đơn vị này thông báo rõ ràng về hàng giả nhưng Alibaba vẫn không chịu gỡ bỏ mà tiếp tục bày bán tràn lan.

Alibaba bị tố “tiếp tay” cho hàng giả

 

Theo đơn kiện được gửi tới tòa án liên bang Manhattan, các thương hiệu cao cấp này cáo buộc Alibaba đã cố ý tạo điều kiện cho những kẻ làm giả, làm nhái sản phẩm của họ tự do buôn bán trên trang web khi chưa có sự cho phép. “Tập đoàn Alibaba chưa quan tâm đến quản lý các mặt hàng kinh doanh bất hợp pháp. Để mưng mủ, nó sẽ trở thành mối nguy hiểm. Không chỉ là cuộc khủng hoảng của công ty lớn phải đối mặt kể từ khi thành lập, hoạt động kinh doanh bát nháo của Alibaba đã làm tổn thương các công ty buôn bán qua Internet khác khi đang cố gắng hoạt động hợp pháp”. Các thương hiệu cũng mong muốn Alibaba chấm dứt mọi hoạt động trên và nếu vi phạm sẽ bị phạt 2USD trên mỗi sản phẩm.

 

Đây không phải là lần đầu tiên Alibaba bị cáo buộc tiếp tay cho hàng giả, trong những năm gần đây sự việc này diễn ra rất thường xuyên và từ đầu năm 2015 đây là vụ kiện thứ hai mà trang bán lẻ trực tuyến lớn nhất Trung Quốc này nhận phải. Vào tháng 2/2015, Alibaba đã phải đối mặt với những cáo buộc cung cấp hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm bản quyền, kém chất lượng, hàng giả, bất hợp pháp và nguy hiểm

 

Nỗi lo ngại về sản phẩm giả mạo trên Alibaba vẫn luôn là chủ đề nóng hàng đầu của cư dân mạng, thậm chí nhiều người tiêu dùng đã tuyên bố tẩy chay trang bán hàng này.

Lazada: Hàng nhái tràn lan trên website

Sự kiện của Alibaba có lẽ cũng giống với sự việc được phát sinh trên cộng đồng thương mại điện tử trên facebook thời gian gần đây, có lẽ điều khác là người phản ứng ở đây không phải là doanh nghiệp mà từ phía người tiêu dùng. Bạn có nick name Hieu Vo chia sẻ trên Cộng đồng E-commerce “Mình có đặt mua một tông đơ cắt tóc trên Lazada, lúc xem hàng trên website đã cố gắng chú ý kỹ từng chi tiết được nêu trên website. Vậy mà hàng về thì hỡi ơi, mua trúng hàng theo mình là hàng nhái bởi sản phẩm mua là Codol nhái theo hãng Codos”. Bạn cũng chia sẻ thêm mặc dù Lazada là một sàn thương mại điện tử nhưng phải kiểm soát chặt chẽ nguồn đầu vào của sản phẩm, cam kết không cung cấp hàng nhái. Ở đây sản có tên Codol nhưng toàn bộ chức năng, chi tiết, cấu tạo đều giống y chang phần chi tiết sản phẩm của Codos, thậm chí nhiều đoạn còn quên thay tên Codos thành Codol.

Sản phẩm Codol (trái) bị tố nhái theo hãng Codos (phải)

 

Lazada từng bị người tiêu dùng phát hiện bán hàng nhái nhiều lần. Mặc dù luôn “Cam kết bảo vệ người mua hàng” và  “Bảo đảm chính hãng 100%” nhưng tình trạng hàng nhái vẫn diễn ra phổ biến. Theo thông tin được cung cấp trên ICTnews, hàng loạt sản phẩm nhái kiểu dáng và thương hiệu được bày bán tràn lan trên trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. Ví dụ như tai nghe Bluetooth Samsung N7100 được rao giá 299,000 đồng tuy nhiên theo tìm hiểu Samsung không có chiếc tai nghe Bluetooth nào có tên mã N7100, tên mã này là… điện thoại Samsung Galaxy Note 2.

 

Cũng giống như Alibaba, sản phẩm được cung cấp trên Lazada có 2 dạng: Thứ nhất là hàng do chính Lazada nhập về kho, bán trực tiếp cho khách hàng và thứ hai là hàng của các thương gia, chủ doanh nghiệp đăng ký bán tại đây. Theo những người có kinh nghiệm trong ngành thương mại điện tử chia sẻ trên các diễn đàn thì ở đây nếu hàng trên Lazada là đồ nhái, giả mạo thì hãng Codos có thể khởi kiện giống trường hợp Alibaba ở trên. Việc không đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ khiến không chỉ uy tín của doanh nghiệp giảm sút mà còn tác động xấu đến cái nhìn của người tiêu dùng về ngành thương mại điện tử Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại sau khi bị người tiêu dùng phản ánh trên mạng xã hội, sản phẩm đã bị xóa trên website.

Cả người mua lẫn người bán đều là nạn nhân

Từ câu chuyện của Alibaba và Lazada khiến nhiều người tiêu dùng đang đặt ra câu hỏi: Liệu mua hàng trên mạng có thực sự an toàn? Các doanh nghiệp có biện pháp gì để kiểm soát nguồn gốc chất lượng của sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng? Những thương hiệu cao cấp, người bán hàng chính hãng chịu ảnh hưởng như thế nào về vấn đề này?”.

 

Trước hết đối với các thương hiệu cao cấp, việc các sàn thương mại điện tử bày bán hàng giả khiến uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Việc Alibaba hay Lazada bán công khai những mặt hàng này sẽ gián tiếp tiếp tay cho hành vi làm hàng giả, phổ biến chúng đến cộng đồng. Bên cạnh đó người tiêu dùng là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn khi hàng giả gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Họ không những mua phải hàng kém chất lượng mà còn bị chính doanh nghiệp mình tin tưởng lừa dối mặc dù luôn “cam kết bảo vệ quyền lợi”. Chính vì vậy để tự bảo vệ mình,khách hàng khi mua sản phẩm trên mạng cần phải:

 

Đọc kỹ thông tin về sản phẩm: tên, mẫu mã, nhà cung cấp, bảo hành, giá. Tìm hiểu thông tin sản phẩm trên website của nhà cung cấp, so sánh giá khi cần thiết.

 

Nắm rõ toàn bộ thông tin quá trình trao đổi với doanh nghiệp, lưu trữ để đối chiếu khi có vấn đề xảy ra.

 

Kiểm tra hàng khi nhận. Ngay lập tức trả hàng và phản ánh với nhân viên nếu thấy sản phẩm được cung cấp không đúng yêu cầu hoặc phát hiện là hàng nhái.

 

Kinh doanh là quá trình trao đổi qua lại giữa người bán và người mua, chỉ khi tạo được lòng tin, khách hàng sẽ quay lại gắn bó với doanh nghiệp. Đó là kiến thức đầu tiên, căn bản nhất mà một nhà quản lý cần nắm được trong thị trường đầy biến động, thông tin bị bóp méo khắp nơi. Mang đến những sản phẩm uy tín, như chính lời cam kết sẽ là cách nâng tầm thương hiệu và đưa doanh nghiệp tiến xa hơn.

 

 


Chia sẻ bài viết này