Địa điểm bán lẻ hiệu quả nhất, chọn thế nào?

Địa điểm hay vị trí kinh doanh là một yếu tố rất quan trọng trong bán lẻ. Chọn được địa điểm bán lẻ tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lâu dài của doanh nghiệp, hạn chế được những rủi ro mà vị trí kinh doanh mang lại như vấn đề giao thông vận tải hay nguồn cung ứng hàng hóa. Ngoài ra, địa điểm bán lẻ còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh từ những lợi thế địa hình so với đối thủ của mình. Với ý nghĩa to lớn như vậy, làm sao để lựa chọn địa điểm bán lẻ tốt nhất luôn là câu hỏi khó khăn đối với mỗi chủ doanh nghiệp. Một số lưu ý sau đây có lẽ sẽ giúp bạn phần nào trong quyết định khó khăn đó.

1. Mật độ lưu thông xung quanh địa điểm bán lẻ

Đây là một điều khá quan trọng, nó cho biết lượng xe tại các giao lộ và lượng người đi bộ đi qua cửa hàng. Ngoài việc đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng khi dừng lại và ghé vào cửa hàng của mình, tìm hiểu mật độ lưu thông còn giúp bạn đưa ra những chiến lược quảng bá phù hợp, nhắm tới đúng đối tượng mục tiêu, tận dụng tối đa lợi thế mà địa điểm bán lẻ mang lại.

2. Chắc chắn rằng cửa hàng của bạn dễ được tìm thấy

Không nói đến chuyện thu hút khách hàng mới, kể cả những người có ý định mua hàng của bạn cũng sẽ phát nản nếu họ phải đi khắp ngõ ngách để tìm kiếm địa chỉ. Hãy chọn địa điểm bán lẻ tại nơi dễ tìm thấy nhất, thông thường là ở cuối hoặc góc đường, dĩ nhiên ở mặt đường thì càng tốt. Tránh những nơi nằm sâu trong ngõ ngách. Ngoài ra, hãy làm nổi bật cửa hàng của bạn bằng cách thiết kế, trang trí mặt tiền hoặc đặt các biển quảng cáo đặc biệt.

3. Bãi đỗ xe và lối đi

Là chủ một cửa hàng bán lẻ, bạn phải biết trước lượng khách hàng của mình có thể sẽ rất đông vào thời điểm nào đó. Vì thế hãy thiết kế một nơi đỗ xe đủ rộng và thuận tiện, tránh những phố có dải phân cách hoặc phố giao thông một chiều. Khách hàng thường thích bãi đỗ xê ở ngay phía trước hoặc bên cạnh cửa hàng, thuận tiện trong việc đi lại. Ngoài ra vấn đề an ninh cũng cần được lưu ý đặc biệt.

4. Hợp đồng thuê cửa hàng

Có một sự thực là rất nhiều nhà bán lẻ không có đủ điều kiện hoặc không muốn mua hẳn một khu đất để xây dựng cửa hàng của mình. Lúc này họ thường dùng giải pháp thuê lại mặt bằng. Nhưng trước khi chấp nhận thuê một địa điểm bán lẻ nào đó, hãy thương lượng kĩ các điều khoản với chủ đất để tránh những tranh chấp không đáng có sau này. Hãy đảm bảo rằng trong hợp đồng có điều khoản cho phép bạn gia hạn hoặc chuyển đi chỗ khác khi hết hợp đồng. Thời hạn thuê ban đầu nên để ngắn, phòng những trường hợp xấu khi bạn triển khai kinh doanh. Các điều khoản cần linh hoạt, tính đến mọi khả năng tiêu cực và tích cực có thể gặp phải. Việc thuê mặt bằng là bước đầu tiên để kinh doanh, hãy đảm bảo bạn thực hiện thật tốt.

5. Khoảng cách với đối thủ cạnh tranh

Có nhiều người hay thắc mắc, thị trường cạnh tranh cao có tiềm năng hơn hay thị trường vẫn bỏ ngỏ có tiềm năng hơn? Câu hỏi này cũng tương tự trong việc lựa chọn địa điểm bán lẻ. Nên đặt cửa hàng của mình ở gần những đối thủ cạnh tranh, hay đặt tại nơi xa khuất chưa có ai cùng kinh doanh mặt hàng của mình? Tất cả những câu hỏi này đều phải dựa vào tình hình thực tế của mỗi nhà bán lẻ về nguồn lực tài chính, nhân sự, về đặc điểm hàng hóa và khách hàng. Có những cửa hàng nhỏ chưa tiếng tăm, lựa chọn địa điểm gần những cửa hàng lớn để “ăn lây” sự chú ý của khách hàng. Cũng có những loại mặt hàng càng canh tranh gay gắt mới càng mong bán được nhiều. Hay tại nơi mà khách hàng mục tiêu tập trung đông nhất như gần trường học, trung tâm giải trí,…thì các cửa hàng tương tự nhau xuất hiện rất nhiều. Thế nên các nhà bán lẻ cần xác định rõ vị thế của mình, từ đó mới tìm được địa điểm kinh doanh thích hợp.

6. Suy nghĩ kỹ trước khi ra quyết định chọn lựa cuối cùng

Lựa chọn địa điểm bán lẻ là bước đầu tiên đầy khó khăn, thế nên bạn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, xét đến mọi yếu tố và hệ lụy xảy ra cho việc kinh doanh của mình. Hãy đảm bảo rằng địa điểm mà bạn muốn chọn phải là nơi tốt nhất có thể thuê được trong khu vực mong muốn, đồng thời đáp ứng được các tiêu chí của bạn. Khi tiến hành kí hợp đồng thuê mướn hãy tham khảo và thương lượng để đưa ra các điều khoản bổ sung linh hoạt nhất, tránh tranh chấp. Lúc tiếp nhận mặt bằng bạn cũng nên kiểm tra lại tình trạng thực tế, đánh giá khả năng tu sửa hay mở rộng của địa điểm đó.

 

Những tiêu chí xác định khách hàng tiềm năng

Lợi ích của website với doanh nghiệp

10 Bí quyết khuyến mại trong bán lẻ


Chia sẻ bài viết này