Cho vay nặng lãi hay cho vay cưỡng lãi?

Trên các phương tiện thông tin đại chúng đang có cuộc bàn luận nghiêm túc về việc sửa đổi Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 xung quanh vấn đề lãi suất cơ bản (LSCB) trong lĩnh vực tín dụng.

 

Người rành rẽ trong lĩnh vực tín dụng thì cho rằng không cần thiết vì về bản chất kinh tế, khái niệm này không có. Người thực thi trong lĩnh vực xét xử thì yêu cầu cần phải có mốc chuẩn để xử lý các vụ tranh chấp theo tội danh cho vay nặng lãi.

Người trong lĩnh vực hoạch định chính sách thì phân vân bởi cuộc sống quá đa dạng, giữ được mặt này lại lo “thủng” mặt khác… Vậy thử đứng ở góc độ người dân để phân tích xem, LSCB quan trọng đến đâu trong cuộc sống của họ?

 

LSCB của NHNN đã là mốc chuẩn để xác định hành vi trong các giao dịch cho vay nặng lãi có phạm tội hay không phạm tội. Ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng, trong cuộc sống thường ngày, không một người dân nào muốn lâm vào hoàn cảnh đi vay nặng lãi.

 

Hoàn cảnh ấy chỉ có thể xảy ra, hoặc không tiếp cận được với các tổ chức tín dụng (TCTD), hoặc không tựa được vào người thân quen và lại gặp những đối tượng cố tình lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính. Khi đã gặp đối tượng này, cho dù LSCB có được đặt ra cũng khó có thể điều chỉnh được hành vi của họ.

 

Ở một góc độ khác, quan trọng hơn, chủ động hơn, có tác động đến đông đảo người dân hơn, đó là tính ổn định tỷ lệ lãi suất tiền gửi và tiền vay của các TCTD gần nơi cư trú.

 

Một khi mạng lưới các TCTD phát triển ngày càng sát các khu vực dân cư hơn, thị trường tiền tệ ngày càng ổn định hơn, việc tự do hóa lãi suất tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn…, ắt hẳn dư địa của thị trường tín dụng đen sẽ bị thu hẹp. Đó đang là mục tiêu không chỉ của Chính phủ mà còn là mong muốn của đông đảo người dân.

 

Có thể nhận thấy rằng, việc đặt ra LSCB làm chuẩn mốc cho cơ quan pháp luật định tội danh cho vay nặng lãi chỉ là biện pháp bị động, xử lý một việc đã rồi ở một lãnh địa hạn hẹp.

 

Thế nhưng, dù hạn hẹp nhưng trong cuộc sống vẫn xảy ra sự việc như đã nêu trên và pháp luật vẫn phải điều chỉnh. Nếu không đặt ra mốc chuẩn LSCB thì tòa án dựa vào đâu để xử lý các tranh chấp khi xảy ra như viện dẫn của các luật sư?

 

Xin góp một ý nhỏ, liệu có thể thay khái niệm LSCB bằng Lãi suất cho phép”. Dựa vào Điều 163 Bộ Luật Hình sự, có nên quy định thế này chăng: Lãi suất cho phép là mức lãi suất thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng giữa bên vay và bên cho vay nhưng không được cao quá 10 lần so với mức lãi tiền gửi bình quân cùng thời điểm của 3 ngân hàng gần nhất nơi cư trú.

 

Vì với người dân, khái niệm LSCB xa xôi và nhiều khi quan liêu, không gần gũi và đáng tin bằng lãi suất hiển hiện hằng ngày, “mắt thấy tai nghe” của các TCTD gần nơi cư trú.

 

Theo Doanhnhansaigon.vn


Chia sẻ bài viết này