Khuyến mại luôn là chiến lược tiếp thị hiệu quả của các doanh nghiệp nhằm kích cầu tiêu dùng bởi nó thu hút được sự quan tâm đông đảo của người dân.Những banner quảng cáo “Giảm giá SOCK 50%-70% tất cả các mặt hàng”, “thanh lý hàng hóa – giá nào cũng bán”, “mua 1 tặng 1”, “khuyến mại khủng ngày cuối năm, giảm giá 30% giá trị mặt hàng”… xuất hiện nhan nhản trên các website, cửa hàng kinh doanh mọi ngành nghề từ đồ gia dụng, điện tử đến đồ thực phẩm, thời trang….
Đặc biệt càng đến những ngày cuối năm hay ngày lễ (Trung thu, Noel…), các chiến dịch khuyến mại này càng nở rộ và theo như quảng cáo, hàng khuyến mại được bán ra với mức giá rẻ hơn bình thường mà chất lượng không đổi. Chưa cần biết hàng hóa đó xuất xứ từ đâu, giá cả thị trường như thế nào, chỉ cần dán mác “Sale off”, “giảm giá” là đã thu hút được rất nhiều khách hàng.
Cảnh giác với chiêu trò khuyến mãi khi mua hàng trực tuyến
Bên cạnh một số đơn vị uy tín, lấy chất lượng lên hàng đầu thì hiện nay, lợi dụng đặc điểm của việc mua hàng trực tuyến như không thể “nhìn tận mắt, chạm tận tay” sản phẩm thật, toàn bộ thông tin khách hàng được biết đều chịu sự kiểm soát của doanh nghiệp, khó khăn trong việc đổi trả hàng… cùng tâm lý thích mua hàng rẻ mà các doanh nghiệp có những “thủ thuật” khác nhau để qua mắt khách hàng với các chương trình khuyến mại. Rất nhiều người tiêu dùng không đủ tỉnh táo, đã bị lừa bởi các chủ cửa hàng, mua phải hàng kém chất lượng.
Trong bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới các bạn một số thủ thuật khuyến mại của các doanh nghiệp. Tùy theo từng loại mặt hàng cụ thể mà cách khuyến mãi khác nhau và từ đó khách hàng cũng bị lừa theo nhiều kiểu riêng.
1. Chất lượng sản phẩm thấp
Nguồn sản phẩm: Hình thức này thường được các đơn vị bán đồ mỹ phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng (bột giặt, nước rửa chén…) áp dụng. Thông thường khi thực hiện các chương trình khuyến mại khủng, lớn, nếu tiếp tục bán những sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín cũ thì chủ cửa hàng không được lời bao nhiêu nên họ sẽ thay đổi nhà cung cấp hoặc lấy từ những đơn vị không có uy tín để bán với giá thấp hơn so với sản phẩm cũ và nói đó là khuyến mại.
Trong một bài phỏng vấn trên báo taichinhcuatoi.vn, chị Phương tại quận 1 (TPHCM) cho biết: “Mình từng mua một cây mascara có thương hiệu nổi tiếng tại một cửa hàng nhỏ đang có chương trình khuyến mãi đặc biệt với giá chỉ còn một nửa so với những nơi khác. Chủ cửa hàng giải thích đây là hàng xách tay ở nước ngoài về nên giá mềm hơn so với thị trường. Mình phấn khởi vì đã mua được hàng tốt giá rẻ. Nhưng đến khi sử dụng mới biết, mascara này không đẹp như hàng bình thường, mau trôi và rất kém chất lượng. Nên mình cảm thấy khá hụt hẫng và bực mình”.
Hình ảnh sản phẩm trực tuyến luôn “long lanh”
nhưng lại khác xa trên thực tế
Hạn sử dụng: Một hình thức khác hay được các chủ cửa hàng online áp dụng đó là khuyến mại các sản phẩm sắp hết hạn sử dụng hoặc những mặt hàng đóng hộp (ví dụ như thực phẩm) không còn tươi ngon. Tất nhiên những mặt hàng này đều được giới thiệu dưới hình thức “long lanh” nhất nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng.
Chất lượng thực phẩm vẫn là dấu hỏi với nhiều người tiêu dùng
Trên website của một số siêu thị tại địa bàn Hà Nội sẽ thấy những mẫu quảng bá, khuyến mại các mặt hàng đồ tươi sống tươi ngon, nhưng trên thực tế theo như người tiêu dùng phản ánh, đồ thủy hải sản thường để đông lạnh khá lâu. Các loại thực phẩm chín đã được chế biến sẵn được ghi sử dụng trong ngày tuy nhiên chúng được đóng gói vào giờ nào trong ngày thì chỉ có… “trời” mới biết. Mặt hàng đồ đông lạnh như cá hồi, sứa biển không ghi rõ hạn sử dụng từ bao giờ
2. Nâng giá thành sản phẩm
Một hình thức nữa mà các cửa hàng, doanh nghiệp thường áp dụng đó là nâng giá thành sản phẩm sau đó giảm giá trong khi giá trị thật cửa mặt hàng không thay đổi, có khi tăng lên. Lợi dụng đặc điểm không nắm rõ được giá cả trung bình của sản phẩm trên thị trường của hầu hết người tiêu dùng, các doanh nghiệp “qua mặt” khách hàng trong chuyện khuyến mại không quá khó.
Mặc dù được gắn những mác giảm giá “cực rẻ”, “cực sốc”, khiến nhiều người tưởng như được “cho không”, nhưng trên thực tế giá thành thường vẫn không đổi. Chủ cửa hàng nâng giá sản phẩm lên rất cao sau đó “dán mác” khuyến mại vào với mục tiêu tiết kiệm tiền cho khách hàng, xả hàng tồn kho nhưng trên thực tế giá chúng vẫn bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Thông thường hình thức này được áp dụng đối với ngành hàng đồ gia dụng, điện tử, điện máy, đặc biệt là thời trang.
Sản phẩm tivi LED LG 47 Inch Ls 4600 của Pico bị khách hàng tố cáo là giá cao hơn trên thị trường (nguồn baomoi)
Mẹ bé Bờm chia sẻ trên diễn đàn lamchame: “Mình từng mua một chiếc váy trên website một hiệu thời trang với giá hơn 500.000 đồng (được giảm 30% so với giá gốc). Thời gian đầu cảm thấy rất vui vì tiết kiệm được cả đống tiền nhưng trong một lần đi shopping với bạn, mình phát hiện chiếc váy giống hệt đó bên ngoài chỉ có giá gần 500.000 đồng. Sau đó tôi có thắc mắc với chủ cửa hàng trên website thì nhận được câu trả lời rằng sản phẩm có chất lượng cao hơn nhưng không nói rõ có điểm gì khác biệt và không chấp nhận đổi sản phẩm bởi đã mua. Từ việc đó tôi luôn cảnh giác khi mua hàng khuyến mại trên mạng.”
Chiếc máy ảnh này được khuyến mại còn 6.89 triệu nhưng giá thực tế chỉ dao động gần 6 triệu đồng (nguồn Vietbao)
Ngay cả một số siêu thị bán đồ điện tử lớn trên địa bàn Hà Nội cũng áp dụng hình thức tương tự. Ví dụ một chiếc laptop Asus K52f được giảm giá “sốc” còn 11,3 triệu đồng nhưng sản phẩm này ở bên ngoài chỉ khoảng 11 triệu. Mặc dù mang tiếng là khuyến mại nhưng với giá như trên thì không khác gì khách hàng phải trả thêm tiền cho món đồ được tặng kèm.
>> Có thể bạn chưa đọc:
Giải pháp hoàn hảo khi lựa chọn thiết kế website vnmaster.net
Bắt kịp xu hướng kinh doanh thời trang cuối năm 2017 đầu 2018
3. Trả tiền cho các món đồ tặng kèm
Nếu bạn hay săn hàng khuyến mại sẽ thấy rất nhiều quảng cáo như “mua 1 tặng 1” hoặc “mua một chiếc bếp tặng một bộ nồi, dao làm bếp”… Đây cũng là một thủ thuật tinh vi được các doanh nghiệp áp dụng, đánh trúng vào tâm lý thích được tặng quà của người Việt. Thực chất giá của bạn trả đã bao gồm giá của sản phẩm được tặng kèm hoặc sản phẩm khuyến mại đó có chất lượng thấp.
Người tiêu dùng thường bị lừa bởi các sản phẩm tặng kèm
Theo một bài báo trên Vietq, anh Hoàng Anh Tú (ngõ 290, Lạc Long Quân, Hà Nội) sau khi biết được thông tin khuyến mãi chiếc tủ lạnh hiệu Toshiba của một siêu thị điện máy nằm trên đường Láng, anh đã tới mua với giá 5 triệu đồng và được tặng kèm bộ nồi inox giá 800.000 đồng. Nhưng sau khi mang về nhà dùng thử một thời gian anh phát hiện bộ nồi dùng vài lần đã hỏng mặc dù được giới thiệu là “nồi inox Hàn Quốc cao cấp”.
Khách hàng cần cẩn trọng với các hình thức khuyến mãi: Trong khi chờ đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình trước những chiêu trò của một số doanh nghiệp, cửa hàng.
Cần phải nắm rõ thông tin về sản phẩm, hạn sử dụng, đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, heo, gà, cá.. cần kiểm tra độ tươi trước khi mua.
Kiểm tra giá thành chung của sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Đây là điểm yếu của hầu hết người Việt khi không biết chính xác giá gốc của mặt hàng mà thường “lao vào” mua luôn.
Kiểm tra rõ mặt hàng, quà tặng được khuyến mãi.
Hy vọng với một số thông tin ở trên, các bạn đã có được những thông tin cần thiết để phòng tránh khi bước vào mùa mua sắm cuối năm. Tất nhiên như đã nói, có rất nhiều đơn vị chân chính, giảm giá nhằm hỗ trợ khách hàng nhưng hầu hết doanh nghiệp đều có các mánh khóe khuyến mại khác nhau để móc túi người tiêu dùng.
>> Cơ hội kinh doanh online cho 40 triệu người
Tăng doanh thu gấp 3 lần khi kinh doanh online không còn khó nữa. Tìm hiểu ngay Công ty thiết kế web bán hàng và báo giá thiết kế website bán hàng để bắt đầu thúc đẩy doanh số của bạn nào.