Các bước mở cửa hàng tạp hóa: Cần chuẩn bị gì trước khi kinh doanh tiệm tạp hóa?

Mở cửa hàng tạp hóa kinh doanh có lãi không?

Bán tạp hóa có giàu không? Kinh doanh tiệm tạp hóa có lãi không? là những nghi vấn mà bất cứ ai đang ấp ủ mở cửa hàng tạp hóa nhỏ ở nông thôn, hay các tỉnh lẻ đang phân vân vì nó.

Mô hình các cửa hàng tiện lợi rất được ưa chuộng tại các nước tiên tiến, còn ở Việt Nam chỉ xuất hiện tại các thành phố lớn. Bởi đặc thù nền kinh tế nước ta còn nhiều yếu kém, mức thu nhập chưa cao và theo như họ nghĩ việc mua hàng ở các tiệm tạp hóa sẽ nhanh hơn, tiện hơn, rẻ hơn là vào các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi cao cấp. Mở tiệm tạp hóa thực sự là một hướng kinh doanh đúng đắn, khả năng cạnh tranh là chắc chắn có lãi, nếu bạn lựa chọn mở cửa hàng tạp hóa ở các khu vực tỉnh lẻ, hay những nơi đông dân cư của những người thu nhập thấp.

Kinh doanh tạp hóa đúng với tên gọi “bỏ tiền cục thu tiền rời”, vì lợi nhuận trên từng món hàng khá khiêm tốn, đôi khi chỉ lời vài trăm đồng. Nhưng nếu đông khách, được làm đại lý cho các thương hiệu sản phẩm uy tín thì số tiền lãi sẽ tăng lên gấp nhiều lần, không chỉ đủ để cuộc sống hàng ngày của cả gia đình bạn thừa dư dả mà còn giúp bạn làm giàu nhanh chóng.

Ngoài ra, kinh doanh cửa hàng tạp hóa không bao giờ bị ế, nhất là vào mùa vụ như Tết, Trung thu bạn có thể kiếm bộn tiền. Hơn nữa, ngày nào cũng có người mua, ra vào tấp nập rất vui, không bị nản chí như một số nghề khác. Ngoài ra, mở tiệm tạp hóa tại nhà vừa tranh thủ được thời gian rảnh khách chăm sóc con cái, nhà cửa lại chắc chắn đem về khoản thu nhập đủ trang trải chi phí hàng ngày cho cả gia đình bạn. Vì thế, mở cửa hàng tạp hóa chắc chắn sẽ có lãi, nhưng chuyện có giàu hay không thì còn chưa biết.

Các bước mở cửa hàng tạp hóa: Cần chuẩn bị gì trước khi kinh doanh tiệm tạp hóa?

Những thử thách khi khởi nghiệp kinh doanh tạp hóa

Hình thức kinh doanh thu vốn nhanh này có một số thử thách mà bạn phải chuẩn bị tâm lý để đương đầu, đó là:

Đầu tiên, kinh doanh tạp hóa yêu cầu bạn phải có một trí nhớ tốt, một đầu óc thông minh, là một người nhanh nhẹn để có thể đáp ứng đúng các yêu cầu của khách hàng. Vì số lượng mặt hàng đa dạng, hàng hóa nhập xuất liên tục trong ngày nên bạn phải có một biện pháp quản lý, bài trí hàng hóa khoa học để khách dễ quan sát và tìm được sản phẩm nhanh hơn, nhớ giá chính xác từng mặt hàng, đề phòng kẻ cắp… Tuy nhiên, nếu không có những tố chất trên thì cũng đừng lo, một phần mềm quản lý bán hàng sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn.

Tiếp theo, bạn phải hoạch định cho mình một chiến lược kinh doanh rõ ràng, thảo ra một kế hoạch tiếp thị, giá cả cùng ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Bởi có nơi các tiệm tạp hóa mọc lên như nấm, sát nhau, muốn chiến thắng các đối thủ cạnh tranh đó bạn phải có sự khác biệt. Nếu cửa hàng bạn ra sau, quy mô khiêm tốn mà bên cạnh lại là tiệm lớn lâu đời cũng chẳng có gì phải lo lắng. Hãy tận dụng được những thiệt thòi để biến thành điểm có lợi cho chúng ta. Cuốn “Để cạnh tranh với những người khổng lồ” sẽ chỉ ra cho bạn thấy, việc một tiệm tạp hóa có quy mô nhỏ cạnh tranh thành công và còn “ngang nhiên” phát triển mạnh ngay bên cạnh một đối thủ đáng gờm là cửa tiệm khổng lồ là điều rất bình thường.

Đã có khá nhiều chủ tiệm than vãn, thậm chí thua lỗ vì không có biện pháp quản lý điều hành đúng đắn. Bạn có nickname xita_hn không ngại thổ lộ trên diễn đàn webtretho.com: “Hai vợ chồng em vừa mới mở cửa hàng tạp hóa được mấy tháng nhưng đã lỗ hơn nửa tỷ rồi. Tiền đầu tư thì nhiều nhưng lãi thì lắt nhắt 500, 1.000 đồng. Hồi đầu chưa bán em tưởng lãi ghê gớm lắm vì nhìn nhiều người bán đắt hàng là ham nhưng có bán rồi mới biết. Mình bán rẻ thì hầu như không có lãi, còn bán đắt thì chả ai mua, thà người ta vào siêu thị còn hơn.”

Những lưu ý trước khi mở tiệm tạp hóa

  1. Lựa chọn địa điểm

Vì là kinh doanh những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình nên việc chọn địa điểm rất dễ, không yêu cầu quá cao. Thế nhưng khi đã xác định đầu tư lớn thì nhất định bạn phải chú tâm, chọn nơi đông dân cư, mức sống từ khá trở lên thì khách hàng sẽ có nhu cầu mua hàng thường xuyên hơn, đặc biệt là các thương hiệu cao cấp đắt tiền nhiều hơn.

Còn nếu tài chính có hạn, bạn chỉ mở một tiệm tạp hóa nhỏ thì việc lựa chọn địa điểm đơn giản hơn nhiều, ngay tại nhà bạn cũng ok.

  1. Khảo sát về nhân khẩu học

Khảo sát về nhân khẩu học bao gồm mật độ, thu nhập, đối tượng dân cư,… để nắm rõ được thu nhập, nhu cầu của khách hàng và lựa chọn các sản phẩm sao cho phù hợp. Nếu bạn nhập và bán những sản phẩm không đúng với yêu cầu của khách hàng thì chỉ còn cách tự chịu thua lỗ.

Mở tiệm kinh doanh tạp hóa nhỏ tại gia, nhiệm vụ của bạn là nên xác định rõ đối tượng dân cư tại đó phần lớn là lao động phổ thông hay viên chức, thượng lưu,… để lựa chọn mặt hàng phù hợp với nhu cầu của họ. Từ mì gói, nước tương, nước mắm, bột ngọt cho tới xà phòng, bột giặt,… mỗi sản phẩm có vô vàn thương hiệu, mẫu mã, chất lượng, giá thành,… được sản xuất phù hợp với mỗi đối tượng khách hàng.

Lấy ví dụ, nếu bạn mở cửa hàng tạp hóa ở nơi mà đa phần người dân sinh sống ở đó là lao động phổ thông, công nhân, học sinh, sinh viên,… là những đối tượng có thu nhập thấp, nhu cầu mua hàng thiết yếu nhiều hơn là hàng cao cấp. Vì vậy, bạn chỉ nên nhập những mặt hàng cần thiết cho sinh hoạt có mức giá rẻ hợp với thu nhập của khách hàng, và phải linh động cho nợ vì thu nhập của họ không ổn định. Cùng một mặt hàng, bạn phải bán bằng hoặc thấp hơn giá của các cửa hàng khác mới có thể thu hút và giữ chân được khách. Ngược lại, nếu tiệm bạn mở ở nơi đa phần là dân văn phòng, viên chức,… những người có thu nhập, địa vị cao trong xã hội họ sẽ có yêu cầu cao hơn. Bạn phải chú trọng lựa chọn sản phẩm mẫu mã sang trọng, chất lượng cùng cách bày trí đẹp mắt mới đem lại thành công cho bạn.

Kinh nghiệm là bạn nên tìm hiểu một vòng xem những cửa hiệu gần mình đang bán những mặt hàng nào, thương hiệu gì, giá cả ra sao, lời lãi so với giá gốc bao nhiêu, đánh giá của người dân về ưu nhược, thái độ phục vụ của họ như thế nào,… Dựa vào đó, bạn sẽ thu thập được cho mình những mặt hàng nào nên bán, nên bổ sung, kể cả là những sản phẩm nhỏ lãi rất rất ít như kim chỉ cũng không được bỏ qua.

Bạn Nguyễn Thắng – một nhà kinh doanh trẻ thành công với cương vị một ông chủ tạp hóa lớn khi mới 21 tuổi ở địa chỉ 122 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự: “Khởi đầu kinh doanh tạp hóa hãy đặt mục đích bán được nhiều hàng, phục vụ được nhiều đối tượng hơn là lãi nhiều, miễn sao không lỗ và có lãi đủ tiêu dùng cho gia đình là được. Khi đã có khách quen thuộc, doanh số tăng đều, lãi nhỏ ban đầu sẽ tích lũy ngày một nhiều hơn.”

  1. Tìm nguồn hàng

Mở cửa hàng tạp hóa lấy hàng ở đâu? là câu hỏi mà những người đang có ý định mở tiệm tạp hóa thường thắc mắc nhiều nhất. Bạn có thể liên hệ với các nhà sản xuất để được hưởng nhiều quyền lợi như giá sỉ và các khuyến mại giảm giá hấp dẫn. Hoặc lấy sỉ lại từ những cửa hiệu tạp hóa lớn, mỗi cửa hiệu lấy một vài sản phẩm, cứ chỗ nào uy tín giá rẻ hơn thì chọn. Nếu bạn nào ở TP. Hồ Chí Minh thì đừng quên chợ đầu mối Kim Biên là nơi mà bạn có thể tìm thấy bất cứ mặt hàng nào với giá cả rất hợp lý.

Đừng quên theo dõi Blog Kinh Doanh Việt để đọc tiếp phần 2 của bài viết Các bước mở cửa hàng tạp hóa: Lập kế hoạch kinh doanh tiệm tạp hóa nhé!


Chia sẻ bài viết này