Bí quyết tạo dựng thương hiệu trực tuyến (Phần 1)

Thương mại điện tử ra đời, kinh doanh trực tuyến trở thành trào lưu được nhiều người hưởng ứng, từ những “lão làng” trong nghề cho đến người mới tập tành buôn bán. Một vấn đề cũng nảy sinh theo đó, là việc tạo dựng thương hiệu trực tuyến như thế nào? Môi trường mạng ảo có những đặc điểm khác biệt so với truyền thống, vì vậy doanh nghiệp không thể áp dụng máy móc các chiến lược phát triển thương hiệu được. Sau đây là một số bí quyết tạo dựng thương hiệu trực tuyến mà doanh nghiệp có thể tham khảo.

1. Duy trì tương tác mạng xã hội để tạo dựng thương hiệu trực tuyến

Để bắt đầu chiến dịch quảng bá thương hiệu trực tuyến, nơi đầu tiên mà các doanh nghiệp thường nghĩ đến là các trang mạng xã hội như Facebook, Google +, Twitter,…Những trang tin cá nhân, fanpage được doanh nghiệp tạo ra nhằm thu hút sự chú ý của mọi người thông qua các bài đăng. Đây là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, vì hiện nay các trang mạng xã hội đang rất phát triển với lượng người truy cập thường xuyên cực kì lớn.

Nhưng sai lầm của các doanh nghiệp nằm ở chỗ chỉ suy nghĩ đến bước tạo dựng mà quên việc phải duy trì các trang xã hội này. Vì mạng xã hội được tạo ra để mọi người có thể tương tác với nhau bất kể khoảng cách không gian, thế nên nếu trang tin của doanh nghiệp chỉ được sử dụng với mục đích đăng bài thì hoàn toàn không mang lại tác dụng gì.

Vậy nên doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi mạng xã hội, phản hồi lại những ý kiến của khách hàng sớm nhất có thể. Như vậy mới có thể kiểm soát được thông tin trực tuyến, làm cơ sở để đưa ra các hoạt động quảng bá thương hiệu tiếp theo

2. Không dùng chung thương hiệu cá nhân với doanh nghiệp

Để tạo dựng thương hiệu cá nhân cũng không phải điều đơn giản, đòi hỏi một người phải có rất nhiều tố chất để được lòng công chúng. Nhưng không vì vậy mà cho rằng thương hiệu cá nhân có thể gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu doanh nghiệp, nó chỉ mang tính hỗ trợ ở mức nhất định. Khách hàng tìm đến với doanh nghiệp vì chất lượng sản phẩm và dịch vụ là chính chứ không phải vì danh tiếng cá nhân của một ai đó.

Ngoài ra, khi cá nhân gặp phải những vấn đề trục trặc gây tổn hại danh tiếng của mình cũng sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu chung của doanh nghiệp, trong trường hợp này vẫn là mất nhiều hơn được.

3. Thu hút truyền thông và tạo quan hệ

Một trong những điểm thuận lợi trong quảng bá thương hiệu trực tuyến là dễ dàng thiết lập các mối quan hệ dựa vào sự kết nối không giới hạn của mạng Internet. Doanh nghiệp nên tận dụng điều này để tạo quan hệ với truyền thông và khách hàng, tăng cơ hội quảng bá hình ảnh và sản phẩm của doanh nghiệp.

So với các phương tiện truyền thông truyền thống thì trực tuyến có nhiều lợi thế hơn trong việc chuyển tại tin tức, cả về tốc độ và chất lượng. Vì vậy nếu website của doanh nghiệp được các trang báo mạng, kênh trực tuyến viết bài giới thiệu sẽ thu hút được nhiều sự chú ý hơn.

4. Chọn tên thương hiệu bền vững

Dù trong truyền thống hay trực tuyến thì tên thương hiệu vẫn là một thành tố quan trọng, nên việc lựa chọn sao cho phù hợp phải được đặt lên hàng đầu. Tên thương hiệu có thể được đặt theo đặc điểm sản phẩm, theo tên người sáng lập hoặc lĩnh vực kinh doanh, nhưng dù bằng cách nào cũng phải đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ, ấn tượng và mang lý tưởng của doanh nghiệp.

Tên thương hiệu không nhất thiết phải quá cầu kỳ, chỉ cần gắn liền với sản phẩm và mục đích hoạt động của công ty cũng có thể mang lại giá trị cùng khả năng quảng bá cao.

5. Kiên trì tìm kiếm vị trí thích hợp

Khi bắt đầu kinh doanh, bất kỳ ai cũng gặp khó khăn để tìm chỗ đứng cho mình trên thị trường, đặc biệt là môi trường mạng ảo vốn rất đông đối thủ cạnh tranh. Nhưng hãy kiên trì, nỗ lực mở rộng và phát triển thương hiệu, vì để tạo dựng hình ảnh cho riêng mình là cả một quá trình dài đầy khó khăn. Thành công sẽ đến với những ai chăm chỉ!

(Còn tiếp)


Chia sẻ bài viết này