Điệp viên 007 là sản phẩm thành công lừng lẫy của nền công nghiệp điện ảnh. Cùng với thời gian, hình ảnh James Bond trở thành biểu tượng của ngành giải trí thế giới – một trong những người hùng phiêu lưu mạo hiểm thành công nhất tại Hollywood . Liệu có ai cùng suy nghĩ rằng “James Bond là một nhãn hiệu thực sự” hay không? Hãy cùng tìm hiểu những bài học kinh doanh rút ra từ sản phẩm thành công này.
Bài học kinh doanh 4: Giao tiếp bằng ngôn ngữ của khách hàng và tránh dùng những từ chuyên môn khó hiểu
Nếu bạn không biết cách giao tiếp với các khách hàng, thì bạn có nói nhiều đến đâu, họ cũng sẽ không bao giờ nghe bạn. “Bond luôn nói chuyện theo cách thức giao tiếp rất đời thường pha lẫn sự hài hước”, Lovas – sáng lập viên AboutPeople, một công ty tư vấn chuyên về giúp đỡ các công ty và cá nhân – nói, “Trong hoạt động kinh doanh của tôi – để đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – chúng tôi nhận ra 62 từ và cụm từ chuyên môn không bao giờ nên nói với các khách hàng”. Lovas khuyên các chủ doanh nghiệp nên giao tiếp theo cách cùng suy nghĩ với khách hàng sử dụng những ngôn từ nhất quán cho dù là qua điện thoại hay trên văn bản giấy tờ, đặc biệt cần tránh những thuật ngữ chuyên môn khó hiểu.
Bài học kinh doanh 5: Hiểu rõ nghệ thuật giao tiếp trong kinh doanh
Trong một bộ phim, khi Bond bị trói chặt vào bàn và trước mặt là một máy chiếu laze sẵn sàng phóng thẳng vào người, kẻ thù của Bond là Goldfinger nói: “Bond, hãy chuẩn bị nói lời cuối cùng đi”.
“Anh muốn tôi nói gì?”, Bond điềm tĩnh hỏi lại.
“Chẳng muốn gì, tôi chỉ muốn cái chết của anh”, Goldfinger đáp lại.
Sau đó, James Bond hé mở một vài bí mật và cho rằng không chỉ có anh ta biết rõ mà còn có một số đồng nghiệp nữa cũng biết. Điều này đủ để giữ cho Bond được tiếp tục sống. Những kiểu thương lượng như vậy bạn thường thấy trong các bộ phim về James Bond. Bond luôn tìm ra một yếu tố thích hợp nào đó vào thời điểm cần thiết. Đó có thể là thông tin hay điểm yếu của đối thủ để đạt được mục đích mình mong muốn.
Các chủ doanh nghiệp ngày nay cũng thực hiện những công việc tương tự như vậy hàng ngày, chỉ có điều là qua email hay tại một cuộc họp, chứ không phải đứng trước kẻ sát nhân với súng máy trong tay như James Bond. Việc có khả năng đề xuất một điều gì đó để thu về những kết quả như mong muốn là rất quan trọng trong kinh doanh. Đối với Bond, bằng nghệ thuật giao tiếp tuyệt vời anh đã cứu được mạng sống của bản thân và có khi là cả sự tồn tại của thế giới. Tương tự như vậy, đối với một chủ doanh nghiệp, giao tiếp hiệu quả có thể tiết kiệm được từ thời gian cho đến tiền bạc và thậm chí là cứu sống cả công ty.
Bài học kinh doanh 6: Xây dựng mạng lưới các mối quan hệ
Một trong những tính cách khiến Bond trở thành điệp viên vĩ đại nhất thế giới đó là khả năng thiếp lập mạng lưới các mối quan hệ. Ví dụ, khi Bond (do Pierce Brosnan thủ vai) tìm kiếm loại vũ khí vệ tinh GoldenEye bị mất tích trong bộ phim GoldenEye, anh ghé qua St. Petersburg, sử dụng một địa chỉ liên lạc của CIA đưa cho để gặp gỡ trùm mafia Nga – Valentin Zukovsky. Qua Valentin, Bond tiếp xúc với người đứng đầu một tổ chức tội phạm ở Nga để thu thập những thông tin quan trọng. Cứ thế, dần dần Bond tìm ra đầu mối cần thiết.
Yếu tố quan trọng ở chỗ cho dù là với những đồng nghiệp thân cận như M, Q, Felix hay trong những mối kết giao mới với những con người xa lạ, Bond luôn biết rõ tầm quan trọng của việc hiểu mọi người, luôn giữ mối liên lạc và không ngại tiếp cận để có được thông tin. Điều này cũng bổ ích với bất cứ ai trong thế giới kinh doanh. Phòng thương mại và công nghiệp địa phương có thể giúp bạn liên hệ với ai đó tại một tổ chức phi lợi nhuận để có được một số thông tin quan trọng.
Bài học kinh doanh 7: Luôn chủ động và tiên phong thực hiện
Lovas tin rằng thế giới được chia thành 2 nửa: thứ nhất đó là những người luôn tiên phong hành động và thứ hai là những người bị động phản ứng lại. “Những người chủ động sẽ nhanh chóng quyết định để đi đến hành động, còn những người bị động luôn chần chừ và cân nhắc”. Ở đây không có nghĩa, Lovas muốn chỉ trích những CEO hay các chủ doanh nghiệp bị động. “Họ chần chừ bởi vì họ muốn chắc chắn rằng mình hoàn toàn đúng trước khi hành động”, Lovas giải thích, “Bond là một hình mẫu lý tưởng cho cả hai bởi vì anh luôn hành động trước và đồng thời đó luôn là những hành động chuẩn xác nhất”.
Có thể thấy rằng, mọi công việc Bond thực hiện đều đạt được kết quả mỹ mãn. Nhưng đó là trong phim truyện còn trong thế giới kinh doanh thực, chúng ta không phải là nhà viết kịch bản có thời gian suy ngẫm và tự xếp đặt các tình tiết để đảm bảo rằng quyết định của chúng ta là chuẩn xác nhất. Mặc dù vậy, những triết lý và phương thức hành động của Bond vẫn là những bài học thú vị có thể ứng dụng vào các chiến lược kinh doanh. Thật hiếm khi một biểu tượng của ngành giải trí thế giới lại có thể đem đến nhiều bài học quý giá như vậy.
(Theo Bwportal)
Những bài học kinh doanh thực tế và ý nghĩa
TOMS – ý tưởng kinh doanh độc đáo nảy sinh từ đôi chân trần
Bài học kinh doanh từ siêu phẩm điện ảnh: Điệp viên 007 (phần 1)