Bí kíp quản lý giúp Sếp “lấy lòng” nhân viên văn phòng

Mối quan hệ giữa Sếp và nhân viên văn phòng luôn là đề tài nóng trong công ty. Bạn có thể là một lãnh đạo giỏi với khả năng được nhiều người ngưỡng mộ nhưng vẫn không bao giờ được cấp dưới yêu quý nếu có tính cách quái đản. Thiết lập mối quan hệ tốt với nhân viên văn phòng luôn là điều các lãnh đạo phấn đầu và muốn được như vậy phải có bí quyết quản lý riêng.

 

Bí kíp quản lý giúp Sếp “lấy lòng” nhân viên văn phòng

 

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng hơn 30% nhân viên coi lãnh đạo là chướng ngại vật trong công việc của mình, 50% cho rằng họ hoàn toàn có thể làm tốt hơn những gì mà các nhà lãnh đạo đang làm. Con số này khiến nhiều người giật mình bởi hầu hết lãnh đạo hiện nay đều không tạo được thiện cảm với nhân viên. Vậy làm cách nào để “lấy lòng” cấp dưới.

Đừng quá tò mò

Can thiệp quá sâu vào công việc cá nhân của nhân viên là một trong những yếu tố khiến cấp dưới luôn cho Sếp vào sổ đen. Có thê lãnh đạo chỉ muốn hiểu nhân viên hơn để giúp việc quản lý thật tốt nhưng đôi khi cách làm sai lầm lại mang đến hiệu quả trái ngược. Ví dụ như khi nhân viên muốn xin phép nghỉ làm, bạn có 2 cách trả lời: Một là “Đồng ý” và hai là “Từ chối lịch sự” – Tôi rất tiếc nhưng chúng ta hiện đang rất bận rộn, nên tôi đành phải nói không. Nếu nhân viên vì lý do bắt buộc nào đó (chuyện gia đình, đám cưới, bố mẹ ốm…) cần nghỉ gấp họ sẽ nêu ra lý do và giải thích. Đừng bao giờ “gặng” hỏi nhân viên quá kỹ về lý do xin nghỉ bởi nó không hề lịch sự. Nếu bạn không muốn cho nhân viên nghỉ phép, hãy nói thẳng với họ là tốt nhất.

Biết cách khích lệ nhân viên

Một lãnh đạo giỏi không chỉ biết cách khiến nhân viên đi đúng hướng mà còn phải tạo động lực để họ phát huy khả năng của mình. Bất kỳ ai cũng cần hướng dẫn, hỗ trợ và sự góp ý của người khác vì vậy hãy đóng vai trò của nhà tư vấn thông thái để khiến nhân viên tin tưởng nhiều hơn. Ngoài ra, người lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng cho cấp dưới theo một hướng đi nhất định, rõ ràng, sẽ gia tăng sự tin cậy và trung thành đối với nhân viên.

Không được phép thiên vị

Một trong những yếu tố phá hủy mối quan hệ bền vững trong công ty đó chính là sự thiên vị của lãnh đạo. Nó gây chia rẽ nội bộ, tạo ra những tin đồn xấu và dần dần tạo ra những “phe phái trong doanh nghiệp. Vì vậy để là một nhà lãnh đạo tốt, bạn phải tuyệt đối công tâm. Bạn không thể xác lập một hình ảnh công bằng trong mắt nhân viên nếu quanh năm chỉ đi ăn trưa với nhân viên A hay đi cà phê cuối tuần với gia đình của nhân viên B. Mọi quyết định về chức vụ phải dựa vào năng lực và cần có giải trình với tất cả mọi người. Công tâm sẽ giúp Sếp được lòng cấp dưới hơn.

Linh hoạt với quy định

Luật lệ, quy định giúp tổ chức gắn kết, mọi người làm việc có trách nhiệm hơn nhưng quá cứng nhắc sẽ chỉ tạo cảm giác gò bó. Nhân viên văn phòng luôn thích được làm việc trong môi trường có động lực, thoải mái vì vậy họ luôn dành thiện cảm với lãnh đạo sẵn sàng gạt bỏ những thủ tục khắt khe để có được điều tốt cho tất cả mọi người. Khi bạn hiểu và tạo điều kiện cho nhân viên, chắc chắn họ sẽ không bao giờ quên, và kết quả mang lại là sự gia tăng của những nhân viên trung thành cho bạn.

Mang thức ăn đến cho nhân viên

Nghe điều này có vẻ hơi buồn cười nhưng trên thực tế mọi nhân viên văn phòng đều thích Sếp mang “quà” về phòng. Một người Sếp thi thoảng lại mang bánh ngọt vào cuối tuần, mời mỗi người trong phòng một ly cà phê vào ngày đầu tuần hay dẫn cả phòng đi ăn trưa vào ngày lãnh lương mỗi tháng luôn nhận được cảm tình của nhân viên một cách nhanh nhất. Đây là cách cực kỳ đơn giản nhưng lại hiệu quả để lấy lòng cấp dưới.

 

Xây dựng mỗi quan hệ tốt đẹp giữa nhân viên văn phòng và Sếp luôn là câu hỏi khó đặt ra cho lãnh đạo mỗi doanh nghiệp. Hy vọng sau bài viết này bạn sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý báu để “lấy lòng” được cấp dưới.

 


Chia sẻ bài viết này