Chẳng phải bỗng dưng mà kinh doanh online, đặc biệt là bán hàng trên Facebook bị nhiều người gán mác là lừa đảo. Có thể có những lý do khách quan nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở một bộ phận chủ shop bán hàng trực tuyến, họ bất chấp thủ đoạn để lừa khách hàng, lừa đối thủ và lừa chính lương tâm của mình nhằm trục lợi. Sau mỗi lần móc ví người mua thứ mà họ để lại không chỉ là thiệt hại cho khách mà còn là tổn thất cực lớn cho người bán hàng online chân chính. Thậm chí nhiều chủ shop phải đăng đàn “cầu khẩn” họ thức tỉnh để buôn bán có tâm hơn và đừng làm mất “bát cơm” của người khác nữa. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe những câu chuyện có thật như thế và biết tâm của người bán hàng online trên Facebook nên đặt ở đâu.
-
Những cái tâm méo mó của chủ shop bán hàng online biến chất
Treo đầu dê bán thịt chó
Câu chuyện muôn thuở mà người ta hay nói với nhau về hội bán hàng trên Facebook là “treo đầu dê bán thịt chó”, quảng cáo một đằng sản phẩm một nẻo. Kịch bản thường thấy là dân lừa đảo tìm những ảnh mẫu đẹp lung linh trên mạng rồi mang đi tiếp thị. Nhiều người “tưởng bở” đặt hàng xong đến lúc nhận lại chưng hửng vì sản phẩm thật khác một trời một vực với những gì người bán hàng nói.
Nhìn vào bức ảnh trên người ngoài còn thấy ngán ngẩm chứ chẳng nói đến người mua, tiền bỏ ra thu về một mớ đồ vứt đi, tiếc của chỉ là một phần, tâm trạng ức chế vì bị lừa mới khó chịu. Và rồi khách hàng cứ thế lên Facebook “bóc phốt” rồi vơ hết dân kinh doanh online vào một nắm gọi chung là “bọn lừa đảo”.
Ăn chặn tiền, chiếm đoạt tài sản
Với kiểu lừa trên kia thì các chủ shop này ít nhất vẫn còn chút lương tâm khi gửi “thứ gì đó” cho khách hàng, vô lương tâm hơn là một bộ phận lừa đảo thật sự, trắng trợn ăn chặn tiền của người mua. Nếu cũng là dân bán hàng trên Facebook thì hẳn bạn còn nhớ vụ nữ quái Trần Bảo Trâm bị khởi tố tại Cần Thơ hồi đầu năm vì tội chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới gần 300 triệu đồng. Hay cuối tháng 10 vừa rồi tại Thanh Hóa cũng xôn xao vụ lừa đảo trên Facebook chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của Trần Xuân Đông sinh năm 1996.
Trần Bảo Trâm bị công an Cần Thơ triệu tập
Những kẻ này đã vẩy một vết mực đen lên bức tranh kinh doanh online chỉ mới được tô màu của Việt Nam, khiến hình ảnh về những shop bán hàng trực tuyến xấu tới cực điểm trong mắt người tiêu dùng. Liệu rằng từ nay về sau có ai còn dám can đảm mua hàng trên Facebook nữa không?
Cướp khách của nhau
Ai cũng biết đã tham gia kinh doanh thì không thể tránh khỏi sự cạnh tranh, nhưng dù thế nào cũng nên cạnh tranh công bình, vì mọi chiêu trò dưới mặt bàn chỉ khiến người tiêu dùng chê cười mà thôi. Thế nhưng rất nhiều người khi bán hàng trên Facebook lại quên mất điều này, họ dùng mọi cách để cướp khách của nhau, như là rình bình luận để lấy số điện thoại khách, nhắn tin trước cho khách, chào hàng với giá rẻ hơn,… Nếu là vậy cũng thôi đi, đáng buồn hơn là sản phẩm của họ chất lượng kém khiến cho các shop bán hàng chân chính bị người mua mắng oan. Đến nỗi các chủ shop đó phải đăng bài trần tình như thế này:
Dù đã cảnh tỉnh người mua, cảnh báo đối thủ nhưng tình trạng cướp khách vẫn xảy ra với các chủ shop làm ăn đàng hoàng, khiến họ vừa mất khách vừa mất tiền.
“Cướp” sản phẩm của nhau
Gần đây những ông chủ, bà chủ ảo trên Facebook còn sinh thêm một trò mới để nẫng tay trên của người khác, đó là mượn ảnh, clip sản phẩm xịn từ đối thủ để chạy quảng cáo, sau đó bán cho khách đồ nhái. Đến khi shop bán đồ thật bắt đầu quảng cáo thì liên tục bị mắng chửi là lừa đảo mà chẳng rõ tại sao. Như một chủ shop phải đăng bài lên khắp các nhóm giải thích thế này:
Bài đăng “trần tình” của một mẹ trong group Hội các mẹ bỉm sữa buôn bán trên Facebook
Ngẫm lại cũng cảm thấy có chút buồn cười, bán hàng trên Facebook vốn dĩ đã bị người tiêu dùng gán cho cái mác “bọn lừa đảo”, dân trong nghề chẳng biết bảo vệ nhau thì thôi lại còn hùa vào dẫm đạp. Đến cuối cùng chỉ càng khiến hình ảnh của mình xấu đi trong mắt khách hàng, rồi liệu rằng ai còn tin vào cái tâm của người bán hàng online nữa đây!?
-
Tâm của người bán hàng trên Facebook nên đặt ở đâu?
Bán hàng trên Facebook chẳng ai thấy mặt, nhiều người nghĩ vậy nên cứ thoải mái dùng chính lương tâm của mình để kinh doanh, để rồi khách hàng chán ghét, đồng nghiệp khinh bỉ, người ngoài nhìn vào thì chê cười. Vậy thì cái tâm nên đặt vào đâu cho đúng và đặt như thế nào? Thực ra cũng đơn giản thôi, chỉ cần:
Mua ngay bán thật
Đồ thế nào thì bán thế ấy, đừng dệt vàng thêu bạc lên sản phẩm rồi đến lúc bán cho khách thứ chẳng ra sao. Lừa được người mua một lần chứ chẳng lừa được lần thứ hai, vài bận như thế rồi chẳng ai muốn tìm đến shop của bạn nữa đâu. Vì là bán hàng trên mạng chúng ta được phép chụp và chỉnh sửa ảnh cho long lanh hơn, nhưng mọi thứ nên dừng ở mức chấp nhận được, đừng dùng các phần mềm khiến hình ảnh quá khác biệt so với ngoài đời.
Đưa ra lời khuyên chân thành
Dưới đây là một đoạn quảng cáo của Thái Lan, sau khi xem xong chắc hẳn bạn sẽ hiểu cái tâm của người bán hàng nên đặt ở đâu.
Bán hàng trên Facebook có tâm thì phải cho khách hàng biết cái gì mới thực sự tốt cho họ
Sở dĩ người hay gọi dân buôn bán là “gian thương” cũng bởi vì nhiều người luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, dùng mọi cách để moi tiền từ ví khách hàng mà không để ý đến hậu quả. Nếu bạn có tâm thì nên đưa ra những lời khuyên chân thành nhất, giúp khách hàng đạt được lợi ích thật sự khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.
Cạnh tranh công bằng
Ngưng cướp khách, ngưng dùng hình ảnh của người khác để quảng cáo cho sản phẩm của mình, thay vào đó thì cạnh tranh bằng dịch vụ, bằng chất lượng sản phẩm và các chiến lược phù hợp. Đây là cái tâm mà người làm cùng nghề nên có với nhau, mặc dù sẽ khó khăn hơn nhưng vinh quang nhận được lại tồn tại mãi mãi và bền vững. Thực tế rất nhiều shop trên Facebook từng bị hàng loạt người nhấn “report” để báo cáo sai phạm, cuối cùng thì fanpage hoặc trang cá nhân bị khóa vĩnh viễn. Buôn có bạn, bán có phường, làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích chung.
Nói đi thì cũng phải nói lại, làm kinh doanh, đặc biệt là bán hàng online trên Facebook nếu không dùng vài mánh khóe thì rất khó cạnh tranh. Nhưng mọi thứ nên ở mức độ vừa phải để không đánh mất cái tâm của người bán hàng, đừng coi người mua như những con lợn béo rồi thoải mái bòn rút hoặc thí nghiệm, vì xét cho cùng chúng ta cũng là một người tiêu dùng ở lĩnh vực khác mà thôi.
Có lẽ bài viết này chỉ nêu được một phần nhỏ trong mặt tối khi bán hàng trên Facebook, nhưng cũng hi vọng qua đây những ai đang và có ý định bước vào lĩnh vực này đừng để bản tâm mình méo mó. Có tâm rồi sẽ tự có tầm, có tầm mới kiếm được nhiều tấm!