Việc lựa chọn ngành nghề phù hợp bao giờ cũng phải dựa trên năng lực của bản thân và yêu cầu của thị trường bạn đang hướng tới. Theo xu hướng thị trường hiện nay nhiều bạn trẻ mong muốn được làm chủ một cơ sở kinh doanh bán lẻ hoặc kinh doanh online hơn là những lựa chọn khác. Nhưng liệu rằng bán lẻ có phải cơ hội cho bạn không? Bạn có phù hợp để điều hành doanh nghiệp bán lẻ hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Để trả lời câu hỏi này, bạn phải cân nhắc một số yếu tố, quan trọng nhất là tố chất con người, động lực, điểm mạnh, điểm yếu cũng như vốn và kinh nghiệm. Vì thế, bạn hãy tự đánh giá xem mình có những kỹ năng gì và loại sản phẩm, hàng hóa mà bạn có thể cung cấp. Chẳng hạn, nếu bạn có con mắt thẩm mỹ, thiết kế quảng cáo và bán/trưng bày sản phẩm có thể là công việc phù hợp với bạn là kinh doanh quần áo, phụ kiện, mĩ phẩm. Còn nếu bạn thích lắp đặt, sửa chữa cơ khí thì bạn có thể mở cửa hàng bán phụ tùng ô tô, xe máy, sửa chữa, dạy nghề,…Bằng cách kết hợp giữa năng lực bản thân và nhu cầu thị trường, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công với dự án kinh doanh mới của mình.
1. Bạn có cùng lúc làm được nhiều việc để điều hành doanh nghiệp bán lẻ không?
Thông thường nếu bạn không phải là ông chủ hay nhà quản lý, bạn là nhân viên tại một đơn vị kinh doanh nào đó thì bạn chỉ phải thực hiện một hoặc cùng lắm hai việc một lúc, còn những công việc khác đã có những nhân viên khác lo. Nhưng nếu bạn ra làm riêng, trở thành người đứng đầu điều hành doanh nghiệp bán lẻ thì bạn sẽ phải tự mình làm rất nhiều việc, thậm chí khi thuê nhân viên thì bạn cũng vẫn phải kiểm soát, theo dõi toàn bộ mọi hoạt động từ tiếp xúc với khách hàng, quản lý nhân viên đến gặp gỡ nhà cung ứng, làm việc với chủ nhà,…Mọi vấn đề lãi hay lỗ đều ảnh hưởng đến bạn nên nếu như không sát sao thì sẽ có những sự cố khiến bạn không trở tay kịp.
2. Bạn có dễ dàng chấp nhận rủi ro không?
Có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra ngoài dự kiến khi bạn mới ra ngoài làm ăn, chẳng hạn như chọn sai vị trí, thời điểm, cung ứng không đúng loại hàng hóa/dịch vụ mà khách hàng cần, tính giá không hợp lý, kế hoạch quảng cáo chưa hiệu quả, nhập kho xuất khi chưa hợp lí… Bạn có phải là người có thể nhanh chóng thích nghi hay chỉ muốn mọi thứ phải theo ý mình? Gia nhập thị trường bán lẻ bạn sẽ phải chấp nhận những tình huống không theo ý mình, mà phải theo ý khách hàng, chiều lòng khách hàng. Đồng thời, bạn phải nhìn nhận rủi ro như là thách thức, cơ hội để phát triển trong quá trình điều hành doanh nghiệp bán lẻ.
3. Bạn có sống thiếu lương tháng được không?
Là chủ doanh nghiệp, đặc biệt là khi mới khởi nghiệp, bạn đừng kỳ vọng sẽ có thu nhập đều đặn, thường xuyên như đi làm thuê. Thường thì chi tiêu cho doanh nghiệp mới sẽ hay bị vượt quá dự trù và luôn có những khoản mới phát sinh hay thay đổi dù bạn có kế hoạch tỉ mỉ đến đâu. Thậm chí lãi bạn thu được còn phải dành cho việc quay vòng để nhập thêm hàng và thanh toán các chi phí hoạt động khác. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bạn, cách thức bạn chi tiêu, mua sắm. Vì thế, nếu bạn không chịu được thì nên cân nhắc lại việc mở công ty/cửa hàng của mình.
4. Bạn có thấy thoải mái khi làm riêng/làm một mình không?
Nếu bạn mở công ty, bạn phải là người chỉ huy, bạn phải biết làm cái gì, làm vào lúc nào và chịu toàn bộ trách nhiệm với việc mình làm. Mọi tội lỗi sẽ đổ lên đầu bạn và đôi khi bạn phải hoàn toàn chịu trận một mình. Vậy nếu như bạn đã quen làm việc ở nơi có đông người, hỗ trợ lẫn nhau và có người hỗ trợ tư vấn thì khi ra làm riêng sẽ phải tự khắc phục nhiều đấy.
5. Bạn có đề cao quyền bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt không?
Khi bán hàng, chắc chắn bạn sẽ phải tiếp xúc với với nhiều đối tượng khách hàng, nhiều đối tác, nhiều kiểu nhân viên,… Là nhà bán lẻ, bạn phải biết hòa nhập, có suy nghĩ thoáng và sẵn sàng chiều lòng người khác. Vậy bạn có phải là người biết chế ngự mâu thuẫn, đặt mình vào địa vị người khác và phục vụ ý thích của họ chứ không phải của mình không?