7 khó khăn khi khởi nghiệp kinh doanh cửa hàng bán lẻ (phần 1)

Hầu như ai cũng từng nung nấu trong đầu một ý tưởng kinh doanh. Nhìn một quán café bình thường trang trí không quá ấn tượng, đồ uống tạm được nhưng khách ngồi kín chỗ, một cửa tiệm đồ lưu niệm handmade không quá đa dạng về số lượng nhưng vẫn không đủ hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, có lẽ sẽ nhiều người nghĩ kinh doanh thật đơn giản. Tuy nhiên, thực tế thì không hề đơn giản như những gì chúng ta nhìn thấy. Khởi nghiệp kinh doanh là bài toán nhiều bước giải với các con số là tiền, tâm và sức lực, hãy tham khảo 7 khó khăn sẽ phải đương đầu dưới đây trước khi kinh doanh với một cửa hàng bán lẻ nhé.

 1. Lựa chọn mặt hàng và đối tượng khi khởi nghiệp kinh doanh

Bên cạnh những tiềm lực hiện hữu là vốn và con người thì năng lực bao quát và đánh giá thị trường là yếu tố quan trọng để thành công trong thị trường bán lẻ. Chủ cửa  hàng phải dự đoán và cập nhật được thị hiếu của người mua để lựa chọn đúng sản phẩm kinh doanh. Bất kì là quần áo trẻ em, quần áo người lớn, phụ kiện thể thao, đồ gia dụng, điện máy, văn phòng phẩm hay đồ nội thất cũng phải được quyết định dựa trên mối quan hệ cung cầu của thị trường tại thời điểm đó, nếu đón đầu được xu hướng thì càng tốt. Một ví dụ phải kể đến đó là thất bại của Trung Nguyên khi rót tới 475 tỷ đồng vào chuỗi 10.000 siêu thị mini G7 Mart. Việc chen chân vào mảng phân phối hàng tiêu dùng mà các ông lớn như P&G, Unilever, Vina Acecook, Masan, Kinh Đô, … đang thông lĩnh thị trường đã khiến Trung Nguyên chưa kịp mang chuông đi gióng xứ người đã “ngã ngựa” trên sân nhà. Lựa chọn kinh doanh một mặt hàng mà thị trường đang dư cung thực sự là một sai lầm đáng tiếc.

Tiếp theo đó bạn cũng nên xác định nhóm khách hàng tiềm năng mà bạn hướng tới để tập trung khai thác và có chiến lược phù hợp nhất. Nếu không xác định được nhóm khách hàng này thì bạn sẽ không khác gì mò kim đáy bể, tỉ lệ tiếp cận được họ sẽ rất thấp, sản phẩm không tiêu thụ được trong một thời gian dài.

2. Vốn khởi nghiệp kinh doanh

Kinh nghiệm của những người đi trước chia sẻ rằng nếu chi phí hoạch toán ban đầu để mở cửa hàng của bạn là 100 triệu thì chắc chắn con số thực tế sẽ phát sinh lên tới gấp rưỡi dự kiến ban đầu. Vậy nên ngay từ ban đầu hãy dự phòng vốn của bạn. Tùy từng quy mô cửa hàng để tính toán mức dự phòng cho vốn lưu động phù hợp, chi phí duy trì và bù lỗ trong thời gian đầu hoạt động thường ở mức 20 – 50%. Khoản vốn dự trù này cũng có thể giúp bạn trang trải chi phí cho các tháng đầu khởi nghiệp kinh doanh. Rất nhiều công ty lớn khi mới vào Việt Nam đã phải chịu lỗ nhiều năm đầu trước khi chiếm được thị phần và thực sự bứt phá.

Nếu số vốn vượt ra khỏi mức ngân sách của bạn, bạn có thể hợp tác với những người cùng chí hướng và đáng tin cậy. Nếu thua lỗ, rủi ro mà bạn phải gánh chịu sẽ bớt đi một nửa. Tuy nhiên, là một người kinh doanh không nên nghĩ đến thất bại. Kể cả khi đã có lời thì cũng vẫn cứ bình tĩnh bởi bạn sẽ có nhiều đối thủ hơn, việc đối thủ bắt tay nhau “đốn giò” bạn là việc hoàn toàn có thể xảy ra.

3. Nguồn hàng cung ứng

Hàng hóa luôn là yếu tố quan trọng nhất trong bán lẻ. Chính vì vậy nên nguồn hàng sẽ quyết định năng lực cạnh tranh và cung ứng của bạn trên thị trường. Một nguồn cung có chất lượng phải dựa trên 2 tiêu chí, là giá cả và chất lượng. Giá không nhất thiết phải rẻ phá giá thị trường mà nên tương xứng với chất lượng của hàng hóa và ổn định theo thời gian. Giá cả cũng không nên quá xa vời với chất lượng sản phẩm, như vậy bạn sẽ bị mất lòng tin ở khách hàng.

Chất lượng không chỉ là giá trị sử dụng mà còn phải đáp ứng nhu cầu thị hiếu, mẫu mã, kiểu dáng, xu hướng của thị trường. Ngày càng có nhiều công cụ hỗ trợ mua bán, người tiêu dùng ngày càng thông minh, bạn sẽ chẳng thể sử dụng chiêu trò dài lâu với người mua được. Bạn cũng phải đặt mình vào vai trò người mua và liên tục tìm kiếm những nhà cung cấp sản phẩm chất lượng với giá thành phù hợp nhất. Đa dạng hóa nhà cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa là cách tốt nhất để bạn có lựa chọn tối ưu về giá, chất lượng và số lượng. Không bao giờ được để mình chỉ có một lựa chọn, một nhà cung cấp duy nhất phòng trường hợp họ có vấn đề trong quá trình sản xuất thì bạn sẽ bị ngưng trệ kinh doanh.

Chia sẻ kinh nghiệm mở cửa hàng mẹ và bé

10 lời khuyên khi đàm phán kinh doanh với nhà cung cấp (phần 1)


Chia sẻ bài viết này