5 sai lầm cần tránh khi kinh doanh thời trang (P1)

Kinh doanh thời trang vẫn luôn là xu hướng được nhiều người lựa chọn, bởi sự sôi động của thị trường này chưa bao giờ “giảm nhiệt”, ngược lại còn tăng cao do nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng và nhiều hơn. Thế nhưng đi kèm với đó là tính cạnh tranh khốc liệt khiến cho rất nhiều người đã phải nếm trái đắng vì không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng ngay từ lúc đầu. Nếu bạn cũng đang kinh doanh thời trang hoặc chuẩn bị bước vào lĩnh vực này thì sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ một số sai lầm, giúp bạn trang bị đủ kiến thức để không mắc phải những sai lầm đó.

1. Sai lầm trong kinh doanh thời trang khi nhập hàng quá nhiều

Khi bắt đầu kinh doanh thời trang bạn phải luôn tâm niệm một điều rằng, đây là mặt hàng thời vụ, có tính chất ngắn hạn. Cũng giống như đồ thực phẩm vậy, hàng thời trang phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu, đối với mỗi mùa lại có một phong cách khác nhau. Lẽ dĩ nhiên mùa hè bạn không thể bán áo khoác còn mùa đông lại nhập về quần short, áo thun được. Ngoài ra bán quần áo, phụ kiện còn phải nắm bắt được xu hướng thời trang hiện tại, biết đón đầu trào lưu. Chính vì vậy khái niệm “ôm hàng”, “trữ hàng” ít khi được nhắc đến trong kinh doanh thời trang.

Ở đây tôi nói là “ít” chứ không hề phủ nhận, nếu bạn là người có đầu óc nhạy bén, biết phân tích thị trường để đoán trước xu hướng sắp tới thì bạn hoàn toàn có thể đầu cơ. Có điều nếu muốn làm vậy bạn cần phải có cuộc nghiên cứu, khảo sát chi tiết, đòi hỏi đầu tư chất xám rất nhiều, tính phiêu lưu cũng khá cao. Còn nếu không có điều kiện, tôi khuyên bạn đừng nhập hàng quá nhiều.

Đừng cho rằng bạn có kho hàng lớn thì bạn nhập về bao nhiêu chẳng được, không bán mùa này thì trữ lại để mùa sau, quần áo là vải vóc, có mòn đi ngay đâu mà sợ.  Nếu bạn định kinh doanh theo kiểu “tài phiệt” như vậy thì tôi không còn gì để nói nữa, còn nếu không hãy quan tâm đến khả năng xoay vòng vốn của mình là hơn. Bạn cần điều tra nhu cầu khách hàng, tiềm năng thị trường thật kĩ để ước chừng lượng tiêu thụ rồi từ đó lên kế hoạch nhập hàng.

Một phương thức nhập hàng cũng khá nổi tiếng mà bạn có thể tham khảo là JIT (just-in-time). Với cách này bạn chỉ nhập về lượng vừa đủ, bán hết hoặc còn lại rất ít rồi mới nhập tiếp, vừa tiết kiệm chi phí quản lý kho vừa không lo hàng tồn. Nhưng chắc chắn đánh đổi lại là bạn sẽ ở thế bị động về nguồn hàng, nếu chẳng may một mẫu quần áo nào đó đột nhiên “hot” mà bạn không có hàng trữ thì lúc đấy có muốn nhập thêm cũng chẳng đâu còn hàng cho bạn.

Quan trong nhất vẫn là khả năng phân tích và lên kế hoạch nhập hàng của bạn, nếu không biết hãy hỏi người đã có kinh nghiệm.

2. Không có chiến lược cạnh tranh

Như đã nói trong phần đầu, tính cạnh tranh của kinh doanh thời trang không chỉ dùng từ “cao” mà hình dung đủ, phải nhấn mạnh là “khốc liệt”. Giữa hàng trăm cửa hàng mọc lên mỗi ngày, nếu bạn không khiến mình trở nên nổi bật thì rất nhanh bạn sẽ bị chìm nghỉm trong muôn vàn chiêu trò cạnh tranh của đối thủ. Cạnh tranh có nhiều kiểu, ở đây chúng tôi chỉ nhắc đến một số phương thức cạnh tranh lành mạnh mà bạn có thể tham khảo.

Một là cạnh tranh về giá, điều này có lẽ ai bắt đầu buôn bán cũng biết, giá rẻ thì khách hàng thích hơn, mà khi có đông người đến mua thì sẽ lấy số lượng bù chất lượng. Cạnh tranh về giá cũng không phải chỉ là việc bán hàng rẻ hơn đối thủ, bạn có thể thực hiện các chương trình khuyến mại, ưu đãi đặc biệt để lôi kéo khách hàng. Nhưng có một điều bạn cần nhớ, là tâm lý khách hàng luôn mâu thuẫn, họ thích giá rẻ nhưng lại cho rằng của rẻ là của ôi. Thế nên cần cân nhắc khoảng giá bao nhiêu là vừa đủ, cạnh tranh mà không hạ thấp giá trị của mình. Thêm một lưu ý nữa là đừng bán phá giá, nó chỉ là phương pháp nhất thời mà thôi.

Hai là cạnh tranh về chất lượng, trái ngược với phương thức trên, bạn dùng chất lượng của sản phẩm để bù lại vấn đề giá cao. Với cách này hãy biết tập khách hàng mục tiêu của bạn là ai, nếu là những người có thu nhập thấp thì hàng tốt thế chứ tốt nữa họ cũng chẳng có tiền mà mua.

Ba là cạnh tranh về sự độc đáo. Đừng quên một đặc điểm khiến kinh doanh thời trang luôn thú vị hơn một số loại hình khác, đó là sự độc đáo và sáng tạo như một môn nghệ thuật. Tính độc đáo đến từ sản phẩm của bạn, nó lạ, nó hút mắt khách hàng, nó làm tăng giá trị của họ khi mặc lên, lẽ tất nhiên là cửa hàng bạn sẽ đông khách ngùn ngụt. Độc đáo còn có thể đến từ cách bạn bán hàng, như là khả năng trang trí cửa hàng, cách bạn đóng gói, giao hàng,…

Còn rất nhiều cách cạnh tranh khác, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng hãy lên một chiến lược cụ thể, phải luôn đặt mục tiêu vươn lên ở hàng đầu. Đừng để đối thủ dẫm đạp lên bạn!

(còn tiếp…)

5 sai lầm cần tránh khi kinh doanh thời trang (P2)

Kinh nghiệm kinh doanh thời trang online (P2)

Kinh nghiệm kinh doanh thời trang online (P1)

Tùng MKT


Chia sẻ bài viết này