Kinh doanh quần áo hàng thùng được nhiều bạn trẻ quan tâm bởi mặt hàng này khá được ưa chuộng, không chỉ do giá cả hấp dẫn mà sự độc lạ, hiếm khi đụng hàng của hàng thùng. Có không ít các shop hàng thùng nườm nượp khách đến mua hàng chỉ bằng cách thông báo trên Facebook thời gian mở kiện, chăm chỉ mix đồ đăng trên fapage… Nếu bạn đang có ý định mở shop kinh doanh quần áo hàng thùng, bài viết này sẽ dành riêng cho bạn.
1. Cần bao nhiêu vốn và định giá cho sản phẩm như thế nào?
Nếu bạn đang có ý định kinh doanh quần áo hàng thùng thì cần có số vốn ít nhất là 20 triệu đồng trở lên, tùy theo loại mặt hàng bạn định bán. Về nguồn hàng, nếu bạn có vốn lớn thì sang đánh hàng trực tiếp từ Campuchia, còn không có thể tìm đến các chủ bán buôn trong nước. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Mách mối nhập quần áo hàng thùng để lựa chọn nguồn hàng phù hợp cho mình.
Thời gian đầu, bạn có thể nhập thử 1 kiện về trước để thăm dò và thẩm định. Tuy nhiên, 1 kiện hàng không thể đánh giá được chất lượng nguồn hàng cũng như mức độ tiêu thụ. Bạn vẫn cần có thêm một số vốn nhất định để quay vòng. Riêng đối với kinh doanh quần áo hàng thùng, bạn không nên bán hết rồi mới nhập tiếp mà phải nhập để tích hàng hóa theo mùa và hàng cũng cần phải được về mới liên tục để phục vụ khách hàng.
Để bắt đầu kinh doanh quần áo hàng thùng, một điều đặc biệt mà bạn phải lưu ý đó là định giá cho sản phẩm. Không có một đầu mối nào đưa ra mức giá chung cho bạn được. Vì thế, bạn được toàn quyền quyết định giá cả và lãi suất của mình sao cho hợp lý. Tùy từng kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng, số lượng ở mỗi thời điểm sẽ có giá nhập ở mức giá khác nhau. Thường kiện Nhật, Hàn Quốc giá dao động từ 4-9 triệu đồng, kiện Mỹ, Úc, Ý, Canada, Anh… sẽ đắt hơn nhiều, thậm chí còn gấp đôi, mỗi kiện 200-300 chiếc. Còn nếu bạn mua kiện bằng cách đếm từng chiếc thì giá khoảng 20.000 đến 200.000đ/chiếc, mỗi kiện có 100-300 chiếc.
Tuy nhiên, khi định giá từng sản phẩm, bạn cần chú ý đến lượng hàng đuôi, tức là hàng hỏng, hàng rách hoặc hàng big size. Thường 1 kiện về, may mắn thì có khoảng 10-20% hàng đuôi, còn không thì 60-70% cũng vẫn là chuyện thường ngày. Vì vậy, nếu bạn xác định lấy theo kiện thì phải có vốn mạnh và chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, bạn cũng nên xác định rằng mình chỉ có thẻ bán được 1/3 kiện và có phương án dự trù cho hàng tồn ví dụ như tìm nguồn bán lại cho các tỉnh lẻ để bán lại với giá rẻ hơn.
2. Hàng nước nào dễ bán nhất?
Theo kinh nghiệm của nhiều chủ shop kinh doanh quần áo hàng thùng, 80% hàng Mỹ, Úc là mới, thơm và chất lượng nhưng giá đắt gấp đôi hàng nước khác và hầu hết là size lớn.
Những điều cần phải biết nếu muốn kinh doanh quần áo hàng thùng
Hàng Hàn Quốc về kiểu dáng thì đẹp, rẻ nhưng rất dễ dính hàng đuôi và chủ shop phải mất thêm chi phí giặt ủi lại cho thơm tho. Trong 1 kiện mà dính khoảng 70-80% hàng đuôi thì coi như lỗ. Vì thế, đối với hàng này, để chắc chắn nhất, các chủ shop thường sẽ chỉ mua đếm từng chiếc, hạn chế mua theo kiện nếu như chưa có kinh nghiệm hoặc mối hàng uy tín.
Hàng Nhật được xem là hàng dễ bán nhất, phù hợp với người Châu Á, chất lượng khá ổn định, đa dạng mẫu mã, giá cả cũng khá phải chăng.
Một lưu ý rằng bạn muốn nhập loại nào thì nên đầu tư thời gian đến tận nơi để xem mặt bằng chung về chất lượng của chúng ra sao để tránh trường hợp kỳ vọng quá nhiều rồi khi hàng được chuyển về lại bị thất vọng nảy sinh tâm lý chán nản khi bán hàng.
3. Công nghệ “mông má” hàng secondhand – không phải ai cũng biết
Khi kinh doanh quần áo hàng thùng, nếu chỉ chăm chăm vào những sản phẩm bán ra với giá vài chục nghìn thì khó có thể làm ăn lâu dài được. Hơn nữa, nếu lấy theo kiện, hàng đuôi lúc nào cũng có, nhưng chỉ cần trong kiện có 1 vài chiếc hàng hiệu thôi, bạn cũng đã kéo lại được vốn, thậm chí còn lãi lớn.
Kinh nghiệm kinh doanh quần áo hàng thùng
Chỉ bằng một vài thủ thuật, những chiếc quần áo “si-đa” đã được “mông má” trở thành hàng hiệu xách tay và bán với giá cao. Một chiếc áo khoác jean hiệu Gap – made in USA được bán với giá 1,5 triệu đồng trong khi đó chủ shop chỉ nhập với giá 100.000đ cộng với tiền giặt ủi và chỉnh lại nhãn mác 50.000đ. Có nghĩa là đầu tư 1 mà lãi đến gấp 10 lần.
Khi chọn đồ mỗi lúc chủ buôn khui kiện, các chủ shop luôn phải tranh giành để có được món đồ 1 vốn 10 lời như vậy. Kinh nghiệm lựa đồ này trước tiên sẽ ưu tiên nhãn mác, sau đó mới xem đến chất liệu và đường may. Dù nhìn hơi cũ cũng không sao, sẽ có cách làm mới chúng, quan trọng là chất vải phải đúng là hàng hiệu.
Công nghệ làm mới này được thực hiện như thế nào? Ban đầu sẽ làm mới bằng công nghệ giặt hấp, cái nào hoen ố thì được tẩy bằng chất tẩy cực mạnh. Sau đó, chúng sẽ được phân loại và ngâm nước xả vải đặc trưng. Ví dụ như đồ jean sẽ có mùi của đồ jean, đồ lụa có mùi của đồ lụa, hàng hiệu nước nào thì có nước xả vải y như mùi của hàng xách tay về. Thậm chí còn phải xịt nước hoa để át đi mùi thuốc tẩy.
Xong bước tút tát về chất liệu, mẫu mã, chủ shop sẽ phải quan tâm đến nhãn mác. Chỉ cần qua Hàng Bồ, Cổ Nhuế (Hà Nội), Chợ Kim Biên (TP HCM) đặt các loại mác hàng hiệu từ mác giấy cho đến mác bằng vải, da hay sắt chỉ với 200đ-5000đ/chiếc rồi về may lại. Như vậy là chủ shop đã có một cơ số sản phẩm hàng hiệu, hứa hẹn đem lại doanh thu lớn cho cửa hàng. Nhiều khách hàng không muốn mua những sản phẩm đại trà bán nhan nhản ngoài chợ nên vẫn sẵn sàng bỏ ra vài trăm nghìn thậm chí tiền triệu để được sở hữu đồ hàng hiệu này vừa khá “mới” lại ít đụng hàng.
4. Tạo gu thời trang riêng – bí quyết thành công của các chủ shop hàng thùng
Tạo gu riêng biệt cho shop kinh doanh quần áo hàng thùng
Cũng giống như kinh doanh quần áo mới thông thường, kinh doanh quần áo hàng thùng cũng rất cần thiết phải có gu thời trang riêng. Đây cũng là một trong những lý do giúp cho nhiều shop làm ăn phát đạt và được nhiều khách hàng biết đến.
Để có một gu thời trang cho riêng mình, nhiều shop chấp nhận đầu tư thời gian và công sức đi chắt lọc, chọn lựa từng chiếc một chứ không xồ bồ theo lợi nhuận. Đó có thể là phong cách cổ điển, phong cách bụi, phong trần hay style Nhật Bản, Vintage… Đặc biệt, khi mua về, họ lại cẩn thận giặt là phẳng phiu, thơm tho đến mức khách hàng có thể mặc luôn mà không cần giặt lại.
Chia sẻ về bí quyết thu hút khách hàng, Kim Ngân, cô chủ nhỏ của Shop Cũ Kỹ cho rằng shop có được như ngày hôm nay chủ yếu là do có gu riêng, khác biệt với các shop bình thường khác. Bản thân Kim Ngân yêu thích style cổ điển nên đã cất công lựa chọn từng chiếc để phù hợp với shop của mình. Chính vì thế, khách hàng đến với Shop Cũ Kỹ chủ yếu là những người cũng yêu thích đồ cổ điển theo lối đơn giản, nhất là kiểu oversized mang phong cách bụi bụi. Họ luôn được đáp ứng theo gu cá nhân nên việc ở lại lâu dài với mình là điều đương nhiên.
Đồ hàng thùng lâu nay cũng có khá nhiều tai tiếng về sự mất vệ sinh nhưng việc nó trở thành thiên đường giá rẻ hay “đống rác” tất cả lại phụ thuộc vào bàn tay phù phép và lựa chọn cách thức kinh doanh, sự sáng tạo cũng như gu thời trang của các chủ shop. Nếu bạn đang có ý định mở shop bán hàng secondhand thì nên chú ý đến những điều bài viết này chia sẻ. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các bạn giúp cho bài viết hoàn thiện hơn.
Xem tiếp: Kinh nghiệm lấy hàng thùng chợ Châu Long – An Giang