Trong kinh doanh nói chung, nhất là bán lẻ, những nỗ lực quảng cáo, tiếp thị và định giá đều nhằm mục đích thu hút các khách hàng. Những nỗ lực này là cần thiết nhưng đồng thời cũng có thể khiến doanh nghiệp bị hao tổn công sức và tiền bạc khi không xác định được đúng đối tượng khách hàng để có những kế hoạch tiếp thị thích hợp. Thông thường, mỗi một doanh nghiệp có các nhóm khách hàng với mức độ nhu cầu, cách hành xử và quá trình ra quyết định mua hàng khác nhau.
Khơi gợi sự tò mò của khách hàng ngay từ bên ngoài
Bạn có biết rằng, khách hàng có thể bước vào một cửa hàng bán lẻ trước tiên vì sự tò mò. Chính sự trải nghiệm tích cực, những kết nối giàu cảm xúc mà họ có được khi đến cửa hàng ấy mới là những yếu tố giữ chân họ và khiến họ quay trở lại thường xuyên. Khi đứng trước các siêu thị, các trung tâm mua sắm cao cấp, khách hàng thường cảm nhận được một điều gì đó mới mẻ, khác biệt mà họ khó có thể bỏ qua.
Chẳng hạn, tiền sảnh những cửa hàng bán lẻ của những nhãn hiệu nổi tiếng như Abercrombie & Fitch và Hollister không giống bất cứ cửa hàng nào khác. Chúng không có cửa vào rộng lớn với những tấm cửa kính trong suốt có thể nhìn thấy bên trong, mà là những chiếc cửa hẹp và những bức tường được trang trí khá tỉ mỉ nhưng chứa đựng nhiều bí ẩn, khơi dậy sự tò mò của những người đi ngang qua.
Đó chỉ mới là một cách làm khác biệt với mục đích tạo ra sự ngạc nhiên và tò mò ban đầu cho khách hàng. Nếu chỉ dừng lại ở đấy, khách hàng có thể bước tiếp mà không vào bên trong vì họ cảm thấy chưa chắc cửa hàng dành để phục vụ mình, có thể không hợp với phong cách của mình. Khách hàng chỉ muốn khám phá những gì đằng sau sự khác biệt đó khi họ “thấy” được mình ở trong đó.
Bán lẻ là phải luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt
Trong môi trường bán lẻ vốn cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp thường muốn thể hiện sự khác biệt của mình bằng cách đi vào những phân khúc hẹp. Họ không muốn là một nhãn hiệu của mọi khách hàng mà chỉ muốn trở nên quan trọng và có ý nghĩa đối với những khách hàng mục tiêu.Vì vậy, họ không chỉ đầu tư vào việc tìm hiểu những đặc điểm riêng của nhóm khách hàng mục tiêu, mà còn nỗ lực để trở thành một phần gắn liền với đời sống của những khách hàng này.
Các nhà bán lẻ độc lập còn nỗ lực tạo ra một cộng đồng khách hàng có cùng đặc điểm, lối sống, phong cách và thái độ. Để tạo nên cộng đồng khách hàng riêng của mình, họ còn chủ động loại bỏ những khách hàng không có cùng những điểm chung với nhóm khách hàng mục tiêu. Họ quan niệm rằng nhà bán lẻ độc lập không thể bán tất cả mọi thứ cho mọi khách hàng.
Sau đó, họ cố gắng tạo ra sự kết nối trực tiếp với các khách hàng theo cách thu hút riêng. Sự khác biệt có thể được tạo nên bằng nhiều cách khác nhau, nhưng quan trọng nhất là phải tác động được đến cảm xúc của khách hàng. Điều mấu chốt là những gì mà khách hàng cảm nhận được sau khi bước vào cửa hàng, nhìn thấy một món hàng hấp dẫn và bỏ tiền mua, khi đem món hàng đó về nhà thì ngắm nghía nó một lần nữa để nhớ lại cảm xúc khi trong lần đầu tiên nhìn thấy nó, rồi có được cảm xúc mới sau lần sử dụng đầu tiên để khoe với bạn bè, người thân.