Tại sao doanh nghiệp của bạn không thể thu hút nhân tài? (P1)

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao các chương trình tuyển dụng của doanh nghiệp mình lại thu hút được rất ít người nộp hồ sơ chưa? Mặc dù điều kiện bạn đưa ra không quá khắt khe, mức độ đãi ngộ, lương thưởng cũng tương đối hấp dẫn, thế nhưng sau mỗi đợt tuyển nhân viên lại chẳng được mấy người. Chưa chắc đã là vì hoạt động Marketing kém, có thể nguyên nhân đến từ những điều nhỏ nhặt nhất mà bạn không để ý. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các lý do khiến doanh nghiệp của bạn không thể thu hút nhân tài trong bài viết dưới đây cùng một số biện pháp cải thiện.

1. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp tồi tàn

Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay thì không phải chỉ các doanh nghiệp kinh doanh online mới cần đến website, mà các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực truyền thống khác cũng nên có trang thông thông tin điện tử của riêng mình. Đây là nơi cập nhật các thông tin về doanh nghiệp, về sản phẩm, tầm nhìn chiến lược, sứ mạng và chắc chắn sẽ có tin tức tuyển dụng. Có thể nói website giống như bộ mặt của doanh nghiệp trong môi trường Internet.

Hiện nay đa phần các ứng viên đều tìm những thông tin tuyển dụng trên mạng, sau đó vào website của doanh nghiệp để tìm hiểu rồi mới bắt đầu nộp hồ sơ. Vì vậy nếu websie của bạn không được xây dựng chuyên nghiệp thì rất dễ mất điểm trong mắt ứng viên. Bạn thử tưởng tượng nhìn thấy một công ty có cơ sở vật chất tồi tàn thì bạn có muốn vào làm việc tại đó không? Thế nên đừng qua loa khi thiết kế trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, mặc dù không cần cầu kỳ như website bán hàng nhưng vẫn phải đảm bảo bố cục đẹp mắt, các đề mục rõ ràng, điều hướng đơn giản, tối ưu hoá sử dụng cho người dùng.

2. Không theo kịp xu thế trong truyền thông xã hội

Như đã nói ở trên, mạng Internet cũng là một kênh rất quan trọng dù doanh nghiệp có bán hàng trực tuyến hay không. Dựa vào sức mạnh lan truyền thông tin nhanh chóng, các hoạt động tiếp thị trên Internet của doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả cũng nâng cao rõ rệt. Trong đó việc tận dụng truyền thông trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn là phương pháp phổ biến nhất.

Bạn có nghĩ rằng ứng viên sẽ nộp hồ sơ vào doanh nghiệp không có tiếng nói trên Internet?

Tuy rằng nhiều doanh nghiệp đã nhận ra và áp dụng truyền thông xã hội nhưng lại không thể phát huy tối đa hiệu quả mà nó mang lại. Lý do rất đơn giản, doanh nghiệp không theo kịp xu thế hiện hành. Mạng xã hội là nơi trào lưu hình thành, mọi người tương tác và chia sẻ thông tin với nhau từng giây từng phút. Nếu trang cá nhân, fanpage của doanh nghiệp trên Twitter, Facebook, Linkedln,… không thường xuyên cập nhật tin tức mới liên quan đến lĩnh vực mình kinh doanh hoặc không đưa ra phương án để giao tiếp với khách hàng thì sẽ không thể tạo dựng hình ảnh của mình được. Điều nhỏ nhặt này tưởng chừng chẳng liên quan gì đến vấn đề tuyển dụng, nhưng thực ra rất nhiều ứng viên lại dựa vào khả năng ảnh hưởng, tiếng nói và thương hiệu của doanh nghiệp trên mạng xã hội để đánh giá tiềm năng phát triển sau này để từ đó nộp hồ sơ dự tuyển.

3. Quá ít câu chuyện thành công

Các ứng viên khi nộp hồ sơ xin việc thường ưu tiên chọn các doanh nghiệp đã có danh tiếng trên thị trường, vì như thế khả năng doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của họ sẽ cao hơn. Mà thứ tạo nên danh tiếng tốt nhất cho các danh nghiệp chính là những câu chuyện thành công, các thành tích đạt được trong quá khứ. Nếu doanh nghiệp của bạn không phải mới được thành lập nhưng lại chẳng để lộ bất cứ thông tin nào cho thấy mình có chỗ đứng nhất định trên thị trường, thì điều tất yếu là sẽ bị xếp vào thứ tự ưu tiên sau khi ứng viên nộp hồ sơ. Vì vậy nếu được hãy cứ quảng bá hình ảnh của mình trên các phương tiện truyền thông, thể hiện rằng doanh nghiệp của bạn là môi trường tốt nhất để nhân viên phát triển, chắc chắn số lượng hồ sơ ứng tuyển sẽ tăng lên nhanh chóng.

(Còn tiếp…)

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Tại sao doanh nghiệp của bạn không thể thu hút nhân tài? (P2)

5 quy tắc biến hình siêu hút trong quảng cáo

Chiến lược kinh doanh: Chọn thị trường ngách thay vì thất bại


Chia sẻ bài viết này