GS. Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh, ở Việt Nam, quy hoạch các vùng được lập ra, nhưng ít ý nghĩa chỉ đạo cụ thể, chỉ coi như “cộng dồn” các tỉnh trong vùng. Chính sách và quy hoạch vùng lại được lập tách biệt về thời gian nên thường thiếu ăn khớp nhau, nên thiếu hiệu quả.
Hàn Quốc điều chỉnh chính sách vùng trong những thời kỳ nhất định
Sáng ngày 11/3, tại Hội thảo công bố báo cáo cuối cùng Chương trình Chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2014 (KSP 2014) do Viện Phát triển Hàn Quốc và Việt Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm liên quan đến chính sách phát triển vùng của Hàn Quốc.
Hội thảo Công bố báo cáo KSP 2014
Theo GS. TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, thì Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước có điều kiện xuất phát khá tương đồng. Hai nước đều xuất phát điểm là những quốc gia thu nhập thấp, cùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, và cùng chú trọng sự chỉ đạo tập trung thống nhất và coi trọng vị trí của các vùng lãnh thổ trong sự phát triển quốc gia. Do đó, kinh nghiệm từ nước bạn Hàn Quốc mang lại cho Việt Nam nhiều cảm hứng để chúng ta chuyển đổi, học tập.
Hàn Quốc có quy hoạch phát triển lãnh thổ quốc gia toàn diện (CNTP), đây là văn bản chính sách ở cấp cao nhất, mô tả các chính sách về không gian, kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng, quản lý nguồn lực, môi trường và thậm chí cả chính sách thống nhất. CNTP đóng vai trò như một phương tiện để thông báo cho mọi người những gì đã hay sẽ diễn ra trong lãnh thổ Hàn Quốc, đồng thời, đưa ra một tập hợp các nguyên tắc hướng dẫn để chuẩn bị một cách có chiến lược và hệ thống cho các tiến trình tương lai của hành động nhằm phát triển lãnh thổ quốc gia và giữ gìn môi trường sống tự nhiên.
Về chức năng cụ thể của CNTP liên quan đến chính sách vùng thì có 3 chức năng chính. Trước hết, CNTP đưa ra tầm nhìn và chiến lược phát triển cụ thể của vùng, và một tập hợp các hướng dẫn cho các kế hoạch cấp tỉnh, đô thị và vùng, cũng như các chính sách kinh tế và ngành. Bên cạnh đó, CNTP cũng giúp thiết kế các chương trình, dự án và phương án phối hợp để thực hiện có hiệu quả các chính sách vùng. Ngoài ra, CNTP còn quy định những ưu đãi về tài chính và các ưu đãi khác đối với các vùng nhằm đạt được mục tiêu quốc gia, như: khu công nghiệp, đặc khu kinh tế, khu vảo vệ tài nguyên nước, di sản văn hóa…
GS. Jeongho Kim, Trường Chính sách và Quản lý công, Viện Phát triển Hàn Quốc cho biết, để chính sách bám sát vào sự thay đổi thực tiễn của quốc gia theo thời gian, thì Hàn Quốc cũng đã điều chỉnh chính sách vùng trong những thời kỳ nhất định.
Nếu trong những năm 1960, chính sách vùng hướng đến sự hỗ trợ đầy đủ cho hiện đại hóa kinh tế và nâng cấp cơ cấu ngành công nghiệp, tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ thay thế nhập khẩu, thì đến những năm 1970, lại chú trọng vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên lãnh thổ, hộ trợ các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa dầu theo định hướng xuất khẩu và cung cấp cơ sở vật chất hạ tầng liên quan.
Những năm 1980, chính sách vùng tập trung kiểm soát vùng thủ đô, phân cấp, bảo vệ và bảo tồn môi trường, trên cơ sở đó, đến giai đoạn 1990, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và mở rộng cơ sở lãnh thổ ra bên ngoài trong thời đại toàn cầu hóa và bền vững về môi trường.
Đầu những năm 2000, dưới chính quyền tổng thống Rho, chính sách vùng quan tâm đến phát triển cân bằng liên vùng thông qua các hệ thống đổi mới vùng và phân cấp chức năng các cơ quan chính phủ trên toàn quốc, sau đó, trong những năm 2010 thì chính phủ mới tập trung vào năng lực cạnh tranh vùng, thúc đẩy công nghiệp xanh và tăng trưởng xanh.
Hiện nay, chính sách vùng được thiết kế để chuyển từ công nghiệp phần cứng sang phần mềm và sáng tạo.
Trải qua hơn 4 thập kỷ thực hiện CNTP, Hàn Quốc đã có những thay đổi ngoạn mục với các chỉ số về thu nhập bình quân đầu người, xuất khẩu, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ cung nhà ở… đều tăng cao. Nếu như thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc năm 1960 là 79 USD, thì đến năm 1980 tăng lên 1.598 USD và đến năm 2010 đã là 20.759 USD.
Những kinh nghiệm rút ra
Quy hoạch quốc gia là vấn đề hết sức quan trọng. Ngay từ đầu, Hàn Quốc đã coi trọng xây dựng kế hoạch lãnh thổ thống nhất, do đó có thể tìm ra các lợi thế so sánh và những biện pháp thích hợp để phát triển những vùng trọng điểm. Từ những thành công trong chính sách phát triển kinh tế vùng ở Hàn Quốc, Việt Nam có thể áp dụng các một số chính sách trên cơ sở tình hình thực tế trong nước, trước hết là sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành.
GS. Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh, ở Việt Nam, quy hoạch các vùng được lập ra, nhưng ít ý nghĩa chỉ đạo cụ thể, chỉ coi như “cộng dồn” các tỉnh trong vùng. Chính sách và quy hoạch vùng lại được lập tách biệt về thời gian nên thường thiếu ăn khớp nhau, nên thiếu hiệu quả. Vì thế, cần có sự thống nhất xuyên suốt để phát triển vùng thực sự đạt kết quả.
Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các kế hoạch cấp cao như CNTP của Hàn Quốc nhằm đưa ra các mục đích, mục tiêu và tầm nhìn quốc gia vào văn bản, đồng thời, đưa ra một tập hợp các nguyên tắc chỉ đạo cho các chính sách và kế hoạch ở cấp thấp hơn cho địa phương và ngành.
Ngoài ra cũng cần xây dựng các kế hoạch vùng theo cách linh hoạt đưa vào các chủ đề đang thay đổi của các chính sách quốc gia. Kế hoạch vùng như là một kế hoạch mang tính chiến lược, theo định hướng hành động và có thể thực hiện chứ không chỉ đơn thuần là tầm nhìn dài hạn./.
Theo Kinhtevadubao.vn