Người Việt có nên chạy theo xu hướng mua hàng online?

Nỗi băn khoăn của người tiêu dùng trong việc quyết định “có nên mua hàng online?” đang trở thành rào cản khiến thương mại điện tử Việt không thể phát triển. Vậy chúng ta cùng đi tìm hiểu, tại sao người tiêu dùng lại cảm thấy e ngại khi mua hàng online, ngay cả khi các dịch vụ bán hàng online đang cực kỳ phát triển, thuận tiện cho người mua:

Sản phẩm trên web khác xa sản phẩm thật.

Thực sự đây là một trong những trở ngại của không ít khách hàng. Cũng là một trong những rủi ro lớn nhất mà người mua hàng thường gặp phải, các sản phẩm mẫu được quảng cáo trên website đẹp lung linh nhưng khi đến tay người tiêu dùng nó không khác gì “một thứ đồ đáng bỏ đi”. Một mẹ chia sẻ trên web làm cha mẹ “Thấy bạn cùng hội mặc chiếc áo mua trên mạng giá khá rẻ, lại đẹp mình liền tìm mua hàng online trên các website giảm giá trên mạng. Nhưng khi sản phẩm trong tay mình mới tá hỏa vì nó khác xa với hình ảnh quảng cáo trên website trực tuyến. Sau khi gọi điện hỏi chủ cửa hàng mới vỡ lẽ vì họ sử dụng hình ảnh trên Internet và việc mặc đẹp hay xấu phụ thuộc chủ yếu vào người mặc. Họ không chịu trả lại tiền nên từ đó mình đặt gạch luôn việc mua hàng trên mạng”.

Thông tin cá nhân dễ bị đánh cắp

Hiện nay do tính phổ biến của mạng xã hội facebook cũng như pháp luật quản lý còn thiếu chặt chẽ, nhiều trường hợp lừa đảo đã diễn ra. Với nhiều shop mua hàng online, khi mua bạn thường phải để lại tên, số điện thoại, và thanh toán tiền bằng cách chuyển khoản chính vì vậy kẻ gian thường lợi dụng điều này để gọi cho bạn, giả danh là người bán. Rất nhiều hành vi giả danh trộm tiền người mua được tố giác khiến người tiêu dùng ngày càng cảnh giác hơn. Chủ đề những chiêu trò lừa đảo khi bán hàng trên facebook là vấn đề khá hot thường được mọi người chia sẻ như là cách để phòng tránh việc mua hàng trên mạng.
Theo ghi nhận từ báo cáo thương mại điện tử năm 2014, Việt Nam có hơn 35 triệu người đang sử dụng Internet trong đó 58% (khoảng 18 triệu người) đang mua sắm trực tuyến. Con số này khá lớn nhưng thực tế vẫn chưa xứng với tiềm năng phát triển khi có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia vào thị trường béo bở này. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra về lý do tại sao người Việt vẫn e ngại khi mua hàng online là việc họ cảm thấy không tin tưởng với hình thức này cũng như việc sản phẩm mua không đúng với quảng cáo. Thay đổi suy nghĩ người tiêu dùng, đổi mới hình thức quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm – dịch vụ là con đường duy nhất các doanh nghiệp cần làm nếu muốn trụ vững.

Cũng theo báo cáo trên, một trong những yếu tố chính khiến người tiêu dùng không thích mua sắm trực tuyến là bởi họ không có lòng tin với hình thức này: 78% số người trả lời lý do không mua hàng bởi khó kiểm định chất lượng hàng hóa, 57% không tin tưởng đơn vị bán hàng, 42% không có thẻ thanh toán.

Muốn phát triển phải theo xu hướng mới

Dẫu biết rằng việc mua hàng trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng có thể khẳng định nó vẫn là xu thế phát triển của không chỉ riêng Việt Nam mà còn trên thế giới. Một nền kinh tế không thể phát triển nếu không áp dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh. Điều bây giờ cần làm là nâng cao uy tín của các chủ shop, ngăn chặn tình trạng lừa đảo người tiêu dùng cũng như nâng cao lòng tin của họ với hình thức mới này. Bên cạnh đó người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để phòng tránh việc bị lừa. Người tiêu dùng chỉ nên mua sắm tại các sàn giao dịch uy tín và đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép. Để thực sự đảm bảo, người tiêu dùng nên tìm đến những đơn vị quen thuộc, có uy tín nhận được nhiều phản hồi tốt từ phía khách hàng

Chúng tôi cũng khuyên bạn lưu ý về hình thức thanh toán, nên chọn hình thức nhận hàng mới trả tiền hoặc thanh toán tạm giữ từ bên thứ 3 để đảm bảo chỉ khi nhận được hàng đúng như hình, người bán mới có thể rút tiền, tuyệt đối không chuyển tiền trực tiếp cho người bán khi mua hàng online. Chọn mua tại đơn vị đã được gắn chứng nhận đảm bảo của bên thứ 3 là một trong những giải pháp khá an toàn cho người mua.


Chia sẻ bài viết này