Lập kế hoạch kinh doanh và 5 điều cần tránh

Nếu bạn có ý định kinh doanh mặt hàng nào đó, điều đầu tiên bạn dược dạy là hãy lập một bản kế hoạch hợp lý nhất. Nhưng lập kế hoạch ra sao, thế nào là hợp lý thì rất nhiều người đã loay hoay tại bước này mà vẫn không có được câu trả lời thỏa đáng. Vì với mỗi người, mỗi mô hình kinh doanh và mỗi thị trường lại có các yếu tố ảnh hưởng khác nhau, dẫn đến bản kế hoạch cũng không giống nhau. Mặc dù chúng tôi không thể chỉ cho bạn phải làm cụ thể thế nào, nhưng với bài viết này chúng tôi hi vọng sẽ giúp bạn tránh gặp các sai lầm khi lập kế hoạch kinh doanh cho mình.

1. Bản kế hoạch còn nhiều thiếu sót

Một bản kế hoạch không phải chỉ đơn thuần là việc liệt kê các chiến lược kinh doanh trong hiện tại và tương lai, mà nó phải bao gồm các yếu tố: khách hàng, sản phẩm, quảng cáo tiếp thị, bán hàng, quản lý bán hàng và đối thủ cạnh tranh. Một bản kế hoạch đầy đủ là phải phân tích được hết các khía cạnh đó, nhận xét và dự báo sự thay đổi chúng trong thời gian sắp tới để có cách xử lý phù hợp.

Trong bản kế hoạch cũng cần có các phân tích về ngành thuộc lĩnh vực kinh doanh và thị trường nói chung, đưa ra các đánh giá về sự tăng trưởng hay thu hẹp. Đồng thời đưa ra dự kiến về tài chính, chi phí đầu tư trong các năm sắp tới.

2. Lập kế hoạch kinh doanh không rõ ràng

Một bản kế hoạch kinh doanh giống như tấm bản đồ cho việc kinh doanh của bạn vậy, ở đó chỉ rõ đường đi nước bước, những phân tích đánh giá để bạn chọn đúng đường. Nếu bạn vẽ tấm bản đồ đó quá mơ hồ, chỉ đại khái thì chắc chắn đến lúc thực hiện bạn sẽ cảm thấy hoang mang dẫn đến lạc lối.

Bản kế hoạch cần có các con số cụ thể, đưa ra phân tích chính xác để đề ra các chiến lược phù hợp. Nếu vì nguyên do bảo mật số liệu, bạn cần có bản tóm tắt ngay trên đầu cho dễ hiểu. Đừng để bản kế hoạch cả bạn chỉ mình bạn mới luận ra được, vì việc kinh doanh không thể làm đơn lẻ một mình, luôn cần đến sự hợp tác, mà sự chia sẻ về chiến lược là rất cần thiết.

3. Quá sa đà vào chi tiết

Như chúng tôi đã nói ở trên, một bản kế hoạch muốn đạt được hiệu quả như mong đợi phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố, nhưng chúng tôi cũng không khuyến khích bạn quá sa đà vào những nội dung phụ như thông tin kỹ thuật. Vì điều này sẽ làm loãng bản kế hoạch, khiến nó trở nên rắc rối và thiếu logic. Nếu bạn cần trình bày thêm thì hãy đưa các mục đó vào phần phụ lục để chú thích thêm.

4. Kế hoạch không thực tế

Lập ra kế hoạch là để thực hiện theo những điều đã được ghi sau một quá trình nghiên cứu và thảo luận cẩn thận, nên những gì bạn viết không được quá viển vông, phải sát với thực tế. Bạn có thể đưa ra các giả định, nhưng ngay sau đó hay lập luận để chứng minh tính khả thi của nó. Như việc bạn cho rằng nên bán mặt hàng này thay vì mặt hàng kia, thì hãy chỉ ra lý do, rằng vào thời điểm hiện tại nhu cầu của khách hàng ra sao, theo khảo sát thì thực tế kinh doanh như thế nào.

5. Không tính đến các rủi ro và đối thủ cạnh tranh

Hãy nhớ rằng cạnh tranh hoàn hảo chỉ là một khái niệm trên lý thuyết, còn trong thực tế bất kỳ việc gì cũng có thể xảy ra. Đừng chỉ mơ tưởng về những thứ đẹp đẽ của tương lai mà quên đi các rủi ro có thể gặp phải. Bạn phải thật sáng suốt để nhìn ra những rủi ro đó, dự báo trước và có cách phòng tránh hoặc giảm thiểu.

Tìm hiểu kĩ đối thủ cạnh tranh, xem họ đã và đang làm gì cũng là một cách để phác thảo ra một bản kế hoạch đầy đủ nhất. Hãy biến việc cạnh tranh trở thành động lực để bạn vươn lên trong quá trình kinh doanh


Chia sẻ bài viết này