Lợi thế khi kinh doanh thời trang là không bao giờ phải lo về nguồn cầu vì con người sống luôn cần ăn và mặc. Nhưng có cầu ắt có cung, cầu càng nhiều thì cung càng lớn, mức độ cạnh tranh của lĩnh vực này rất khốc liệt, đặc biệt là khi các shop kinh doanh quần áo online được mở ra tràn lan trên mạng mấy năm gần đây. Tuy vậy vẫn không thể phủ nhận sức hấp dẫn từ lợi nhuận kinh doanh thời trang mang lại, nếu nhạy cảm trong việc nắm bắt xu hướng lại có vài mánh nhỏ khi nhập và bán hàng thì sẽ rất nhanh thu hồi vốn. Nếu bạn đang có ý định chọn ý tưởng này để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh thì có thể tham khảo một số kinh nghiệm mở cửa hàng thời trang dưới đây.
-
Chọn khách hàng mục tiêu
Điều đặc biệt của kinh doanh thời trang là có sự phân hóa khách hàng khá rõ ràng, tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi, khả năng chi trả, phong cách, xuất xứ,… mà sản phẩm cũng không giống nhau. Vì vậy trước khi mở cửa hàng thời trang bạn cần xác định trước mình sẽ bán cho đối tượng nào, nam hay nữ, già hay trẻ, thu nhập cao hay thấp, làm nghề gì,…
Việc sàng lọc đối tượng mục tiêu còn giúp bạn thu hẹp phạm vi khảo sát nhu cầu, sở thích và xu hướng thời trang hiện tại của riêng đối tượng đó. Ví dụ bạn định bán quần áo cho nam giới từ 22 đến 30 tuổi, tập trung vào dân công sở, như vậy bạn chỉ tìm hiểu về các mẫu quần âu, áo sơ mi hoặc áo phông có cổ lịch lãm thay vì những loại quần áo khác. Nhờ vậy việc xác định sản phẩm cần nhập về cũng chính xác hơn, tránh tình trạng ế ẩm.
-
Chú ý đến thời điểm mở cửa hàng
Thời trang không chỉ quan tâm tới yếu tố con người mà còn phụ thuộc vào cả thời tiết và văn hóa, vì vậy khi định mở một cửa hàng bạn phải tính trước đến khi khai trương sẽ rơi vào khoảng thời gian nào. Nếu định mở cửa hàng vào mùa hè thì thời điểm tốt nhất là tháng 4, còn mùa đông vào khoảng tháng 10, đây là lúc chuẩn bị bắt đầu các xu hướng thời trang nên thích hợp để thu hút người dùng bằng mẫu mã mới và chương trình khuyến mãi.
-
Chuẩn bị vốn
Mở một cửa hàng thời trang quy mô trung bình cần khoảng 80 đến 100 triệu tiền vốn, trong đó chiếm nhiều nhất là tiền thuê mặt bằng và nhập hàng. Thông thường bạn sẽ phải đóng trước tiền thuê nhà từ 3 tháng trở lên, nếu chọn địa điểm tại mặt đường thành phố lớn cần ít nhất 40-50 triệu đồng. Sau đó bạn cần mua bàn ghế, tủ kệ, hệ thống đèn điện, thông gió, ma-nơ-canh,… để trang trí cho cửa hàng. Tiền nhập hàng lần đầu thường dao động trên dưới 30 triệu đồng tùy vào nguồn hàng bạn tìm được. Ngoài ra còn chi phí dành cho quảng cáo, thuê nhân viên nếu cần, hệ thống POS, website,…
-
Chọn địa điểm mở cửa hàng
Đối với kinh doanh truyền thống việc lựa chọn địa điểm mở cửa hàng rất quan trọng, chiếm hơn một nửa tỉ lệ thành công sau này. Mặt đường vẫn luôn là lựa chọn được các chủ shop ưu tiên hàng đầu, nhưng chi phí khá cao và không phải mặt đường ở đâu cũng mang lại hiệu quả tốt. Có đôi khi mở cửa hàng trong ngõ còn đông khách hơn mặt đường, đơn giản vì nơi đó tập trung nhiều đối tượng mục tiêu mà mình hướng đến.
Ví dụ bạn định bán quần áo cho sinh viên thì cửa hàng đặt xung quanh trường đại học và các khu trọ, khu tập thể sẽ tốt hơn là đường lớn. Ngược lại, nếu bạn muốn bán cho dân công sở, đặc biệt đối tượng thu nhập cao thì các trục đường lớn, gần trung tâm, gần khu thương mại sẽ đắt khách hơn hẳn.
-
Tìm nguồn hàng
Trong bán lẻ, quan trọng nhất không phải vốn cũng không địa điểm mà chính là cách tìm nguồn hàng. Mặc kệ người khác có cả tỉ tiền vốn, mặc kệ người ta thuê được mặt bằng đắc địa, chỉ cần bạn tìm được nguồn hàng cùng chất lượng mà giá thành rẻ hơn thì vẫn có thể chiến thắng trong cuộc đua khốc liệt này. Bạn có thể nhấp vào link sau để tham khảo Bí quyết tìm nguồn hàng trong bán lẻ.
Đối với hàng thời trang, bạn có thể tới một số chợ đầu mối trong nước như chợ Nành Ninh Hiệp, chợ cửa khẩu ở Móng Cái, Lạng Sơn,… hoặc đến các chợ Zhang Xi, Shi Shang Hang, Hong Mian, Shahe – Trung Quốc, Chatuchak, Pratunam – Thái Lan. Ngoài ra, bạn có thể nhập hàng trên mạng qua trang Alibaba.com hoặc Taobao.com của Trung Quốc, gmarket.co.kr (phiên bản tiếng Anh là english.gmarket.co.kr) của Hàn Quốc.
-
Trang trí cửa hàng
Đã kinh doanh thời trang thì cửa hàng trưng bày cũng phải có phong cách riêng, nó thể hiện sự chuyên nghiệp và gu thẩm mỹ của chủ shop. Việc trang trí cũng không phải để cho mình bạn xem mà chủ yếu phục vụ khách hàng, tạo cảm hứng kích thích quyết định mua sắm của họ. Ví dụ cửa hàng bán đồ công sở nếu sử dụng tông màu trang nhã làm chủ đạo, giá treo đơn giản nhưng tinh xảo cùng cách sắp xếp chỉn chu chắc chắn sẽ tạo ấn tượng tốt hơn. Để biết rõ hơn nghệ thuật trang trí shop quần áo bạn có thể tham khảo bài viết Mẹo trang trí cửa hàng quần áo hút khách.
-
Sắm trang thiết bị và thuê nhân viên
Nếu mở cửa hàng quy mô lớn bạn cần phải thuê từ 1 đến 2 nhân viên kiêm cả việc kiểm kho lẫn đón và giới thiệu quần áo cho khách, còn bạn có thể đứng quầy thanh toán để tiết kiệm chi phí. Khi thuê nhân viên cần ưu tiên ngoại hình, có khiếu thẩm mỹ và biết ăn nói. Còn về trang thiết bị, ngoài những hệ thống cơ bản như đèn điện, máy lạnh, chống mối mọt thì bạn nên mua thêm hệ thống POS bao gồm phần mềm quản lý cửa hàng thời trang, máy in hóa đơn, máy in và quét mã vạch. Hệ thống POS sẽ giúp quá trình kinh doanh của bạn đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều, tiết kiệm thời gian, công sức cho việc quản lý.
-
Tổ chức quảng cáo, chương trình khuyến mãi
Ngay từ trước khi khai trương cửa hàng bạn đã phải lập một kế hoạch quảng cáo, lộ trình các chương trình khuyến mãi trong ít nhất 3 tháng đầu để có lượng khách ổn định. Về quảng cáo, phổ biến nhất hiện nay là phương thức trực tuyến trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram,… hoặc chạy quảng cáo hiển thị, tìm kiếm của Google. Ngoài ra, nếu có điều kiện hãy thiết kế website bán hàng để kết hợp cả kinh doanh online lẫn truyền thống, nhờ vậy tập khách hàng của bạn sẽ được mở rộng hơn.
Trên đây là những kinh nghiệm mở cửa hàng thời trang được tổng hợp và đúc kết từ thực tiễn của rất nhiều chủ shop, hi vọng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình khởi nghiệp!
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Hướng dẫn chi tiết cách mua hàng Alibaba (Phần 1)
Kinh nghiệm lấy hàng Quảng Châu cho người mới
Kinh nghiệm lấy hàng ở Thái Lan