Trong Phần 1, chúng ta đã được hướng dẫn chi tiết về cách tìm kiếm các nhà sản xuất, các thủ tục và giá làm visa, hộ chiếu và các phương tiện mà bạn có thể lựa chọn để sang Quảng Châu đánh hàng. Và dưới đây là Phần 2 của bài viết Hướng dẫn chi tiết các bước sang Quảng Châu đánh hàng cho người chưa có kinh nghiệm, mời các bạn tiếp tục theo dõi.
Chuẩn bị tiền
Bạn nên đổi tiền trước ở Việt Nam để chi trả cho các chi phí như đi lại, ăn ở. Ở Hà Nội bạn có thể lên phố Hà Trung chuyên đổi tiền, tỷ giá giao động khoảng 3.400-3.500 đồng/nhân dân tệ. Tuy nhiên, bạn chỉ được mang theo người tối đa 5000$ tương đương khoảng 30 nghìn tệ và không quá 20 triệu đồng tiền Việt Nam. Nếu bạn mang nhiều hơn số tiền đó thì qua cửa khẩu sẽ bị hải quan tịch thu. Nếu cần nhiều hơn số tiền đó, bạn có thể làm thẻ visa để sang đó rút tiền hoặc sang Trung Quốc làm thẻ nội địa Trung Quốc cho đỡ mất nhiều phí giao dịch.
Lưu ý, khi đi mua hàng, bạn nên để tiền vào nhiều túi đề phòng nếu bị mất thì cũng không bị mất nhiều và vẫn còn chỗ khác để lấy. Ở các chợ lớn ở Quảng Châu thường có lực lượng an ninh rất chuyên nghiệp nên bạn không cần phải lo lắng về trộm cướp, chỉ cần chú ý không để rơi, mất tiền là được.
Chuẩn bị quần áo
Thời tiết ở Quảng Châu cũng gần giống như ở Hà Nội, nếu đi vào mùa lạnh thì có thể lạnh hơn Hà Nội một vài độ chứ không lạnh hơn nhiều. Vì thế bạn chuẩn bị quần áo như đi du lịch bình thường hoặc mang theo 1 ít rồi sang đó mua thêm cũng được.
Chuẩn bị chỗ ở
Nếu bạn đã xác định được mặt hàng chủ đạo mà bạn muốn mua trong lần sang Quảng Châu đánh hàng thì bạn nên trao đổi với phiên dịch để họ giúp bạn thuê khách sạn ở gần chợ có nhiều mặt hàng đó. Hoặc nếu bạn muốn đi nhiều chợ thì chọn khách sạn ở vị trí trung tâm để có thể dễ dàng đi đến các chợ mà bạn cần mua hàng.
Xem thêm:
Kinh nghiệm lấy nguồn hàng tốt từ Quảng Châu (Trung Quốc)
Mua hàng Quảng Châu, bí quyết săn hàng thời trang quảng châu giá rẻ
Vận chuyển hàng
Nếu bạn mua hàng với số lượng vừa phải thì có thể tự mang theo khi về. Tuy nhiên, việc mua được hàng, kiểm hàng, vận chuyển bảo đảm an toàn không hề đơn giản. Những rủi ro phát sinh có thể xảy ra nến bạn thiếu kinh nghiệm hay khi chuyển hàng qua cửa khẩu. Vì thế. nếu bạn mua hàng với số lượng lớn thì nên xem xét việc thuê một đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp.
Sau khi lấy hàng xong bạn có thể thuê dịch vụ từ các công ty vận chuyển để đóng hàng về Việt Nam, chi phí đóng bao và vận chuyển từ Quảng Châu về Việt Nam được tính theo số cân hàng hóa khoảng 15-30.000đ/kg. Hàng về Hà Nội sẽ mất khoảng 3 đến 5 ngày và rất ít khi xảy ra trường hợp mất hàng hay hàng về trễ. Bạn sẽ mất một khoản chi phí cho dịch vụ chuyển hàng nhưng đổi lại là sự an toàn và loại trừ được những phát sinh khác nếu tự đánh hàng.
Thuê phiên dịch
Nếu bạn thuê phiên dịch riêng đi cùng từ a đến z thì có thể vào các group trên Facbook đăng bài tìm phiên dịch đi cùng. Lúc đó sẽ có nhiều bạn phiên dịch sẽ liên hệ để dẫn bạn sang Quảng Châu đánh hàng. Lúc nàu bạn có thể thoải mái lựa chọn người đồng hành. Tuy nhiên, chi phí trả cho phiên dịch riêng khá cao, từ 300-400 tệ/ngày.
Giá thuê phiên dịch khá đắt nhưng bạn có một lựa chọn khác đó là gọi “gai” tức là dịch đơn giản, mặc cả mua hàng ở chợ, đưa đón ở bên xe, sắp xếp chỗ ăn ở. Chi phí thuê phiên dịch dạng này giao động từ 150-250 tệ/ngày nên sẽ tiết kiệm hơn đáng kể.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều con buôn thì bạn không cần thiết phải thuê phiên dịch kể cả khi vốn tiếng Trung bằng 0. Bạn hoàn toàn có thể tự đi chợ, xem hàng bằng cách chỉ trỏ, lắc đầu, gật đầu hoặc hỏi giá bằng những câu tiếng Anh đơn giản. Người bán hàng thường không giỏi tiếng Anh nhưng họ có thể nhìn bạn và đoán được bạn muốn gì. Khi người bán hàng nói giá, bạn nên mặc cả và cân nhắc xem nên mua hay không. Nếu chưa thực sự ưng ý thì bạn hoàn toàn có thể đi sang hàng khác mà không lo bị chửi bới hay bắt phải mua hàng. Nếu thuê phiên dịch thì thường các bạn gai sẽ không nhiệt tình trả giá và cân nhắc từng đồng như bạn đi buôn.
Trên đây là những kinh nghiệm sang Quảng Châu đánh hàng thực tế của những con buôn lâu năm. Tiếp tục theo dõi Phần 3 để biết về các lưu ý quan trọng cần-phải-nhớ trước và trong chuyến đi nhé!