Bạn có biết lý do nhân viên bỏ việc?

Trong bất kỳ công ty nào, chuyện nhân viên bị đào thải do không đáp ứng được yêu cầu công việc chẳng phải điều lạ, nó gần như là quy tắc chung rồi. Thế nhưng khi nhân viên tự bỏ việc, xin nghỉ, xin thuyên chuyển công tác lại là vấn đề khác, nhất là khi họ vẫn làm tốt và có thể làm tốt hơn nữa việc của mình. Với vai trò người lãnh đạo bạn có biết lý do nhân viên bỏ việc hay chưa? Nếu vẫn chưa thì tôi có thể khẳng định bạn là một người sếp tồi. Còn bây giờ hãy đọc vài dòng dưới đây để tìm hiểu sự thật đằng sau những lá đơn xin nghỉ việc kia và rút kinh nghiệm trong công tác quản lý của mình.

1. Nhân viên bỏ việc vì lương không đủ

Ở đây tôi nói là không đủ chứ không phải là không cao, không hấp dẫn. Đủ so với năng lực và đủ cho cuộc sống của nhân viên. Đừng nghĩ rằng mình là chủ và mình muốn trả lương nhân viên ra sao cũng được. Sai lầm của nhiều lãnh đạo là không cập nhật những thông tin về ngành, lĩnh vực liên quan cùng thông tin đời sống thực tế của nhân viên để ra chính sách lương thưởng phù hợp.

Ví dụ với mức lương này thì thời điểm một năm trước là hợp lý, nhưng sau một năm bất ngờ ngành đó phát triển rầm rộ, kéo theo nhu cầu nhân lực tăng cao, lẽ dĩ nhiên là mức lương nhân viên cũng không thể giữ nguyên được. Bạn cần xem xét mặt bằng chung hiện nay để điều chỉnh mức lương phù hợp nhất cho nhân viên.

Ngoài lương cứng thì mức thưởng cần được trao đúng theo cống hiến và công sức  mà nhân viên đã bỏ ra khi họ hoàn thành xuất sắc, vượt chỉ tiêu nào đó. Đừng cho rằng đó là nhiệm vụ của họ, hãy dùng tiền thưởng để khuyến khích nhiệt huyết của nhân viên.

2. Phương thức quản lý kém

Để công việc đạt hiệu quả cao nhất đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bộ phận, đặc biệt là khả năng lãnh đạo của người đứng đầu. Chính vậy phương thức quản lý đóng vai trò rất quan trọng đối với một tổ chức kinh doanh. Nếu là sếp nhưng bạn không thể đưa mọi thứ vào quy trình, công việc rối tung với những kế hoạch ngổn ngang thì chắc chắn sẽ khiến nhân viên bất phục. Thêm vào đó, phương thức quản lý của bạn nên xuất phát từ nhân viên, dựa vào năng lực và phong cách làm việc của nhân viên để có cách điều hành hợp lý. Nhiều nhân viên bỏ việc cũng chỉ vì “không hợp với sếp”, suy nghĩ khác nhau thì không thể làm cùng nhau được.

3. Không có cơ hội thăng tiến

Ngoài quan tâm đến lương thưởng thì một yếu tố nữa cũng được nhân viên coi trọng, đó là cơ hội thăng tiến trong công việc. Sẽ chẳng ai muốn làm ở một công ty mà cả đời mình chỉ là nhân viên quèn, mãi không thể lên trưởng nhóm chứ đừng nói trưởng phòng, phó phòng gì đó. Hãy cho nhân viên của mình biết bạn luôn mở một cách cửa với tương lai rộng mở cho họ, điều họ cần là hãy thể hiện khả năng của mình để chứng tỏ mình xứng đáng bước qua cánh cửa ấy.

4. Thiếu công bằng

Với người này bạn nâng đỡ, với người kia bạn bỏ mặc. Lương người này cao, lương người kia thấp dù cùng công việc và trình độ, khả năng lại tương đương. Vô vàn điều bất công khác dù chẳng ai nói ra nhưng nhân viên rất tinh ý, họ hiểu được nếu bạn thật sự làm vậy. Sống và làm việc trong môi trường mà mình không được coi trọng thì bạn đừng nghĩ nhân viên sẽ cống hiến hết mình, và chuyện họ bỏ việc là sớm muộn mà thôi.

5. Công ty không phát triển

Giống như việc bạn sống trong ngôi nhà cũ nát vậy, nguy cơ sụp đổ đến với bạn bất cứ lúc nào có thể. Làm việc cho công ty không phát triển chẳng khác nào giao cuộc sống của mình vào tay kẻ sắp chết. Nhân viên là người trực tiếp làm việc cho công ty bạn, nên nếu công ty vẫn không thể phát triển, thậm chí còn thụt lùi thì họ là người đầu tiên nhận thấy. Làm sếp nhưng bạn không thể vực công ty dậy thì sớm muộn nhân viên cũng bỏ bạn đi mà thôi.

Không phải tự nhiên mà nhân viên bỏ việc, quy kết cuối cùng vẫn là do khả năng lãnh đạo của bạn. Hãy tự hoàn thiện mình hơn trước khi đổ lỗi cho khả năng làm việc của nhân viên!

Đọc thêm các bài viết khác tại đây:

Sai lầm lựa chọn nhân viên của kinh doanh bán lẻ

Làm thế nào để quản lý nhân viên bán hàng?

Kinh nghiệm quản lý nhân viên trẻ


Chia sẻ bài viết này