Trong phần 1 của bài viết 8 phong cách nhà quản lý phổ biến chúng tôi đã chia sẻ 4 kiểu nhà quản lý thường gặp trong các doanh nghiệp, về cách thức họ điều hành, những ưu nhược điểm của họ. Trong phần 2 này chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lên 4 phong cách khác để các bạn tham khảo.
5. Phong cách nhà quản lý ủng hộ
Gần tương tự như những nhà quản lý theo phong cách khuyến khích, người quản lý ủng hộ sẽ dùng hành động thiết thực để giúp đỡ nhân viên hơn là chỉ nói suông. Họ là người kiên nhẫn, biết suy xét thấu triệt mọi vấn đề nên luôn là nơi để nhân viên tin tưởng nhờ vả. Những nhà quản lý này đóng vai trò điểm tựa hơn là dẫn đầu, họ luôn đứng đằng sau để điều hướng mọi người tới đích, trong tầm nhìn của họ có cả mục đích và cả bóng lưng của nhân viên.
Thế nhưng người chọn phong cách quản lý này thường thiếu chủ động, họ tốn quá nhiều thời gian để giải quyết vấn đề của người hơn là tập trung vào nhiệm vụ chính của mình. Họ thích nghi với thay đổi khá chậm, điều này ảnh hưởng nhiều khi tập thể đang trong cuộc đua kinh doanh. Cách quản lý ủng hộ của họ còn vô tình khiến nhân viên ỷ lại, thiếu sáng tạo, mức ỳ lớn.
6. Phong cách nhà quản lý cộng tác
Những nhà quản lý theo phong cách cộng tác là người luôn cẩn thận, họ chỉ hành động khi đã có đầy đủ các công cụ và chi tiết của sự việc. Trong mối quan hệ với nhân viên bạn sẽ cảm thấy họ như một đối tác hơn là một vị sếp, họ khá dè dặt trong mối quan hệ lạ, không tin tưởng ngay và cũng không hề áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác. Ở họ bạn học được sự độc lập, đức tính chăm chỉ, kiên nhẫn và khéo léo. Trong công việc họ luôn đề cao tinh thần sáng tạo và muốn phát triển khả năng của từng người, họ đưa mọi người vào hệ thống mà mình đã phác thảo ra rồi tuỳ bạn vận hành, miễn sao đem đến kết quả.
Với phong cách quản lý này bạn sẽ cảm thấy “dễ thở” hơn, nhưng bạn phải tự tạo động lực cho mình, đừng chờ đợi sếp tác động, khuyến khích mình. Thứ mà họ cần ở bạn là năng suất và kết quả chứ không hẳn là quá trình.
7. Phong cách nhà quản lý đánh giá
Đây chính xác là phong cách quản lý dựa vào kết quả, tất cả mọi thứ đều liên quan đến kết quả. Nhà quản lý kiểu này sẽ nhìn vào những gì bạn làm được để đánh giá, khen thưởng hoặc phê bình, họ sắp xếp, quản lý công việc của nhân viên cũng từ những gì nhân viên đạt được trong quá khứ. Họ có tầm nhìn rộng và khách quan, luôn đánh giá trên nhiều khía cách khác nhau sau khi đã tổng hợp đầy đủ thông tin. Khi làm việc với họ bạn không cần phải lo mình sẽ bỏ sót điều gì, ngược lại bạn nên cố gắng hơn để đáp ứng được yêu cầu toàn diện của họ.
8. Phong cách nhà quản lý tổ chức
Những nhà quản lý kiểu này sẽ kiểm soát nhân viên theo mô hình phân cấp, họ chỉ làm việc trực tiếp với quản lý từng bộ phận mà thôi. Việc chia nhóm nhỏ này sẽ khiến họ đỡ tốn thời gian hơn, nhất là trong tổ chức có quá nhiều người, nhưng bù lại dễ gặp các vấn đề tiêu cực nếu những nhà quản lý bộ phận không làm đúng chức trách của mình.
Các nhà quản lý tổ chức thường có tầm nhìn chiến lược tốt, họ có thể bao quát được mọi hoạt động trong tập thể, kế hoạch họ đề ra cũng khả thi hơn, dĩ nhiên là với điều kiện cấp dưới báo cáo chính xác và đầy đủ.
Như vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu 8 phong cách nhà quản lý khác nhau, tuỳ vào tính cách, kiến thức và điều kiện doanh nghiệp bạn có thể lựa chọn phong cách phù hợp với mình.