30s đầu tiên trong bài thuyết trình có thể xác định liệu khán giả sẽ chú ý lắng nghe bạn hay hững hờ, không quan tâm. Nhưng làm thế nào để bạn sử dụng 30s đầu tiên đó một cách hiệu quả nhất và lôi cuốn khán giả song hành từ đầu tới cuối buổi thuyết trình với mình?
Chắc hẳn bạn sẽ không bao giờ muốn mình là “nhân vật chính” như trường hợp hình ảnh minh họa này, đúng không?
Làm thế nào để khán giả “say đắm” theo từng lời nói khi bạn thuyết trình?
6 kỹ thuật đặc biệt ngay dưới đây sẽ dành riêng cho bạn nếu như bạn là một người ham học hỏi và thực sự muốn phát triển kĩ năng thuyết trình trước đám đông.
1. Hỏi một câu hỏi
Mục tiêu đầu tiên của câu hỏi này chính là để mọi người tò mò và suy nghĩ. Nếu khán giả của bạn là một nhóm nhỏ hãy cho họ cơ hội để phát biểu còn đối với nhóm lớn hơn hãy tạm dừng 4 giây cho họ suy nghĩ và có sẵn câu trả lời trong đầu mỗi người.
Ví dụ:
Đối với một bài thuyết trình, bạn có thể bắt đầu bằng:
“Tôi muốn bắt đầu ngày hôm nay bằng cách hỏi các bạn một câu hỏi. Điều gì làm các bạn nghĩ rằng sẽ khiến cho bài thuyết trình trở nên tuyệt vời nhất?”
Sau đó bạn có thể chĩa micro về phía khán giả để nghe rõ hơn hoặc tạm dừng 4 giây như đã nói ở trên để khơi gợi sự suy nghĩ của họ.
2. Tin tức hay số liệu
Khi bạn đề cập đến một câu chuyện, tin tức khá phổ biến, bạn cần phải tác động vào một trong hai đối tượng cảm xúc sau:
– Ồ, tôi đã nghe nói về điều đó – Khán giả của bạn xác định bạn sẽ trình bày về một vấn đề mà trước đây họ đã từng quan tâm và biết tới.
– Wow, tôi không biết điều đó – Lúc này, họ đã có động lực là sự tò mò, tiếp tục lắng nghe những gì bạn trình bày để nắm bắt hay học hỏi.
Ví dụ:
Trong một buổi diễn thuyết “Sự theo dõi đáng báo động của cảnh sát” – Luật sư Catherine Crump, người ủng hộ quyền riêng tư đã bắt đầu như sau:
“Vụ đàn áp gây sốc của cảnh sát nhắm vào những người biểu tình ở Ferguson, Missouri nổi dậy sau vụ việc cảnh sát bắn chết Michael Brown đã thể hiện sự bành trướng của vũ khí và thiết bị quân sự tối tân được dành riêng cho chiến trường. Nó cũng đang được sử dụng phổ biến tại sở cảnh sát của các thị trấn nhỏ khắp nước Mỹ. Rất đau lòng khi chứng kiến điều tương tự cũng diễn ra với các thiết bị giám sát.”
Mở đầu cuộc nói chuyện để lên tiếng ủng hộ quyền riêng tư của mọi người, Catherine Crump đã nói đến một sự kiện hầu như ai cũng biết đến, dẫn dắt nó vào trong trái tim của khán giả để họ cảm nhận thấy sự cần thiết phải lắng nghe cô nói tiếp trong cuộc diễn thuyết này bởi đó không phải là vấn đề của riêng ai mà là “mối hiếm họa” mà bất cứ ai cũng có thể trở thành “nạn nhân”.
3. Một phát biểu thú vị
Những phát biểu thú vị, nghe vẻ phi lí thường sẽ là một trong những cách tạo nên sức hấp dẫn cho lời mào đầu của bài thuyết trình.
Ví dụ:
“Một người bạn của tôi đã từng nói về cô con gái nhỏ bé của mình: Tôi chân thành muốn con gái tôi thất bại” (Tạm dừng vài giây để tạo hiệu ứng ấn tượng). Và bạn biết không, mẹ tôi cũng mong muốn điều tương tự đối với tôi.”
Ngay lúc đó, chắc hẳn bạn sẽ nhìn thấy những ánh mắt tò mò của khán giả khi nghe được một sự thật trái ngược với những gì họ có thể nghĩ về tấm lòng của một người mẹ.
Sau đó, bạn có thể đi vào giải thích lý do rằng tất cả những gì người mẹ đó muốn chỉ là điều tốt hơn cho con gái mình khi mà sau mỗi thất bại là một người trường thành hơn…
4. Trích dẫn liên quan
Hãy tìm một câu nói có liên quan đến chủ đề của bạn. Đây được coi là một biến thể của kỹ thuật phát biểu thú vị đã nói ở trên.
Ví dụ:
Bắt đầu một bài tham luận về giá trị của sự lắng nghe:
Doanh nhân và nhà từ thiện người Mỹ Bernard Baruch đã từng nói: “Hầu hết những người thành công mà tôi được biết đến đều là những người lắng nghe nhiều hơn là nói”…
Một câu nói của người nổi tiếng thường sẽ tạo nên sự tin tưởng cũng như căn cứ cho những gì bạn nói. Đồng thời, khán giả sẽ thấy hứng thú hơn khi được nghe những ý kiến từ những người có tiếng nói.
5. Truyện ngắn
Nếu bạn là một người có khướu kể chuyện thì đó sẽ là một phương pháp tuyệt vời để thu hút khán giả ngay từ khi bắt đầu một cuộc diễn thuyết. Bạn cần chú ý rằng nó phải là một câu chuyện ngắn và thực sự có mối tương quan trực tiếp tới chủ đề bạn sẽ nói tới ngay sau đó.
Những câu chuyện cá nhân bạn trải nghiệm sẽ là lý tưởng nhất. Hãy nghĩ về một câu chuyện kinh doanh hoặc kinh nghiệm cụ thể nào đó mà có sức ảnh hưởng hay tạo ra một bài học lớn sau đó “chiết xuất” chúng thành một câu chuyện ngắn hấp dẫn, có ý nghĩa.
Ví dụ:
Với bài thuyết trình về giá trị, lợi ích của việc có một người cố vấn, bạn có thể bắt đầu một câu chuyện ngắn về những nỗ lực của mình để chơi guitar một bài hát để tạo sự bất ngờ cho vợ của mình trong khi không hề biết chơi đàn trước đó. Từ đó là sự cần thiết phải có một người cố vấn để dạy đàn trong một khoảng thời gian nhất định, 2 hoặc 3 tháng… Những cá nhân liên quan, sự phản ứng hay các mối quan hệ trong câu chuyện, từng chi tiết đều có thể là một bài học tuyệt vời bạn đúc kết mang đến cho khán giả của mình.
Từ những câu chuyện bình dị của cá nhân mình, bạn hoàn toàn có thể cuốn người nghe theo quỹ đạo bạn đã chuẩn bị sẵn. Tại sao lại không nhỉ? Để có thể trở thành một nhà diễn thuyết tài ba hoặc doanh nhân nổi tiếng, ngay từ bây giờ, bạn hãy tự học cách kể chuyện thú vị cũng như bất kì cách nào đó thu hút được những người xung quanh nghe những gì bạn nói trong suốt buổi thuyết trình.
6. Hài hước
Tùy thuộc vào ngữ cảnh, sự hài hước sẽ là một cách tuyệt vời để phá vỡ khoảng cách giữa bạn với khán giả của mình. Ngay cả khi nó không phải liên quan đến chủ đề bạn đang nói, miễn là nó được kết hợp nhuần nhuyễn với một trong những phương pháp nêu trên.
Đạo diễn truyền hình nổi tiếng JJ Abrams đã sử dụng triệt để khướu hài hước của mình để nói chuyện trong các buổi diễn thuyết. Những ai đã từng xem video TED của anh đều thấy rất thú vị bởi cách nói, cách ví von rất hài hước. Ví dụ như khi nói tới lĩnh vực hóa học – polypeptide, anh liên tưởng ngay đến hình ảnh “chú chó cứu hộ” hay là “quái đảo”… Khán giả vừa được nghe rất nhiều thông tin bổ ích vừa được cười hả hê vì thú vị và bị lôi cuốn từ đầu tới cuối câu chuyện.
Kết hợp với những ngôn ngữ cơ thể của một doanh nhân thành đạt, lãnh đạo tài ba, bạn hoàn toàn có thể tự tạo cho mình cá tính thông qua cách diễn thuyết trước đám đông.
Theo Inc.com