5 phẩm chất cần có để khởi nghiệp thành công

Nhiều người thường hỏi tôi, cần gì để khởi nghiệp thành công, tiền tài hay sự thông minh? Tôi chỉ cười, lắc đầu. Tiền là thứ chúng ta cần kiếm chứ không phải cần có, thông minh là thứ chúng ta không thể cầu chứ không phải thứ chúng ta được quyền lựa chọn. Cả hai điều trên chỉ là thứ khiến chúng ta khởi nghiệp “dễ” thành công hơn thôi, chứ không phải cứ sở hữu chúng là “chắc chắn” thành công. Dĩ nhiên tôi không phủ nhận đây đều là hai điều kiện quan trọng trong kinh doanh, nhưng không vì thế mà chúng ta phủ nhận những phẩm chất khác. Nếu bạn muốn khởi nghiệp thành công thì hãy đảm bảo rằng mình chắc chắn phải có 5 phẩm chất dưới đây trước khi nghĩ tới tiền tài và thông minh.

1. Dám ước mơ

Quay về hơn 100 năm trước, khi mà con người vẫn nghĩ bầu trời là nơi loài chim và các loài có cánh thống trị, bạn có dám tin sẽ có một ngày mình được vi vu bay lượn trên bầu trời không? Hay nếu ai đó nói với bạn về ước mơ ấy, bạn sẽ nói họ hoang tưởng hay cùng hi vọng với họ?

Nếu bạn không tin, nếu bạn không dám hi vọng, vậy bạn sẽ chẳng bao giờ biết đến anh em nhà Wright và chứng nhận lịch sử cho chuyến bay đầu tiên để chinh phục bầu trời trên đồi Kill Devil vào ngày 17 tháng 12 năm 1903. Và một trăm năm sau, bạn đã thấy máy bay phát triển thế nào rồi đấy.

Ước mơ điều không tưởng không phải để huyễn hoặc bản thân vào những thứ viển vông, dám ước mơ là dám thực hiện để biến ước mơ đó thành sự thực. Nếu ngay từ đầu bạn không nghĩ đến thì sẽ chẳng có kì tích nào được thiết lập. Ước mơ đối với người kinh doanh chính là lý tưởng sống và làm việc, không đơn thuần chỉ là kiếm tiền. Ước mơ là tiền đề cho mọi sự thành công sau này của bạn.

2. Luôn kỉ luật

Bạn nghĩ sao nếu một người rời giường lúc 10h sáng, luôn trễ deadline và làm việc cẩu thả vẫn có thể khỏi nghiệp thành công? Có lẽ có, với cái “tiểu thành công” cho chính sự buông thả bản thân của họ mà thôi, còn muốn vươn tới “đại thành công” thì chắc chắn còn xa lắm.

Tập cho mình thói quen kỉ luật với mọi việc từ nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày đến công việc là một trong những phẩm chất không thể thiếu nếu bạn muốn bản thân phát triển hơn và sự nhiệp nở rộ hơn. Có kỉ luật bạn sẽ biết cách lập kế hoạch, quản lý để thực hiện đúng kế hoạch đó. Biết quản lý chính mình bạn mới có thể quản lý được người khác.

3. Kiên trì để khởi nghiệp thành công

Tôi dám chắc rằng những người thành công trên thế giới hay thậm chí xung quanh bạn là những người không bao giờ phản bội giấc mơ của mình. Họ là những người dám mơ và dám tìm mọi cách để hiện thực hóa giấc mơ ấy dù có thất bại bao nhiêu lần đi nữa.

Con số 6 lần thất bại của thương hiệu nước ngọt nổi tiếng 7up trước khi thành công như hiện nay đã đủ thuyết phục bạn chưa? Thế còn hơn 1000 lần bị từ chối của Colonel Sanders khi chào bán công thức gà rán trước khi cho ra đời chuỗi cửa hàng KFC lừng danh? Gấp mười lần số đó thì sao, 10.000 lần thử nghiệm thất bại của Thomas Edison để cho ra đời bóng đèn sợi tóc?

Chẳng ai làm một lần liền đạt được kết quả như ý, và bạn đừng cho rằng khởi nghiệp cũng đơn giản như hít thở. Có thể bạn sẽ vấp ngã, có thể bạn sẽ phạm sai lầm, có thể bạn sẽ phá sản, nhưng trước khi bỏ cuộc hãy nghĩ đến ước mơ của mình, nó vẫn còn dở dang, vẫn chờ đợi bạn tìm đến hoàn thiện nó.

4. 100% nỗ lực

Này anh bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp, đừng nghĩ đến việc giữ lại cho mình một chút sức lực để làm thứ thừa thãi khác. Đã xác định con đường của mình thì hãy khởi động bằng 100% cố gắng để chạy tới đích. Chớ chiều chuộng bản thân bằng việc ngủ thêm chút nữa hay ăn nhiều thêm một chiếc bánh, thời gian là vàng bạc cho bạn lúc này. Làm nhiều, nhiều hơn nữa để sớm đưa mọi thứ vào quỹ đạo, sự thành công sau này chính là những tháng ngày tận hưởng cho bạn.

100% nỗ lực cho khởi nghiệp. 100% nỗ lực cho phát triển!

5. Biết vì người khác

Thế này nhé, bạn làm kinh doanh và chỉ muốn kiếm tiền cho mình, bạn bất cần biết người khác cảm thấy thế nào, họ mệt mỏi, họ chán chường hay họ khó chịu vì cách quản lý bóc lột của bạn. Ừ thì túi bạn sẽ rủng rỉnh tiền, nhưng cũng ừ thì chẳng ai muốn làm việc với bạn lần sau nữa. Bạn sẽ có tiền, một lần và duy nhất.

Biết vì người khác là cùng chia sẻ mục đích với họ, cùng họ làm việc và hưởng cùng thành quả hay chịu chung thất bại. Biết vì người khác là biết quan tâm, thăm hỏi những người đang cùng mình chèo lái con thuyền trên dòng sông thành công, để họ cảm thấy tất cả mọi người trên chiếc thuyền ấy là một thể thống nhất, để họ cùng ta cố gắng mạnh tay hơn chút nữa, kiên trì hơn chút nữa.

Đừng ích kỉ với những người đã hi sinh vì bạn, anh chàng doanh nhân thành đạt tương lại ạ!


Chia sẻ bài viết này