10 điểm lưu ý khi mở một cửa hàng bán lẻ (P1)

Chúng tôi đã giới thiệu rất nhiều bài viết kinh nghiệm mở cửa hàng kinh doanh các sản phẩm bán lẻ trước đây, trong đó luôn nhấn mạnh một yếu tố đặc biệt quan trọng, đó là mặt bằng. Không giống như kinh doanh online, kinh doanh truyền thống muốn phát triển được thì phải có một cửa hàng đủ rộng rãi, vị trí thuận lợi, trang thiết bị đầy đủ để bày biện sản phẩm và có chỗ cho khách hàng lui tới lựa chọn. Vì vậy mà để mở cửa hàng bán lẻ không hề đơn giản, trong bài viết này chúng tôi sẽ lưu ý các bạn 10 điểm không thể quên nếu muốn cửa hàng của mình hoàn hảo nhất.

1. Vị trí

Vị trí “đắc địa” nhất khi mở cửa hàng là mặt đường lớn

Khi nhắc tới việc mở cửa hàng bán lẻ, điều đầu tiên mà nhiều người thường nghĩ đến là có chọn được vị trí mặt đường, mặt ngõ lớn hay không? Những vị trí này thường có lưu lượng người qua lại lớn, thuận tiện cho việc quảng bá sản phẩm, dễ dàng thu hút khách hàng ghé qua. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý đến đặc điểm dân cư của khu vực xung quanh, vì dù nhiều người qua lại nhưng không phải đối tượng khách hàng mục tiêu mà bạn hướng đến thì cũng vô nghĩa. Tốt nhất là hãy khảo sát thị trường trước khi quyết định mở cửa hàng để đảm bảo mình đi đúng hướng.

2. Bảng hiệu

Từ bên ngoài nhìn thoáng qua rất khó nhận biết bên trong cửa hàng của bạn đang bán gì, chưa kể trên một khu phố thường có rất nhiều cửa hàng bán lẻ khác nhau, để khách hàng chú ý đến mình bạn buộc phải bày ra một dấu hiệu nhận biết đặc trưng nào đó. Lúc này sự tồn tại của bảng hiệu là cực kì cần thiết.

Bảng hiệu là phương thức quảng cáo đơn giản, trực tiếp nhất, nơi bạn ghi mọi thông tin liên quan đến cửa hàng và sản phẩm, cũng là nơi thể hiện phong cách thương hiệu riêng. Để gây ấn tượng với khách hàng ngay từ cái nhìn đầu tiên bạn nên trang trí bảng hiệu thật bắt mắt với những hình ảnh, câu khẩu hiệu độc đáo, thú vị.

3. Xây dựng bãi đỗ xe khi mở cửa hàng bán lẻ

Các cửa hàng bán lẻ nên bố trí nơi đỗ xe rộng rãi cho khách hàng

Lợi thế của các cửa hàng ở mặt đường có lẽ không phải bàn cãi nhiều nữa, nhưng điểm bất lợi là bị hạn chế rất nhiều về không gian bên ngoài quán, phục vụ nhu cầu gửi, đỗ xe cho khách. Lúc mới mở cửa hàng nhiều người thường không nhận thấy vấn đề này, chỉ sau khi hoạt động một thời gian, lượng khách thường xuyên tăng dần mới phát hiện ra, chỉ là lúc này mọi chuyện đã rồi, không thể thay đổi nên đành chiếm dụng vẻ hè “bất đắc dĩ”. Thế nên khi xây dựng hoặc thuê mặt bằng bạn cần tính toán để chừa một khoảng mặt tiền nhất định cho khách đỗ xe, nếu không thể thì nên chuẩn bị thuê bãi đậu xe cách đó không xa, tránh ảnh hưởng tới người tham gia giao thông và người dân xung quanh.

4. Các cửa hàng xung quanh

Khi khảo sát thị trường để mở cửa hàng, ngoài chú ý đến đặc điểm dân cư bạn cũng cần lập danh sách những cửa hàng xung quanh, ít nhất là trong khu phố của mình. Thứ nhất là để tìm hiểu bạn có bao nhiêu đối thủ cùng kinh doanh một mặt hàng, đánh giá tiềm năng của họ để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh sau này. Thứ hai là để tránh gặp phải trường hợp “xung đột kinh doanh”, ví dụ như mở cửa hàng đồ cưới ngay cạnh nơi chuyên bán đồ cúng viếng thật sự không thích hợp chút nào. Cuối cùng, một khu phố có bao nhiêu cửa hàng trên tổng số hộ dân sẽ cho bạn biết mức độ tiềm năng của thị trường đó.

5. Đảm bảo an toàn

Bạn nghĩ sao nếu một cửa hàng được xây dựng gần gốc cây cổ thụ đã nghiêng ngả và thường xuyên bị gãy cành mỗi khi mưa lớn? Hoặc là mở cửa hàng ngay dưới cột điện? Vấn đề an toàn của cửa hàng cũng rất quan trọng, bạn cần xem xét “phong thuỷ” xem có hợp không, nếu xung quanh đó có những yếu tố gây nguy hiểm trong quá trình kinh doanh hay cho khách hàng thì nhất định không được lựa chọn hoặc phải đưa ra biện pháp khắc phục triệt để.

(Còn tiếp…)

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

10 điểm lưu ý khi mở một cửa hàng bán lẻ (P2)

Kinh doanh đồ chơi trẻ em và những điều cần biết

5 bước mở cửa hàng kinh doanh thời trang trẻ em


Chia sẻ bài viết này