Ông chủ Bánh Ngon chia sẻ các bước mở shop đồ làm bánh

2 con người – 2 chuyên môn riêng biệt nhưng cùng chí hướng, anh Thạch và chị Hương kết hợp cùng nhau tạo nên thương hiệu đồ làm bánh ngon với domain www.dolambanh.com.vn. Mỗi người tận dụng tập trung thế mạnh riêng của mình để phát triển thương hiệu này. Chị Lan Hương, một cô gái yêu thích nấu ăn đặc biệt là say sưa việc làm các loại bánh handmade sẽ phụ trách nguồn hàng, công tác bán hàng, tư vấn cho khách hàng. Anh Thạch, 1 chuyên viên kinh doanh của 1 công ty truyền thông lớn đảm nhận vai trò PR, Marketing.

Ông chủ Bánh Ngon chia sẻ các bước mở shop đồ làm bánh

Qua buổi trò chuyện thú vị với Kinh Doanh Việt, anh Thạch mong muốn chia sẻ chút kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ muốn học hỏi hoặc dự định mở shop bán nguyên liệu và đồ làm bánh như anh.

1. Nghiên cứu thị trường

Khi nghiên cứu thị trường, các bạn nên tập trung vào các yếu tố sau:

– Thị trường tiêu thụ dụng cụ làm bánh như thế nào? Hay nói cách khác là nhu cầu của khách hàng ra sao? Bạn có thể nghiên cứu về tần suất làm bánh của các chị em bằng các bảng khảo sát thực tế.

Anh Thạch áp dụng khảo sát cho những người thân quen và nhận được phản hồi tần suất làm bánh trung bình khoảng 1-2 lần/tuần. Và anh thấy được đối với những người thích làm bánh thường không mấy đắn đo về chi phí dành cho những nguyên liệu hay đồ làm bánh chất lượng. Từ đó, anh cho rằng mặt hàng này khá tiềm năng, ít nhất là trong khoảng thời gian anh bắt đầu làm. Trong tương lai, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, xu hướng thỏa niềm đam mê và thể hiện tình yêu thương từ việc làm bánh cũng sẽ ngày càng được quan tâm hơn.

– Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh:

Đầu tiên, bạn nên lọc danh sách khoảng 10 đối thủ lớn có sức ảnh hưởng nhất đến mình và tìm hiểu về:

+ Quy mô: Khảo sát thực tế tại cửa hàng hoặc website của đối thủ.

+ Truyền thông: Nghiên cứu họ làm những kênh gì và làm như thế nào, có thể dựa vào những công cụ theo dõi đối thủ.

+ Nguồn hàng: Tìm hiểu trên Google hoặc xem nhãn mác dán trên sản phẩm của đối thủ.

+ Cách họ bán hàng: Làm khách hàng của đối thủ để nghiên cứu về cách tư vấn, bán hàng của họ như thế nào. Anh Thạch nhận thấy rằng hầu hết các đối thủ của mình chỉ chú trọng để bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt mà ít quan tâm đến việc họ cần gì, làm gì. Việc khảo sát cách đối thủ bán hàng sẽ giúp bạn học hỏi những kinh nghiệm hay đồng thời thay đổi những điều họ làm chưa tốt để tạo ra những điểm khác biệt cho shop của mình.

2. Lập kế hoạch kinh doanh

Trong kế hoạch kinh doanh cần thiết phải dự trù một cách chi tiết về nhập hàng, địa điểm, tài chính, nhân sự, marketing… Những dự trù này phải có cả bước ngắn và bước dài, từ 6 tháng cho đến 1 năm và kế hoạch dài hơi hơn nữa.

Mục tiêu doanh số là thứ chi phối các yếu tố khác. Tuy nhiên, cũng không nên đưa ra doanh số quá cao cho thời gian đầu kinh doanh mà phải hợp lý với tiềm năng của thị trường cũng như sức lực của mình.

vnmaster.net– Công ty thiết kế web bán hàng tốt hỗ trợ đặt tên miền. Truy cập ngay để tham khảo bảng giá website bán hàng

3. Lựa chọn nguồn hàng dụng cụ và nguyên liệu làm bánh

Ông chủ Bánh Ngon chia sẻ các bước mở shop đồ làm bánh

Từ những nghiên cứu riêng hoặc từ đối thủ, bạn cũng sẽ có những thông tin khá cơ bản về nguồn hàng. Việc còn lại chỉ là liên hệ với họ để có mức giá tốt nhất. Với những mặt hàng dụng cụ không có date sử dụng, bạn có thể nhập ở 1 mức nào đó hợp lý với tình hình tài chính và có mức chiết khấu cao nhất. Còn riêng  đối với mặt hàng nguyên liệu làm bánh, hạn sử dụng thường sẽ là 6 tháng đến 1 năm, bạn chỉ nên nhập với số lượng vừa phải để nghe ngóng mức tiêu thụ, tránh hàng tồn lâu dễ bị quá hạn.

Đồng thời trong thời gian đầu, việc cần thiết là phải không ngừng tự kiểm định chất lượng hoặc thu thập ý kiến của khách hàng để lựa chọn nguồn hàng đồ làm bánh tốt nhất, đặc biệt là các loại nguyên liệu làm bánh, không những giá tốt mà phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bởi vậy, anh Thạch cũng cho hay, khó khăn lớn nhất khi mới mở shop đó là nguồn hàng không ổn định. Sau nhiều lần khảo sát thị hiếu khách hàng và chắt lọc nguồn hàng, hiện tại Shop Bánh ngon chủ yếu nhập hàng made in Việt Nam và các nước Đức, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc. Anh hạn chế những nguyên liệu Trung Quốc bởi người tiêu dùng hiện nay thường bị “dị ứng” mỗi khi nhìn thấy mác madein China.

Về định giá sản phẩm, anh Thạch khảo sát cả bên đối thủ và đưa ra một mức giá hợp lý nhất với mặt bằng chung và cân bằng lợi nhuận cho shop của mình. Một  nguyên tắc trong khi bắt đầu kinh doanh mà anh khuyên các bạn đó là không nên bán phá giá, ngay cả khi rất muốn câu kéo khách. Hãy xác định mình sẽ phải tạo ra những giá trị tốt hơn cho khách hàng thay vì việc bán phá giá rồi rất khó để tồn tại lâu dài.

4. Tạo website bán hàng

Một thuận lợi cho Shop Bánh Ngon đó là có tên miền đúng với từ khóa người dùng thường xuyên tìm kiếm khi có nhu cầu. Điều này tiện lợi cho SEO và giúp shop có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng mỗi khi họ search trên Google, đồng thời cũng làm cho họ tin tưởng hơn với thương hiệu của mình.

Ông chủ Bánh Ngon chia sẻ các bước mở shop đồ làm bánh, website được thiết kế bởi Kinh Doanh Việt

Về mặt giao diện, màu sắc của website cũng giống như trang trí cửa hàng, cần phải nhẹ nhàng, thu hút và tạo cho khách nhiều trải nghiệm thú vị, hình ảnh chất lượng, thông tin mô tả sản phẩm rõ ràng.

Trên website, bên cạnh rao bán sản phẩm, bạn cần trở thành chuyên gia tư vấn để chia sẻ xu hướng và hướng dẫn cách làm các loại bánh, giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. Ngoài website chính, nếu có điều kiện hơn, các bạn nên tạo thêm các site vệ tinh chuyên về dụng cụ, chuyên nguyên liệu hoặc chuyên chia sẻ kinh nghiệm…Tất cả cũng sẽ hướng tới mục đích để khách hàng biết đến mình và để mình phục vụ khách hàng nhiều hơn.

5. Tìm kiếm khách hàng tiềm năng

Với sản phẩm là đồ làm bánh, ban đầu anh Thạch chú trọng đến các cá nhân yêu thích làm bánh và sau đó sẽ là các quán ăn, quán cà phê… Đối thủ của anh chủ yếu hướng tới đối tượng phụ nữ đã có gia đình ở khu vực các thành phố lớn. Theo khảo sát của mình, anh Thạch thấy được lứa tuổi học sinh, sinh viên có nhu cầu làm bánh khá lớn nên anh đi theo hướng tập trung vào đối tượng này. Đồng thời, thị trường ở các tỉnh lẻ cũng bị bỏ ngỏ nhiều nên anh đẩy mạnh truyền thông để tiếp cận thị trường ngách này một cách hiệu quả nhất. “Thay vì bon chen vào chiếc bánh nhỏ bé, chật chội, các bạn đang có ý định kinh doanh cần tìm ra cho mình một thị trường ngách tiềm năng để hạn chế việc phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ lớn” – anh Thạch chia sẻ.

6. Phục vụ khách hàng chu đáo

Có nhiều cách thức để thu hút khách hàng biết và đến với bạn nhưng giữ họ lại được hay không mới là quan trọng. Anh Thạch chia sẻ rằng không chỉ riêng shop đồ làm bánh mới cần thiết mà tất cả các ngành nghề khác cũng vậy, các bạn cần chú trọng xây dựng hình ảnh của mình trong tất cả các khâu phục vụ khách từ trước bán hàng (chào hàng), trong bán hàng (tư vấn) và sau bán hàng (đổi-trả, trả lời thắc mắc).

Đây chính là điều mà anh Thạch muốn tạo ra điểm khác biệt so với các đối thủ và theo anh, chất lượng phục vụ mới là yếu tố quan trọng để khách hàng ở lại với mình. Ngay từ khi bắt đầu, Shop Bánh ngon đều chú tâm vào việc đào tạo nhân viên bán hàng từ kiến thức cho tới cung cách phục vụ, chính chị Lan Hương cũng đầu tư thời gian và kinh phí đi học 1 khóa học làm bánh của 1 thầy người Singapore, “tuy đắt nhưng rất xứng đáng”. Nhân viên chủa shop không chỉ biết bán hàng mà còn phải biết tư vấn, hướng dẫn cách làm bánh ngon cho khách và biết tiết kiệm cho họ nữa. Ví dụ như khách hàng muốn mua 2 bộ dụng cụ làm 2 loại bánh khác nhau nhưng nếu có thể kết hợp được, nhân viên của Bánh Ngon vẫn sẽ tư vấn cho khách mua 1 bộ sau đó tận dụng để tiết kiệm chi phí. Chính vì luôn nghĩ tới lợi ích cho khách hàng, những người đã từng mua đồ tại Shop Bánh ngon luôn quay lại mỗi khi họ có nhu cầu, thậm chí còn giới thiệu bạn bè, người thân cho shop. Đối với các bạn trẻ muốn mở shop chưa có đủ trí và lực để cạnh tranh với các cửa hàng lớn thì hãy “tập trung trí và lực cho khâu phục vụ khách hàng này. Khách hàng sẽ luôn mỉm cười và trung thành với bạn khi bạn làm cho họ hài lòng”.

Trong tương lai, để đáp ứng ngày càng tốt hơn thị hiếu của khách hàng, Shop Bánh Ngon sẽ mở rộng thêm quy mô về mặt bằng, sản phẩm đồng thời mở lớp đào tạo làm bánh và tổ chức các buổi offline để những người yêu thích làm bánh có cơ hội giao lưu, học hỏi.

 Phỏng vấn độc quyền bởi Kinh Doanh Việt


Chia sẻ bài viết này