Kinh doanh tháng cô hồn: Kẻ khóc – Người cười

Hôm nay là mùng 1 tháng 7 âm lịch, theo truyền thuyết Trung Quốc là ngày trước khi Diêm Vương cho mở Quỷ môn quan để quỷ đói được trở lại nhân gian đến ngày rằm mới quay về. Tại Việt Nam, tháng 7 âm lịch còn được gọi là tháng cô hồn, người dân có tục lệ cúng vong để xua tà đuổi ma, trong khoảng thời gian này phải kiêng kị rất nhiều điều, đặc biệt là giới kinh doanh vốn rất tin vào thời vận. Cũng vì tâm lý “có kiêng có lành” ấy mà không ít người đã đưa ra hạ sách như tạm ngừng kinh doanh, không nhập hàng, không làm thương vụ lớn,… dẫn đến một tháng thất bát, lao đao với thua lỗ. Thế nhưng, với nhiều kẻ khác tháng cô hồn lại là tháng “ăn nên làm ra” nhất trong năm, thậm chí có nơi làm một tháng cũng đủ ăn nửa năm. Vậy thì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem, kinh doanh tháng cô hồn ai khóc, ai cười!

Tháng cô hồn là tháng mà giới kinh doanh “lo” nhất trong năm

1. Khóc vì mê tín

Giới kinh doanh truyền tai nhau tháng cô hồn thì phải tránh khai trương, tránh động thổ, tránh làm ăn lớn, làm ăn xa,… vì cho rằng tháng này có quỷ quấy phá, bỏ càng nhiều tiền thì càng nhanh thua lỗ. Thế là họ kiêng, kiêng nguyên một tháng, mà với kinh doanh chỉ cần chậm trễ một người cũng phải đối mặt với nguy cơ tứ phía rồi. Như chị H. ở Đống Đa, mặc dù quán café của chị đã hoàn tất mọi thứ từ xây dựng mặt bằng, nhập nguyên liệu đến thuê nhân viên, nhưng vì “chạy” giấy phép kinh doanh không kịp, tận cuối tháng 6 âm mới xong nên chị đành phải gấp rút cúng khai trương, đợi qua tháng 7 mới bắt đầu chính thức buôn bán. Chị than, một tháng cửa hàng để không, nhân viên thì không cho nghỉ được, phải trả 50% lương cho họ, không bán nên cũng không có doanh thu, chị phải cắn răng chịu lỗ.

Chịu thiệt hại nhiều nhất có lẽ là các nhà hàng tổ chức lễ, tiệc, các cửa hàng kinh doanh liên quan đến cưới hỏi, vì ai cũng tránh tổ chức vào tháng cô hồn nên khách hàng gần như không có, lợi nhuận sụt giảm nhanh chóng. Theo ông Chiêm Thành Long, giám đốc các khu du lịch Bình Quới, Văn Thánh và Tân Cảng cho biết, thời điểm này doanh thu bị sụt giảm hơn 1/3 so với các tháng khác, ảnh hưởng khá nhiều tới tình hình chung.

Kinh doanh online vốn tưởng rằng không bị ảnh hưởng do không có mặt bằng, thế nhưng thực tế lại không may mắn như vậy. Một chủ cửa hàng trực tuyến chuyên bán đồ sơ sinh cho mẹ và bé đã phải đăng tin tạm ngừng kinh doanh trên trang Fanpage Facebook của mình, vì “có mở cửa bán liên tục cũng không ăn thua, hàng bán rất chậm”.

Kinh doanh online cũng bị ảnh hưởng bởi tháng cô hồn

Một quan niệm tưởng như đã quá cũ kĩ và tràn ngập sắc thái mê tín, thế nhưng sức ảnh hưởng của nó vẫn rất to lớn với giới kinh doanh. Tuy vậy, nhiều người lại nhờ vào thời điểm được coi là “xui xẻo” này để kiếm về một khoản không nhỏ.

2. Cười cũng vì mê tín

Nói đến các mặt hàng đắt khách nhất trong tháng cô hồn thì không thể quên hương hoa, vàng mã. Không kể giới kinh doanh mà rất nhiều người dân vì lo sợ gặp phải vận xui, bị “quỷ hành” nên phải mời thầy cúng về, mua đủ tiền mã, nhà lầu xe hơi bằng giấy,… để đốt tiễn vong. Chẳng thế mà các chủ cửa hàng bán đồ vàng mã vẫn cười tươi mặc những người khác rầu rĩ không thôi. Thậm chí có cửa hàng còn bán được vài chục triệu một ngày cũng không lạ.

Tiếp đến có lẽ là các loại hoa quả, bánh trái thường được dùng để cúng bái, vào thời điểm này đều nâng giá lên ít nhất 20% vì lý do… cháy hàng. Các cửa hàng đồ chay cũng ăn nên làm ra vì tháng này người ta quan niệm không nên sát sinh nhiều dễ gây oán nghiệp, bị quỷ ám, doanh số thu về tăng từ 30 – 50%.

3. Cười hay khóc cũng vẫn phải bước đi

Không thể phủ nhận tháng cô hồn ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh, dù gây bất lợi cho ai hay tạo điều kiện tốt cho ai đi nữa. Nhưng cũng chỉ trong một tháng ấy thôi, việc kinh doanh thì vẫn phải tiếp diễn, muốn tồn tại và phát triển thì các chủ cửa hàng buộc phải nghĩ ra biện pháp khắc phục.

Như với các studio chuyên chụp ảnh cưới, tận dụng khoảng thời gian ít khách nội địa này họ sẽ thực hiện những bộ ảnh cho các cặp đôi muốn chụp bên nước ngoài. Còn với những nhà hàng tổ chức lễ tiệc thì thời gian tháng 7 để đi “săn” đơn hàng, nhận order sang tháng 8 mới thực hiện. Một số siêu thị, cửa hàng bán lẻ lại tổ chức khuyến mãi, giảm giá lớn nhắm thu hút khách hàng. Nhiều nơi khác thì tận dụng thời gian ế ẩm như ngày nông nhàn, thu xếp công việc đi nghỉ ngơi du lịch hoặc về quê thăm người thân.

Như vậy, kinh doanh tháng cô hồn không hẳn là chấp nhận thua lỗ, bạn hoàn toàn có thể tìm ra những giải pháp để khắc phục và tận dụng lợi thế của nó.

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Kinh doanh thành công: Bạn có đang giữ 7 “thói quen giàu”

10 điểm lưu ý khi mở một cửa hàng bán lẻ (P2)

10 điểm lưu ý khi mở một cửa hàng bán lẻ (P1)


Chia sẻ bài viết này