Cách thiết lập một cửa hàng quần áo “đẹp” toàn diện từ đầu đến chân

Đó là lý do vì sao mà bên cạnh việc mở gian hàng ảo trên internet, việc khởi nghiệp với 1 cửa hàng kinh doanh quần áo truyền thống vẫn là sự lựa chọn của rất nhiều người khi quyết định khởi nghiệp kinh doanh. Nhưng, làm thế nào để  thiết kế cửa hàng quần áo “đẹp” toàn diện từ đầu đến chân? Sau đây là những gợi ý được chắt lọc từ Blog Kinh Doanh Việt, hy vọng sẽ mang đến cho độc giải những tài liệu hữu ích và “mì ăn liền” luôn nhé.

Kinh doanh quần áo hiện nay đang là một lĩnh vực thu hút được sự tham gia của đông đảo những ai muốn khởi nghiệp với tư tưởng “phi thương bất phú”. Mặc dù việc bán hàng online thông qua website đang dần chiếm xu thế khi Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng các cửa hàng kinh doanh quần áo truyền thống vẫn luôn có “đất sống” cho riêng mình. Người tiêu dùng vẫn có sở thích dành thời gian cho việc mua sắm để có thể nhìn ngắm trực tiếp và thử tới thử lui thỏa sức, đặc biệt là thích cùng gia đình, bạn bè của mình vừa chọn đồ, vừa dạo chơi quanh các khu phố, các cửa hàng quần áo bắt mắt. Vì vậy thiết kế shop quần áo làm sao cho thật thu hút.

Cách thiết lập một cửa hàng quần áo “đẹp” toàn diện từ đầu đến chân

Lựa chọn địa điểm mở cửa hàng

Kinh doanh không chỉ là vấn đề của việc xác định thị trường mục tiêu, vấn đề của vốn và nguồn hàng,… Trong khi tất cả những điều đó là cần thiết thì việc lựa chọn một địa điểm phù hợp để mở shop quần áo cũng đóng vai trò quan trọng không thể phủ nhận. Nói thật là có rất ít người đi đến một khu phố bán đèn nội thất để tìm một cửa hàng quần áo, cũng chẳng có ai rời xa trung tâm và đi về các khu phố ngoại thành hẻo lánh, ít cư dân để tìm mua quần áo cả. Chắc hẳn rằng bất cứ ai cũng đều hiểu được điều đó, vậy nên khi lựa chọn địa điểm để mở cửa hàng, bạn nên cân nhắc một số yếu tố sau:

Địa điểm có phải ở khu vực đông dân cư với đối tượng khách hàng phù hợp hay không, bởi lẽ bạn không thể mở cửa hàng ở khu dân cư lao động bình thường để bán các mặt hàng quần áo (nam, nữ, trẻ em) hạng sang, đắt tiền. Chẳng hạn như bạn có thể mở một cửa hàng khu Chùa Láng, Trần Đại Nghĩa, Dương Quảng Hàm,…, nơi tập trung rất nhiều các trường đại học để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh quần áo hạng trung cho sinh viên.

Lựa chọn địa điểm để “buôn có bạn, bán có phường”: Khi đi sắm quần áo, đặc biệt là khi không biết đi đâu, người mua thường có xu hướng tìm đến các dãy phố “chuyên” về mặt hàng này, chẳng hạn như đường Cầu Giấy, Chùa Bộc, Đội Cấn, Kim Mã,… Tuy nhiên thì mặt bằng thuê ở các khu phố này là rất đắt đỏ, nếu không có điều kiện vốn ban đầu và chưa đảm bảo về hiệu quả kinh doanh thì bạn cũng có thể tìm thuê cửa hàng ở những đường nhỏ hơn, ít “nổi tiếng” hơn nhưng đảm bảo yếu tố là nằm gần các cửa hàng kinh doanh quần áo khác để tạo nên “hiệu ứng” và định vị trong tâm trí khách hàng tiềm năng.

Cân nhắc địa điểm thuê cửa hàng với nguồn vốn sẵn có của bạn. Mặc dù ai cũng muốn cửa hàng của mình ở mặt phố to để nhiều người có thể dễ dàng nhìn thấy, nhưng tiền thuê lại là một vấn đề đau đầu cần phải cân nhắc. Hơn nữa, không phải cứ ở phố thì bạn mới làm ăn phát đạt đâu nhé, còn rất nhiều vấn đề khác tác động, quyết định đến sự thành công hay thất bại của một cửa hàng thời trang nữa đấy.

Tính toán nhu cầu để xe: Nhiều người thường không bận tâm đến vấn đề này khi lựa chọn địa điểm, nhưng thực tế thì việc đường đi có dễ hay không, chỗ để xe có rộng rãi, thoải mái và tiện lợi hay không lại quyết định rất lớn đến việc khách hàng có tìm đến và rẽ vào cửa hàng quần áo của bạn hay không.

Tốt nhất là bạn nên thuê một mặt bằng nho nhỏ nhưng nằm trong ngõ lớn, nơi có nhiều người qua lại và có chỗ cho khách để xe, nếu như bắt đầu với một nguồn vốn không lớn. Bạn cũng có thể tìm thuê lại các cửa hàng quần áo đang kinh doanh nhưng tạm dừng và chuyển nhượng, như thế sẽ không mất thời gian và quá nhiều chi phí cho việc trang trí, hay mua sắm nội thất cho cửa hàng.

Ngoài ra, trước khi quyết định chọn thuê một địa điểm nào đó, bạn cũng cần xem xét càng nhiều địa điểm càng tốt, tìm hiểu xem có địa điểm nào rơi vào diện quy hoạch trong tương lai hay không, cân nhắc lợi thế hấp dẫn của địa điểm với chi phí thuê và diện tích của nó có đủ để phát triển ý tưởng cho một cửa hàng quần áo của bạn hay không,… Tất cả cần phải được tính toán thật kỹ lưỡng nhé!

Trang trí cửa hàng kinh doanh như thế nào cho bắt mắt?

Trừ những cửa hàng đã nổi danh ra thì việc một khách hàng tiềm năng quyết định bước chân vào cửa hàng của bạn là do yếu tố hấp dẫn của nó khi nhìn từ bên ngoài vào. Do vậy, việc thiết kế cửa hàng quần áo sao cho bắt mắt ở mọi góc độ đóng một vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh quần áo.

Trên thực tế, việc thiết kế cửa hàng quần áo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là phong cách chủ đạo mà bạn muốn hướng tới, mỗi phong cách sẽ có cách thức trang trí khác nhau, chẳng hạn như phong cách cổ điển theo kiểu vintage, phong cách tươi trẻ dành cho teen hay thậm chí là phong cách đằm thắm, sang trọng,…

Mặc dù vậy, bố cục sắp xếp không gian cửa hàng vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Sau khi cầm bản thiết kế cửa hàng quần áo trong tay theo phong cách phù hợp, bạn nên tập trung phân bố không gian đảm bảo 4 nguyên tắc cơ bản sau:

Trưng bày càng nhiều đồ càng tốt

Hãy thử đặt mình vào vị trí người dùng, liệu bạn có cảm thấy hứng thú và muốn bước chân vào một cửa hàng nghèo nàn với chỉ vài mặt hàng lèo tèo? Chắc chắn là không, bởi tâm lý người mua là khi nhìn thấy càng nhiều sản phẩm, họ sẽ nghĩ rằng mình càng có nhiều lựa chọn đa dạng. Hơn nữa, việc trưng bày nhiều sản phẩm còn giúp kích thích “ham muốn” và làm tăng khả năng mua hàng của khách.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn lôi hết hàng trong kho ra để treo lên giá mà hãy lựa chọn và sắp xếp sao cho trưng bày được càng nhiều mẫu mã đa dạng càng tốt, cho khách hàng thấy rằng bạn có thể đáp ứng được bất cứ sản phẩm nào mà họ cần. Mặt khác, việc sắp xếp các khu vực như giảm giá, phòng thay đồ, gương, tủ đồ,… cũng rất quan trọng, cần phải hài hòa và tiện lợi nhất. Tủ để đồ nên được đặt ngay cửa ra vào, cạnh đó là quầy thu ngân, nếu có điều kiện thì bạn nên đặt phòng thử ở mỗi khu vực quần áo khác nhau để khách hàng đỡ phải đi xa, gương soi nên là gương lớn nhìn được toàn thân, đặc biệt là khu giảm giá hay các mặt hàng tiện ích nên được bố trí ở trong cùng của cửa hàng để người mua có thời gian trải nghiệm toàn bộ các mặt hàng khác trước khi đến đó.

Hiện đại hơn, bạn có thể thiết kế cửa hàng quần áo với một lối đi duy nhất dọc qua tất cả các khu trưng bày, bắt đầu từ quầy thu ngân đến các mặt hàng, đến khu giảm giá, và cuối cùng lại quay trở lại tủ đồ và quầy thu ngân. Mô hình này định hướng trước cho người dùng cách thức trải nghiệm cửa hàng quần áo của bạn và họ sẽ không có cơ hội bỏ lỡ bất cứ điều gì cả.

Trưng bày sản phẩm có lợi nhuận cao ở vị trí dễ nhìn nhất

Dù cửa hàng có rất nhiều sản phẩm nhưng hãy có gắp sắp xếp để người dùng dễ dàng trải nghiệm những sản phẩm “cốt lõi” nhất, đó là những mặt hàng giúp mang lại lợi nhuận cao nhất cho cửa hàng của bạn. Xen lẫn với đó là các sản phẩm quần áo hấp dẫn, thuộc dạng “hot hit” để kích thích sự tò mò, tạo phần sinh động và quan trọng nhất là kích cầu khách hàng.

Bố trí cửa hàng để hạn chế ăn cắp vặt

Bạn có thể lắp camera để quan sát tổng quan hơn, nhưng đi kèm với đó là phải sắp xếp đồ đạc và các khu vực sao cho thông thoáng, dễ quan sát và những kẻ ăn cắp vặt sẽ không có cơ hội “hành nghề”, trừ khi cửa hàng của bạn lắp đặt hệ thống cổng từ chống trộm và tem từ an ninh.

Trưng bày những dòng sản phẩm liên quan ở cạnh nhau

Khi mua một sản phẩm, người dùng thường có nhu cầu mua thêm một số các sản phẩm liên quan khác để sử dụng cùng với nhau. Do đó, việc sắp xếp những mặt hàng liên quan ở cạnh nhau là một nguyên tắc bài trí cửa hàng quan trọng để kích cầu người mua. Chẳng hạn như đặt cà vạt cạnh áo sơ mi, áo sơ mi cạnh quần âu và tất, hay áo phông đặt cạnh quần sooc,…

Những vật dụng không thể thiếu mà bạn cần mua sắm cho cửa hàng của mình

Sau khi đã chọn địa điểm, thuê được không gian và lên bố cục sắp xếp chi tiết các mặt hàng quần áo thì việc tiếp theo bạn cần làm trong quá trình thiết kế cửa hàng quần áo là mua sắp những vật dụng cần thiết. Dưới đây là một số vật dụng không thể thiếu mà bạn cần đầu tư mua trước tiên:

  1. Manocanh

Manocanh được ví như “người mẫu” giúp trưng bày các sản phẩm nổi bật nhất trong cửa hàng để thu hút ngay sự chú ý của người mua. Tùy theo mục đích, sở thích và diện tích mà bạn có thể chọn mua manocanh nhựa, xốp toàn thân hoặc manocanh sắt nửa người để tiết kiệm chi phí. Với giá thành dao động từ 200.000 (với manocanh sắt loại trẻ em) đến khoảng hơn 1.000.000, bạn có thể lên ngã tư phố Hàng Bông giao với Cửa Nam (nếu ở Hà Nội) và phố Võ Thị Sáu đối diện công viên Lê Văn Tám, chợ Tân Bình hay phố Nguyễn Đình Chiểu ở quận 3 (nếu ở tpHCM) để đầu tư vài manocanh về trưng bày trong cửa hàng của mình. Hoặc, để tiết kiệm hơn, bạn nên lên mạng tìm mua thanh lý của các cửa hàng quần áo ngừng kinh doanh, giá sẽ rẻ hơn rất nhiều, chỉ dao động từ 150.000 đến 500.000 tùy loại mà thôi.

  1. Giàn giá và kệ treo quần áo

Bên trong cửa hàng, bạn sẽ cần đến các loại giàn giá và kệ để treo các mặt hàng quần áo, giúp người mua tiện trong việc nhìn ngắm và chạm tận tay. Việc sắp xếp chỗ nào đặt tủ, chỗ nào đặt giàn và kệ treo cũng cần tính toán phù hợp với không gian cửa hàng, sao cho nhìn từ tổng thể thấy sự thông thoáng. Hay việc phân chia khu vực để trưng bày quần, áo, quần sooc, váy, chân váy,… cũng cần đảm bảo tinh tế, tránh cái dài, cái ngắn đặt cạnh ngay tạo nên cảm giác lộn xộn. Để mua loại vật dụng này, bạn nên lên phố Đê La Thành (nếu ở ngoài Hà Nội) với đầy đủ các loại kệ , giá treo bằng gỗ, inox, sắt các loại với mức giá dao động từ 200.000 đến hơn 1 triệu.

  1. Phòng thử đồ

Có thể nói đây là khu vực nhất định không thể thiếu trong bất cứ một cửa hàng quần áo nào, và nó cần được bố trí ở khu vực vừa tiện lợi, vừa tận dụng được không gian và đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Do vậy, nếu cửa hàng của bạn khiêm tốn về diện tích thì nên đặt phòng thử đồ ở các góc để dành không gian chính cho việc trưng bày sản phẩm. Ngoài ra, trong mỗi phòng thử đồ cần được trang bị một chiếc gương dài có thể soi được toàn thân và nhiều móc treo để khách hàng có thể vừa treo đồ của mình, vừa treo sản phẩm trong quá trình thử.

  1. Hệ thống đèn chiếu sáng

Đã bao giờ bạn bị thu hút bởi ánh sáng làm cho các cửa hàng trở nên lung linh hơn chưa? Đó là lý do vì sao cần đầu tư một hệ thống đèn chiếu sáng một cách nghiêm túc. Bạn có thể bố trí đèn tại các khu vực như manocanh, trước gương và tại các khu vực trưng bày sản phẩm. Đồng thời có thể lựa chọn nhiều tông đèn khác nhau để tạo sự lung linh, tươi sáng cho cửa hàng hoặc mang đến không gian ấm cúng, sang trọng.

Để mua các loại đèn về lắp đặt trong cửa hàng, bạn có thể tới rất nhiều nơi ở Hà Nội, chẳng hạn như phố Cát Linh, phố Huế, hay chỗ ngã tư Giải Phóng cắt Trường Chinh cũng có một số cửa hiệu đèn lớn cho bạn thỏa sức chọn lựa nhé.

Tuy nhiên, tốt nhất, để tiết kiệm chi phí thiết kế cửa hàng quần áo thì bạn nên tìm mua hàng thanh lý trên mạng, giá của chúng thường rẻ hơn từ 1/3 đến 2/3 so với giá mua mới lúc đầu, trong khi chất lượng thì vẫn đảm bảo đến 90% đấy. Với những lời khuyên trên đây, chúc bạn có thể nhanh chóng thiết lập được cho mình một cửa hàng kinh doanh quần áo “đẹp” toàn diện từ a đến z luôn nhé.

Tham khảo thêm:

10 lời khuyên phải biết nếu bạn đang có ý định mở cửa hàng quần áo

5 lưu ý bạn nên biết khi thiết kế web kinh doanh quần áo


Chia sẻ bài viết này