Trên đời người ước mơ “việc nhàn lương cao” không vài triệu cũng đến mấy trăm ngàn, nhưng thực tế có bao giờ được vậy, muốn kiếm nhiều tiền thì phải bỏ ra công sức tương ứng. Chẳng thế mà chuyện căng thẳng trong công việc, hay còn gọi “xì-trét” (stress), đã chả có gì lạ, nhất là thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt dẫn đến áp lực công việc rất cao. Thế nhưng mới đây cư dân mạng được dịp xôn xao khi một đoạn video đăng tải trên Reddit ghi lại cảnh nữ nhân viên sau khi bị sếp mắng chửi liền… lao đầu ra cửa sổ tự sát. Theo các nghiên cứu thì đây là triệu chứng của bệnh trầm cảm khi căng thẳng quá độ trong thời gian dài gây nên. Điều này cho thấy căng thẳng trong công việc tưởng nhỏ mà không hề nhỏ, nếu chúng ta không có phương án giải quyết sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Bài viết dưới đây xin chia sẻ một số bí quyết giúp giải tỏa “xì-trét” hiệu quả nhất.
1. Hạn chế uống cà phê
Đối với dân văn phòng hoặc những người cần sự minh mẫn thời gian dài thì cà phê giống như “thằng bạn thân” vậy, chuyện một ngày uống vài ba cốc đã không còn lạ lẫm. Cà phê đúng là có tác dụng giúp cho bản thân tỉnh táo hơn, nhưng thực ra nó có chứa chất kích thích hệ thần kinh, khi bạn sử dụng quá nhiều dễ dẫn đến mất ngủ, cơ thể và đầu óc không được nghỉ ngơi. Hệ quả là bạn luôn trong trạng thái căng thẳng, dễ cáu gắt, kích động, khó kiểm soát, mất tự chủ. Ngoài ra cà phê còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng huyết áp, rối loạn tim mạch,… Nguy hiểm hơn khi cà phê có thể khiến nhiều người “nghiện”, phụ thuộc vào nó, đây quả thực giống như tự mình đang từng ngày bào mòn sức khỏe của mình vậy.
2. Luôn có kế hoạch phòng bị
Đa số người khi được hỏi nguyên nhân dẫn tới căng thẳng đều trả lời là do công việc không suôn sẻ. Lật ngược lại vấn đề, công việc có trục trặc phải chăng vì kế hoạch ban đầu của chúng ta không chặt chẽ, hoặc không lập kế hoạch phòng bị? Một kế hoạch dự phòng sẽ giúp bạn không bị cuống đồng thời dễ dàng tìm ra giải pháp cho vấn đề trước mắt. Nếu tập cho mình thói quen dự trù mọi biến cố có thể bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn, luôn nắm thế chủ động, không bị công việc “dí” theo sau lưng.
3. Làm việc, nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng và thể thao
Nhiều người thường không chú ý lắm đến vấn đề cân bằng giữa công việc với cuộc sống, sinh hoạt cá nhân, khi cán cân quá lệch về công việc dễ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Một ngày có 8 tiếng làm việc, hãy tận dụng cho tốt, sắp xếp có kế hoạch từng việc phải làm để không phải bù giờ, thêm giờ. Thời gian nghỉ ngơi cần phải xen kẽ với lúc làm việc, đừng làm liên tục không cho đầu óc thư giãn. Vấn đề ăn uống, tập thể thao cũng phải cân đối để bạn có sức khỏe tốt nhất phục vụ cho công việc.
4. Hãy nhờ giúp đỡ
Nhiều người thường không thích nhờ người khác giúp đỡ trong công việc, một phần vì sợ bị coi thường, một phần vì muốn cố gắng đến cùng. Mặc dù đây cũng là một phẩm chất tốt, tuy nhiên đối với họ lại dễ gây ra căng thẳng, để lại hệ quả xấu, nhất là khi công việc bế tắc. Bên cạnh đó, một số người bị dồn quá nhiều việc trong cùng khoảng thời gian cũng dễ khiến họ bị ứng chế, dồn nén kéo dài. Trong trường hợp này cách tốt nhất là lên tiếng nhờ giúp đỡ, có thể người khác không làm hộ bạn được nhưng họ sẽ chỉ cho bạn cách giải quyết tốt hơn dưới khía cạnh nhìn nhận mới của họ.
5. Xem lại thành quả, điểm lại mục tiêu
Trầm cảm là một chứng bệnh tâm lý khi người bệnh không còn niềm tin, hi vọng vào bất cứ điều gì xung quanh mình nữa. Điều này dễ xảy đến với những ai đang trong giai đoạn khó khăn, liên tiếp thất bại. Những lúc này hãy xem lại các thành quả đã đạt được ở quá khứ để thấy rằng mình cũng là người có khả năng, hoặc điểm lại mục tiêu để tiếp thêm động lực.
Với 5 bí quyết nho nhỏ này hi vọng bạn sẽ giải tỏa được mọi căng thẳng trong công việc để cảm thấy có thêm hi vọng cố gắng thành công!
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Giảm mệt mỏi khi làm việc ngay lập tức với 7 cách đơn giản
9 bí quyết kinh doanh trên Instagram không thể bỏ qua
Bí quyết kinh doanh hàng xách tay cho người mới