Cũng giống như Judo, binh pháp Tôn Tử là một trong những chiến lược thường được các nhà quản trị marketing vận dụng trong kinh doanh online. Theo Wikipedia: “Binh pháp Tôn Tử là sách chiến lược, chiến thuật do Tôn Vũ soạn thảo vào năm 512TCN đời Xuân Thu, không chỉ đặt nền móng cho binh học truyền thống mà còn sáng tạo nên một hệ thống lý luận quân sự hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại”.
Nhiều công ty lớn hiện nay trên thế giới đã coi Binh pháp Tôn Tử trở thành nền tảng cho mọi chiến lược kinh doanh, trực tiếp sử dụng nó làm giáo trình huấn luyện cho các nhân viên quản lý. Theo thời báo kinh tế thế giới (24 -1-1983), Trung Quốc từng cử một đoàn quản lý doanh nghiệp sang Nhật Bản tham khảo kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, đã được các cán bộ tại đây nói rằng: “Kinh nghiệm quản lý của chúng tôi đều xuất phát từ đất nước Trung Quốc các anh” và sau đó tặng cho phái đoàn Trung Quốc một cuốn sách, đó chính là Binh pháp Tôn Tử.
Binh pháp Tôn Tử
Mười ba chương sách (13 thiên) mặc dù đưa ra những vấn đề liên quan đến chính trị, mối quan hệ giữa chiến tranh với ngoại giao, kinh tế, điều kiện tự nhiên hay tác động của người lãnh đạo đến khả năng chiến thắng của đội quân…. nhưng tất cả đều có thể áp dụng được trong kinh doanh.
Có câu “thương trường như chiến trường”, trong loạt bài viết về “Áp dụng binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh online”, các bạn sẽ được so sánh giữa binh pháp và khả năng vận dụng của nó trong thương trường thương mại điện tử.
Trong binh pháp tôn tử có viết “chiến tranh là đại sự của quốc gia, quan hệ tới việc sống chết của nhân dân, sự mất còn của nhà nước không thể không khảo sát nghiên cứu cho thật kỹ. Cho nên, phải dựa vào năm mặt sau đây mà phân tích, nghiên cứu, so sánh các điều kiện tốt xấu giữa hai bên đối địch, để tìm hiểu tình thế thắng bại trong chiến tranh”.
Xem thêm:
Một là Đạo: Theo Tôn Tử, Đạo là chỉ việc chính trị, đạo nghĩa, phải làm cho nguyện vọng của dân chúng và vua nhất trí với nhau, đồng tâm đồng sức. Có như vậy trong chiến tranh mới có thể bảo nhân dân vì vua mà chết, vì vua mà sống, không sợ nguy hiểm.
Trong kinh doanh online, Đạo ám chỉ đạo đức trong kinh doanh. Người làm kinh doanh hay hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực gì đều phải có đức, không đặt yếu tố về lợi ích, tiền bạc lên trên lương tâm. Khi lập shop kinh doanh trên mạng, dựa trên sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh, các nhà lãnh đạo không được chấp nhận thỏa hiệp và có thái độ không khoan nhượng với tất cả các hành vi đi ngược lại đạo đức công lý. Có như vậy, doanh nghiệp hay cửa hàng mới xây dựng được uy tín và thương hiệu trong cộng đồng online, tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác và cả niềm hãnh diện cho nhân viên tương lai.
Đạo đức trong kinh doanh online
Ngoài ra Đạo trong binh pháp Tôn Tử còn thể hiện mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, ở khả năng tận dụng người hiền tài. Trong công việc, nếu tìm được người có tinh thần làm việc cao, tư chất tốt cần phải được tận dụng để đội ngũ nhân viên vững mạnh. Từ lãnh đạo cho đến nhân viên đều phải đồng lòng, cùng chung mục tiêu đưa doanh nghiệp trở thành đơn vị hàng đầu trong thị trường thương mại điện tử, có như vậy đơn vị mới có thể phát triển. Nếu trên dưới xung đột, cấp trên nói cấp dưới không nghe, làm việc hời hợt đủ chỉ tiêu, chắc chắn sớm muộn, doanh nghiệp cũng bị gạch tên khỏi thương trường trực tuyến. “Thành công quan trọng là sắp đúng người đúng việc, đừng cố gắng dạy người khác hoàn hảo giống mình mà hãy thúc đẩy tiềm năng sẵn có của họ, phát huy tối đa khả năng của một nhân viên“.
Hai là Thiên: Binh pháp tôn tử: “Thiên là thiên thời, nói về ngày đêm, trời râm trời nắng, trời lạnh trời nóng, tức tình trạng về khí hậu thời tiết.”
Đối với kinh doanh trực tuyến, thiên ở đây ám chỉ thời thế, cơ hội, nhận được sự ủng hộ về nhiều mặt như nguồn cung cấp, nhu cầu thị trường, công nghệ. Các yếu tố ngoại cảnh mặc dù không mang tính quyết định nhưng sẽ tạo điều kiện để hoạt động của doanh nghiệp phát triển nhanh và mạnh hơn. Thậm chí nếu biết cách tận dụng, khả năng từ những “con người nhỏ bé”, vươn vai thành “khổng lồ” không có gì là khó khăn.
Ví dụ về câu chuyện của Viber Media (công ty sở hữu ứng dụng chat Viber trên nền tảng OTT), thiên thời của họ bắt nguồn từ năm 2007 bởi phù thủy Steve Jobs. Steve Jobs đã sinh ra Iphone, từ đó CEO Viber Media – Marco Talmon mới có thể nghĩ ra Viber. Iphone tạo nên trào lưu smartphone hỗ trợ các ứng dụng trên điện thoại di động. Nó là nền tảng để hàng loạt ứng dụng công nghệ, trong đó có Viber ra đời.
Ba là Địa: Trong binh pháp tôn tử có nói: “Địa là địa lợi, nói về đường sá xa gần, địa thế hiểm yếu hay bằng phẳng, khu vực tác chiến rộng hẹp, địa hình phải chăng có lợi cho tiến công, phòng thủ, tiến tới, thối lui.”
Vị trí thuận lợi, thương hiệu hiện tại hay những điều kiện thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, nhân công, thị trường chính là “Địa lợi” trong kinh doanh trực tuyến. Trong ví dụ trên, địa lợi của Viber chính là nhu cầu rất lớn của con người lúc bây giờ và sự lạc hậu của công nghệ. Ở những nơi xa xôi, họ chỉ có thể liên lạc với nhau thông qua các nhà mạng viễn thông nhưng phải trả chi phí khá cao. Viber ra đời đã đánh trúng được thị hiếu người dùng đồng thời kết nối con người thông qua mạng lưới Internet bao phủ khắp hành tinh. Họ có thể nhìn thấy nhau, trò chuyện trực tiếp trong khi chi phí thấp hơn rất nhiều so với cách truyền thống.
Bốn là Tướng: Binh pháp tôn tử: “Tướng là tướng soái, nói về tài trí, uy tín, lòng nhân ái, lòng can đảm, sự uy nghiêm của người tướng”
Lãnh đạo là linh hồn của doanh nghiệp để đi đến thành công
Người lãnh đạo là linh hồn của doanh nghiệp. Dù đơn vị có đầy đủ các yếu tố “Thiên thời, địa lợi” nhưng không có “nhân hòa”, con người xuất chúng biết nắm lấy các cơ hội đó thì doanh nghiệp vẫn không thể phát triển. Như ví dụ của Viber, nếu Marco Talmon không nhạy bén thì Viber Media chắc chắn vẫn sẽ chỉ là một doanh nghiệp nhỏ bé nào đó trong hàng triệu doanh nghiệp kinh doanh hiện nay.
Trong kinh doanh online, nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược, hiểu rõ thị trường cũng như đối thủ cạnh tranh. Một người lãnh đạo phải thực sự tài giỏi mới có thể làm cho nhân viên nể trọng, trấn an nhân lực và hướng họ tới mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, vị “Tướng” của doanh nghiệp trong thị trường online cần biết cách tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong quá trình vận hành đơn vị trên thị trường ảo, tìm cách khuyến khích động viên cho bộ máy hoạt động. Một lời động viên, hỏi thăm của lãnh đạo cao nhất khi nhân viên gặp khó khăn, không chỉ trong công việc, có tác động rất lớn đối với mọi người.
Kinh doanh online cũng như việc tung hứng một trái bóng, khi trái bóng lên người lãnh đạo cần biết cách duy trì, giữ nó càng lâu càng tốt. Nhưng khi trái bóng xuống thì phải tỉnh táo, vạch ra con đường mới giải quyết vấn đề bởi chỉ cần một chút lung lay là doanh nghiệp của bạn có thể bị đối thủ đá khỏi cuộc chơi online này.
Năm là Pháp: Pháp là pháp chế, nói về tình trạng tổ chức, biên chế, sự quy định về hiệu lệnh chỉ huy, sự phân chia chức quyền tướng tá, sự cung ứng vật tư cho quân đội và chế độ quản lý.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng có những quy định, quy chế riêng. Mỗi nhân viên đều có quyền và nghĩa vụ, việc tuân thủ đúng quy chế doanh nghiệp góp phần đảm bảo sự thống nhất, thông suốt, đúng tiến độ và hoàn thành mục tiêu. Tạo sự thoải mái trong công việc nhưng nhân viên cần tuân thủ mọi quy tắc. Làm tốt thì thưởng, làm yếu kém bị phạt, thậm chí là cho thôi việc. Chính những quy định đó góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng như sự chuyên nghiệp trong mọi hoạt động.
Năm mặt nói trên, người lãnh đạo không thể không biết trong kinh doanh online. Chỉ khi nào nắm rõ được những yếu tố đó, các doanh nghiệp mới có thể dành thắng lợi trên thị trường kinh doanh trực tuyến.
Có thể bạn quan tâm:
Chiến thuật Judo trong kinh doanh online (kỳ 2)
Chiến thuật Judo trong kinh doanh online (kỳ cuối)