8 Gợi ý nghiên cứu đối thủ cạnh tranh (P1)

Một điều hiển nhiên trong kinh doanh là ngoài đối tác chúng ta còn có những đối thủ trực tiếp hoặc gián tiếp cạnh tranh với mình. Đừng nghĩ tiêu cực về cạnh tranh, nó không phải thứ kéo doanh nghiệp của bạn xuống mà ngược lại còn là động lực để bạn cố gắng tự hoàn thiện và vươn lên. Do vậy, thay vì tránh né hãy mạnh dạn đối mặt với những đối thủ cạnh tranh, cho họ thấy sức mạnh thật sự của doanh nghiệp bạn. Sẽ có chúng tôi đồng hành cùng bạn trong cuộc chiến sống còn ấy bằng một vài gợi ý cách nghiên cứu đối thủ cạnh tranh dưới đây. Bạn có thể tham khảo và áp dụng vào chiến lược của mình sao cho phù hợp với tình hình thực tại.

1. Tìm hiểu trên Internet khi nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Một cách đơn giản và dễ dàng nhất để nắm được những thông tin sơ bộ của đối thủ là tra cứu về họ trên mạng Internet. Internet như một bản sao, thậm chí còn phức tạp hơn cả cuộc sống thực, vì vậy tại đây những gì bạn cần đều có. Hãy thử sử dụng gã khổng lồ tìm kiếm Google, với cánh tay dường như bao trọn mọi ngóc ngách trên thế giới gã sẽ tìm hiểu, điều tra và cho bạn biết những thông tin hữu ích như sản phẩm, quá trình kinh doanh, chiến lược quảng bá,..của đối thủ. Còn nếu không, hãy vào vai một kẻ ngu ngơ để đăng đàn những câu hỏi thảo luận về đối thủ, sẽ có người giúp bạn trả lời và đó là ý kiến trực quan nhất.

Nhưng, tất cả những gì trên Internet chỉ là thông tin sơ bộ, nên nhớ đây là mạng ảo, những đối thủ khôn ngoan sẽ không bao giờ công khai mọi thứ cho bạn thấy, thậm chí có kẻ còn dùng chính Internet để bẻ cong sự thật. Đừng quá tin tưởng vào thông tin trên Internet, nó chỉ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về đối thủ mà thôi.

2. Báo chí nói gì về đối thủ cạnh tranh

Ở đây tôi muốn nhắc đến báo giấy hơn là báo mạng, và là những tờ báo uy tín về kinh doanh. Sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta nói về báo lá cải dễ dàng mua tin, mua bài để tung hô cho doanh nghiệp.

Những bài báo chuyên nghiệp sẽ cho chúng ta một phân tích cụ thể về chiến lược, định hướng, mục tiêu của đối thủ thông qua những gì họ đã và đang làm. Khác với các tin tức chung chung trên mạng Internet, tại đây bạn có thể tìm được những thứ trực quan, đáng tin cậy hơn. Ngoài ra, thông qua báo chí bạn còn đo đếm được danh tiếng, mức độ ảnh hưởng của đối thủ, vì chắc chắn chẳng báo nào muốn đăng tin về một doanh nghiệp vô danh rồi.

3. Tham gia các buổi triển lãm, hội chợ

Nắm được những thông tin cơ bản về đối thủ rồi, tiếp theo bạn có thể tiếp cận gần hơn đến họ thông qua những buổi triển lãm, hội chợ, nơi đối thủ sẽ trưng bày sản phẩm của mình. Bạn cũng có thể đăng ký trưng bày hoặc đơn giản chỉ như một vị khách đến tham khảo. Bạn sẽ được “mục sở thị” những sản phẩm của họ, được nghe họ tự trình bày và thoải mái đánh giá, so sánh với sản phẩm của mình.

Tham gia triển lãm không chỉ đơn giản có vậy, tại đây bạn còn biết được cách đối thủ quảng bá sản phẩm, đánh giá được tiềm năng phát triển của họ, và thông qua lượng người quan tâm cũng sẽ biết họ đang mạnh về mảng nào. Hãy quan sát, quan sát và quan sát nhiều hơn nữa, có thể bạn sẽ vạch ra được chiến lược cạnh tranh ngay tại buổi triển lãm đó.

4. Hỏi ý kiến khách hàng của đối thủ

Đã đánh giá về sản phẩm, nhưng yếu tố quyết định vẫn là khách hàng, dù sản phẩm có tốt đến mấy, đặc biệt đến mấy những không đáp ứng được nhu cầu của họ thì cũng là đồ bỏ. Thế nên thử khảo sát ý kiến khách hàng đối thủ cũng là cách để bạn đánh giá khả năng thành công của họ.

Việc làm này không phải điều gì xấu nhưng cũng không nên quá rầm rộ, dễ gây lên tác dụng ngược. Bạn chỉ cần phỏng vấn trực tiếp một lượng khách hàng nhất định, hỏi họ về lý do họ quyết định chọn sản phẩm của đối thủ, thăm dò mức độ thỏa mãn của họ và những gì họ không hài lòng. Nhớ nhé, bạn chỉ nên dừng lại ở việc khảo sát, đừng lấn quá sâu vào việc đánh giá đối thủ, vô tình bạn sẽ làm một động thái cạnh tranh xấu khi nói xấu về họ đấy.

Khách hàng của đối thủ cũng chính là tập khách hàng của bạn, biết được họ cần gì, muốn gì sẽ giúp bạn lên chiến lược phát triển sản phẩm tốt hơn.

(còn tiếp…)

8 Gợi ý nghiên cứu đối thủ cạnh tranh (P2)

Những điều cần biết khi đăng ký kinh doanh

Quản lý cửa hàng văn phòng phẩm

Tùng MKT


Chia sẻ bài viết này