Nhìn lại TMĐT Việt Nam 2015 có gì vui? (Phần 1)

Không nhiều thông tin đầu tư nổi bật, thế nhưng từ cuối năm 2014 cho đến nay, lĩnh vực thương mại điện tử có nhiều bước biến chuyển tích cực cũng như có nhiều cơn sóng ngầm đang chờ đợi thời gian thích hợp để vươn mình.

Sau đây là những ghi nhận từ những gì mình quan sát được trong suốt thời gian qua.

1. Về thanh toán trực tuyến

Sau thương vụ sáp nhập giữa BanknetvnSmartlink, người dùng ngày càng được lợi trong việc chuyển khoản thanh toán liên ngân hàng. Từ bây giờ, không cần chờ đợi quá lâu để gửi từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, chỉ trong vòng tích tắc, người dùng đã có thể chuyển tiền liên ngân hàng với mức phí hấp dẫn: ~ 10.000đ/giao dịch.

MobiVi đang chuyển dịch dần mô hình từ ví điện tử sang mô hình kinh doanh khác. MobiVi hiện nay được biết đến nhiều hơn với chương trình phúc lợi cho người lao động (iCare Benefits). Còn nhớ năm nào, MobiVi là một trong ví điện tử thường được nhắc đến cùng với các tên tuổi đình đám một thời như VNPay, Payoo,…

VNPay (theo tin đồn) là đã được Garena Singapore mua lại phần lớn/đầu tư cổ phần. Wow!!!

Cuối cùng, sau một thời gian dài chờ đợi thì Ngân hàng Nhà Nước chính thức cấp giấy phép dịch vụ ví điện tử. M – Service là một trong các doanh nghiệp đầu tiên được nhận giấy phép chính thức này từ khi Thông tư số 39/2014/TT-NHNN (ngày 11/12/2014) của NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán có hiệu lực. M – Service là công ty chủ quản ứng dụng thanh toán trên di động – ví điện tử Momo.vn.

WebMoney nối gót Momo là một trong những công ty được cấp giấy phép hoạt động chính thức sau thời gian dài thử nghiệm. Hứa hẹn WebMoney sẽ bùng nổ vào năm sau, chờ đấy!

Cổng thanh toán 123Pay.vn trực thuộc Công ty Cổ phần VNG đã có những hoạt động chào sân nặng ký. Chương trình thanh toán bằng Mastercard qua cổng 123Pay được giảm từ 20% – 50% tuỳ vào website đang được triển khai rộng khắp, điển hình là các website bán hàng đang được ưa chuộng hiện nay như CungMua.com – Yes24.vn. Như vậy, bên cạnh OnePay – Banknetvn/Smartlink, giờ đây khách hàng có thêm sự lựa chọn thanh toán với 123Pay. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy VNG sẽ lại quay trở lại với thương mại điện tử chăng?

2. Về mua bán trực tuyến (B2C – B2B2C)

Sau bao nhiêu tháng ngày chờ đợi, cuối cùng Sendo.vn cũng có ứng dụng mua bán trên di động mang đến tiện ích cho người dùng. Tuy vậy, Sendo.vn trong năm nay cũng chưa có điểm nổi bật nào đáng lưu ý.

Lazada.vn & Zalora.vn ngày càng củng cố hoạt động của bộ phận Marketplace bên cạnh bán hàng trực tiếp đến người dùng. Lazada.vn rất nhanh chóng hợp tác với các bên có liên quan để phát triển những mảng mình còn yếu, ví dụ như hợp tác với NhomMua.com để cung cấp voucher ăn uống – dịch vụ – khách sạn; phân phối các mặt hàng siêu thị, mặt hàng tươi sống. Có lẽ, ngay cả chính Lazada.vn cũng không thể nào chịu được nhiệt và áp lực phát triển từ đối thủ đáng gờm nhất hiện tại: Adayroi.com

Adayroi.com đã chính thức đi vào hoạt động sau bao nhiêu ngày trông ngóng, đồn đoán của “cư dân ICT”. Không hổ danh là sản phẩm được VinGroup cất công cất của đầu tư kỹ lưỡng, Adayroi có khả năng đáp ứng tối đa 1500 đơn hàng/ngày trong giai đoạn thử nghiệm và giao hàng tận nơi trong ngày đối với hầu hết mặt hàng. Với chính sách giao hàng nhanh như tên lửa, các website mua bán hàng khác nếu không muốn bị cỗ máy này đè bẹp, buộc phải thay đổi mình hoặc tăng tốc nhanh hơn nữa.

Deca.vn có sự chống lưng từ Công ty Cổ phần Quảng cáo trực tuyến 24h, song, vẫn chọn cho mình một con đường an toàn hơn để phát triển: tập trung vào nhóm nhà cung cấp chất lượng và uy tín. Nếu chọn cho mình một định vị thương hiệu uy tín trong mắt khách hàng, có lẽ Deca.vn đã và đang làm rất tốt điều này. Tuy vậy, mình có chút e ngại với hoạt động thu hút khách hàng. Chương trình marketing thường thấy nhất của Deca.vn là tặng tiền cho khách hàng khi mua hàng. Không biết điều này sẽ có thể kéo dài được bao lâu? Incentive, theo mình, chưa bao giờ là sự lựa chọn bền vững cho con đường phát triển dài hạn.

VatGia.com có lẽ cũng rục rịch trở lại cuộc đua khi quyết định thay áo mới sau bao nhiêu năm tháng trung thành với giao diện khó xài, cũ kỹ, rối mắt. Startup Việt mình chẳng thoát nổi lời nguyền “đi trước nhưng luôn về sau” chăng? Hi vọng VatGia không mắc phải lời nguyền này.

Có một điểm cực kỳ đáng lưu ý chính là sự phát triển của sàn giao dịch thương mại điện tử trên di động. Nếu như cuối năm 2013 mình đã viết một bài phân tích về mô hình này, cho đến nay mới thấy rõ ràng dần chân dung của các key players nặng ký: Shopee.vn hậu thuẫn bởi Garena Singapore; Memeapp của một công ty Philippines (nghe đồn thế, mặc dù thấy tên đăng ký ở Google Play là công ty Singapore). Xu hướng khởi nghiệp trong mảng này cũng đang sôi động, có nhiều sản phẩm từ các team nhỏ lẻ khác nhau cũng rộ lên nhiều.

À năm nay cũng đánh dấu việc các website mua bán trực tuyến thay phiên nhau làm ứng dụng di động và khuyến khích khách hàng sử dụng rất nhiều. Đây là một tín hiệu tốt cho M – Commerce nói chung, khách hàng vừa tiện lợi, các sàn giao dịch hay website bán hàng vừa vui vì có thêm kênh tương tác trực tiếp với khách hàng, tha hồ push notification tới di động cho khách hen thay vì email marketing – vốn dĩ cổ lỗ sỉ quá rồi 🙂

3. Về giao nhận hàng hoá

GrabTaxi cũng đã đưa vào thử nghiệm GrabExpress, sau một thời gian thì gộp lại vào GrabBike. Giao Hàng Nhanh cho ra đời ứng dụng Ahamove nhằm tối ưu hoá bộ máy vận hành nội bộ và gia tăng tính tiện lợi cho khách hàng. Thoát khỏi định vị chỉ làm giao nhận hàng hoá đơn thuần, GHN đang hướng tới một thị trường mênh mông rộng lớn hơn bên ngoài: tối ưu hoá việc giao nhận vận tải bằng công nghệ và hưởng lợi từ nó.

GiaoHangTietKiem.vn nghe đồn là được đầu tư bởi Garena/E – Sports Việt Nam, dạo này thấy GHTK làm ở khu vực miền Bắc ổn phết. Mấy dịch vụ nhỏ lẻ khác cũng bắt đầu nở rộ, có những công ty nhỏ xíu, chỉ chuyên giao nhận hàng hoá cho các shop bán hàng online. Mình thích những bạn như thế, rất tập trung, rất hay 🙂

Các nhà xe lớn, điển hình là Phương Trang ngày càng chuyên nghiệp hoá quy trình chuyển hàng liên tỉnh. Đây là một bước tiến rất đáng ghi nhận cũng như cung cấp thêm sự tiện lợi cho người bán hàng.

Một số công ty lớn về giao nhận hàng hoá từ Nhật cũng đang tìm hiểu nhăm nhe thị trường Việt Nam bằng việc đặt ra vấn đề mua lại một số công ty giao nhận truyền thống & nâng cấp công nghệ cho họ :”) Thú vị đây thú vị đây 🙂

Đón đọc tiếp các kỳ sau:

– Điểm qua hoạt động các công ty cung cấp dịch vụ có liên quan trong TMĐT, ví dụ như nền tảng tạo website bán hàng, quản lý kho hàng, chăm sóc khách hàng, quảng cáo,v…v…

– Dạo quanh các công ty TMĐT lớn như VC Corp, NhomMua/CungMua, HotDeal.vn,… đang có gì vui?

– Công ty nào là công ty TMĐT “to” nhất Việt Nam hiện nay?

– Xu hướng khởi nghiệp – các sản phẩm hay ho trong TMĐT.

– Dự đoán 2016


Chia sẻ bài viết này